Trao giải Cuộc thi viết về bảo vệ môi trường ngành Công Thương năm 2023

Ngày 13/12/2023, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết về bảo vệ môi trường ngành Công Thương lần thứ II năm 2023.

Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và truyền thông; bà Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam; ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng - Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp; ông Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Công Thương; ông Khiếu Ngọc Sáng - Phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương...

Bên cạnh đó, còn có đại diện Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội nhà báo Việt Nam; các cơ quan đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, cơ quan báo chí trung ương, địa phương và 12 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Công Thương phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Công Thương cho biết, là một Bộ kinh tế đa ngành, trong những năm qua, Bộ Công Thương đã bám sát và nghiêm túc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội; các chương trình, đề án, chỉ đạo của Chính phủ về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường với tinh thần “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, “Lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu” và phù hợp với các cam kết quốc tế thời kỳ hội nhập, đặc biệt là cam kết giảm khí phát thải bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26.

Phát triển kinh tế xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường là một trong những quan điểm, chỉ đạo xuyên suốt của Đảng qua nhiều thời kỳ. Điều đó đã được thể hiện rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến Đại hội XIII; trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, sửa đổi, bổ sung năm 2011; trong các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1991 - 2000, 2001 - 2010, 2011 - 2020, 2021 - 2030; Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 25-6-1998, của Bộ Chính trị “Về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 15-11-2004, “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3-6-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”... Đồng thời hiện thực hóa bằng các Luật Bảo vệ môi trường năm 1993, 2005, 2014 và 2020.

Với quan điểm xuyên suốt là thúc đẩy sự phát triển bền vững; thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch, Đảng nhấn mạnh trách nhiệm của tất cả các chủ thể trong bảo vệ môi trường; Chú trọng kiểm soát ô nhiễm môi trường; khai thác sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội do nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan, tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp. Do vậy, cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, hành động của cộng đồng xã hội.

Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm với các nhóm tác giải đoạt giải Cuộc thi viết về bảo vệ môi trường ngành Công Thương lần thứ II năm 2023

Bên cạnh đó với sự chỉ đạo quyết liệt, cùng các chương trình kế hoạch hành động hiệu quả, và sự hưởng ứng vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, trong đó có báo chí - truyền thông, công tác bảo vệ môi trường nói chung và môi trường ngành Công Thương đã cải thiện rõ rệt ở tất cả các lĩnh vực. Nhiều công nghệ mới, thân thiện với môi trường đã được ứng dụng và đạt hiệu quả trong thực tiễn; hệ thống khí thải, nước thải tại các nhà máy công nghiệp được kiểm soát; rác thải nhựa, túi ni-lông trong sản xuất tiêu dùng được giảm thiểu, thay thế.

Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh thông tin thêm, tiếp nối thành công của Cuộc thi “Bảo vệ môi trường ngành Công Thương” tổ chức lần đầu vào năm 2016, năm 2023, và thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao trong công tác bảo vệ môi trường, Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức Cuộc thi Bảo vệ môi trường ngành Công Thương lần thứ II và giao cho Báo Công Thương phối hợp thực hiện nhằm tổng kết những kết quả đạt được, lan tỏa, tôn vinh những kinh nghiệm, mô hình, sáng kiến, góp ý hữu ích cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng xã hội trong công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương thông qua các tác phẩm báo chí, truyền thông.

Sau hơn 2 tháng phát động, Ban tổ chức tiếp nhận hơn 202 tác phẩm, nhóm tác phẩm dự thi của phóng viên, nhà báo từ nhiều cơ quan báo chí trung ương, địa phương; chuyên gia kinh tế - môi trường; tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên cả nước.

Theo đánh giá chung của Ban tổ chức, các tác phẩm báo chí dự Cuộc thi viết về bảo vệ môi trường ngành Công Thương lần thứ II khá đa dạng về loại hình, chất lượng khá đồng đều. Nội dung đã tập trung tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường nói chung và của ngành Công Thương nói riêng; Biểu dương các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quản lý nhà nước, ứng dụng khoa học công nghệ… góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường của ngành; Phản ánh những khó khăn, thách thức, tồn tại nhất là trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, sử dụng lãng phí năng lượng, sử dụng rác thải nhựa… từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương, đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và cam kết giảm phát thải nhà kính.

Chia sẻ tại Lễ tổng kết, thay mặt các tác giả đoạt giải, nhà báo Phạm Nguyên Long - Phó trưởng phòng Kinh tế (VOV 1- Đài Tiếng nói Việt Nam) - cho biết, những năm qua, báo chí cũng đã rất tích cực tuyên truyền, bảo vệ môi trường ngành Công Thương. Nếu báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền nhiều hơn, về nội dung này sẽ có sức lan tỏa hơn, tác động tích cực đến hành động bảo vệ môi trường ngành Công Thương.

Theo nhà báo Phạm Nguyên Long, trong thời gian tới, bảo vệ môi trường cần tiếp tục được quan tâm như một nhiệm vụ cấp thiết để tiếp tục duy trì sự phát triển bền vững của xã hội hiện tại và tương lai, trong đó vai trò của truyền thông báo chí rất quan trọng. Bảo vệ môi trường nhằm hướng tới phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với các cam kết hội nhập trong tình hình mới, đặc biệt là cam kết giảm khí phát thải bằng 0 vào năm 2050 (COP26). Đây là tiền đề để Việt Nam tái khẳng định nỗ lực và quyết tâm của mình để chung tay cùng thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 28 Theo đó, Bộ Công Thương và toàn ngành Công Thương sẽ tiếp tục chung tay vào cuộc cùng cả hệ thống chính trị vừa phát triển kinh tế xã hội, vừa bảo vệ môi trường, trong đó không thể thiếu vai trò của báo chí, truyền thông.

Sau vòng sơ loại và 2 vòng chấm sơ khảo, chung khảo, với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, công tâm của Ban Thư ký, Hội đồng chấm giải, Ban tổ chức đã chọn ra được 12 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Các giải thưởng gồm: 1 giải Đặc biệt, 1 giải A, 2 giải B, 3 giải C và 5 giải Khuyến khích.

Nhóm tác giả đoạt giải Khuyến khích

Nhóm tác giả đoạt giải C

Nhóm tác giả đoạt giải B

Tác giả đoạt giải A

Nhóm tác giả đoạt giải Đặc biệt

Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức giải Báo chí về bảo vệ môi trường ngành Công Thương lần thứ III với thời gian dài hơn, tăng số lượng giải thưởng. Theo đó, Ban tổ chức tiếp nhận các tác phẩm dự thi là các tác phẩm được đăng tải từ ngày 1/10/2023 đến ngày 30/7/2024; đồng thời lựa chọn ra 22 tác phẩm xuất sắc để trao giải trong đó có 1 giải Đặc biệt, 2 giải Chuyên đề, 1 giải A, 3 giải B, 5 giải C và 10 giải Khuyến khích.

12 tác phẩm xuất sắc được trao giải cuộc thi viết về bảo vệ môi trường ngành Công Thương lần thứ II năm 2023

Giải Đặc biệt:Tác phẩm: “Bảo vệ môi trường nhìn từ góc độ ngành Công Thương” của nhóm Tác giả: TS. Nguyễn Minh Phong, Ths. Nguyễn Trần Minh Trí, Nguyễn Thị Quỳnh Hương.

Giải A: Tác phẩm: “Từ chuyến tàu LNG lịch sử đến khát vọng "chuyển đổi xanh"” của tác giả Nguyễn Triệu Hải Minh (Báo điện tử VTV News - Đài Truyền hình Việt Nam)

Giải B:Tác phẩm: "Những vấn đề đặt ra khi Điện là trung tâm chuyển đổi năng lượng" của Tác giả Phạm Nguyên Long (VOV 1- Đài Tiếng nói Việt Nam).

Tác phẩm: “Phát triển làng nghề gắn với môi trường: Giấc mơ vẫn còn xa?” của tác giả Đặng Thái Yến (Báo Đại biểu Nhân dân)

Giải C:“Phóng sự 4 kỳ về giảm thải rác nhựa trong lĩnh vực bao bì” của tác giả Trần Thu Hường (Báo Công Thương)

Tác phẩm: “Thúc đẩy công nghiệp giao thông xanh” của nhóm Tác giả Đỗ Mạnh Hưng; Vũ Thị Dung (Báo Quân đội Nhân dân)

Tác phẩm: “Thực hiện EVFTA – Đòn bẩy xanh hóa sản xuất” của tác giả Lê Thị Việt Hằng (Tạp chí Công Thương)

Giải Khuyến khích:Tác phẩm: “Xanh hóa khu công nghiệp” của tác giả Nhữ Thị Khánh Ly (Báo Tài nguyên và Môi trường)

Tác phẩm: “Phát triển bền vững là lựa chọn tất yếu của các doanh nghiệp” của tác giả Lê Thị Thanh Thủy (Báo Chính phủ)

Tác phẩm: “Sản phẩm sinh học phân hủy: Xu hướng thân thiện với môi trường” của tác giả Nguyễn Thị An (Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh)

Tác phẩm “Thực thi các giải pháp giảm sử dụng túi ni-lông dùng một lần” của tác giả Vương Trung Tuyến (Báo Nhân dân)

Tác phẩm: “Nhiệt điện than chạy 20 năm phải chuyển đổi nhiêu liệu, 40 năm phải dừng hoạt động” của tác giả Phan Văn Hậu (Báo Thanh Niên).

Hà Trần - Cấn Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/trao-giai-cuoc-thi-viet-ve-bao-ve-moi-truong-nganh-cong-thuong-nam-2023-291677.html