Trao 'cần câu' cho lao động nông thôn

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 đang được các ngành, địa phương thực hiện với những phần việc, lĩnh vực phụ trách. Trong đó, hoạt động phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm vùng đồng bào DTTS, miền núi theo Tiểu dự án 3 của chương trình được triển khai, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm thực hiện hiệu quả được ví như trao thêm nhiều cần câu cho lao động nông thôn.

Phát huy nghề được đào tạo

Được người thân giới thiệu, sau 1 tháng tham gia lớp học nghề ngắn hạn vào năm 2022, anh Huỳnh Văn Tâm ở xã Long Hưng, huyện Phú Riềng được nhận vào làm việc tại Công ty cổ phần Đầu tư thương mại - xuất nhập khẩu An Phú ở phường Long Phước, thị xã Phước Long. Anh Tâm chia sẻ: Qua lớp học, tôi biết đến nghề làm bao bì, nhìn vào thì rất đơn giản nhưng phải học mới làm được. Hiện công việc của tôi ở công ty cho thu nhập ổn định.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các phiên giao dịch việc làm về nông thôn để người dân tiếp cận được nhiều thông tin thị trường lao động. Trong ảnh: Các đơn vị tuyển dụng tư vấn việc làm tại phiên giao dịch việc làm năm 2023

Cũng từng tham gia lớp học nghề ngắn hạn, chị Thị Phúc ở ấp 1, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú được nhận vào làm việc tại doanh nghiệp ở địa phương. Chị Thị Phúc bày tỏ: Sau khi học nghề, tôi được nhận vào công ty ở địa phương làm việc, thu nhập khá, công việc đều đặn. Khi được đào tạo, học nghề đã giúp bản thân rất nhiều.

Sau khi tham gia đào tạo ngắn hạn, những lao động ở vùng nông thôn có công việc các công ty, doanh nghiệp sản xuất ngay địa phương. Trong ảnh: Chị Thị Phúc, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú trong giờ làm việc

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nghề, các học viên có việc làm ổn định, vận dụng kiến thức được học áp dụng hiệu quả vào sản xuất. Đây là giải pháp căn bản để các địa phương thực hiện mục tiêu ổn định và nâng cao đời sống đồng bào DTTS, miền núi, rút ngắn khoảng cách giữa các khu vực. “Với chúng tôi, công việc lao động phổ thông phù hợp, vừa sức mình, thu nhập cũng khá, lại làm việc gần nhà rất thuận lợi” - chị Thị Sen, ấp Thuận Hòa 2, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú khẳng định.

Tăng cường đào tạo nghề

Thời gian qua, công tác giáo dục nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm vùng DTTS và miền núi ở Bình Phước đã có những đổi mới và hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Chị Đoàn Thị Bình Yên ở xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng bộc bạch: Tôi và các anh chị em làm việc ở công ty tại địa phương đã khá lâu, lương ổn định. Mọi người quan tâm nhau, công ty thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định, phù hợp với người lao động.

Chị Đoàn Thị Bình Yên trong giờ làm tại công ty TNHH Hạt điều Đồng Phú, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng

Hoạt động đào tạo nghề là nội dung thành phần trong tổng thể chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 1, từ năm 2021-2025. Thực tế, việc đào tạo nghề hiệu quả sẽ là giải pháp căn bản để các địa phương thực hiện mục tiêu ổn định và nâng cao đời sống đồng bào DTTS. Chị Thị Xia ở thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng chia sẻ: Được sự hỗ trợ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tháng 4-2023, tôi tham gia lớp truyền dạy kỹ thuật chế biến rượu cần truyền thống của người S’tiêng do đơn vị tổ chức. Đây là hoạt động rất thiết thực nhằm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc S’tiêng.

Đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, chúng tôi tiếp tục phối hợp với địa phương tổ chức phiên giao dịch việc làm. Chúng tôi ưu tiên tổ chức các phiên giao dịch việc làm đặc thù để giúp lao động nông thôn có những thông tin đầy đủ, tìm kiếm việc làm thuận lợi hơn.

Ông Trần Đại Kỳ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh

Năm 2023, Bình Phước ước thực hiện giải quyết việc làm cho hơn 41.000 lao động, đạt 102,5% kế hoạch năm. Để tiếp tục hỗ trợ phát triển thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các hoạt động tạo điều kiện cho lao động là người DTTS tiếp cận thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; hỗ trợ thanh niên DTTS sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng.

Công tác đào tạo nghể, giải quyết việc của tỉnh có những chuyển biến tích cực, giúp người lao động có thu nhập ổn định. Khi có việc làm không chỉ cá nhân người lao động ổn định cuộc sống mà còn góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương

Phấn đấu năm 2025, có 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp nhu cầu, điều kiện của người DTTS và đặc thù vùng DTTS, miền núi là một trong những mục tiêu trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, việc xây dựng các mô hình đào tạo nghề phù hợp điều kiện tự nhiên và tập quán vùng đồng bào DTTS, miền núi gắn với giải quyết việc làm hiệu quả được xem là nhân tố quan trọng để người dân ổn định cuộc sống.

Anh Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/151693/trao-can-cau-cho-lao-dong-nong-thon