Tránh thương mại hóa việc chọn sách giáo khoa

Từ khi thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách đến nay, việc chọn sách giáo khoa (SGK) luôn là vấn đề gây nhiều lo ngại. Thương mại hóa trong chuyện lựa chọn SGK là điều cần tránh.

Tránh lợi ích nhóm trong lựa chọn sách giáo khoa. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Trao quyền cho nhà trường

Với chủ trương "một chương trình, nhiều SGK", Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 sắp bước sang năm thứ 5. Thực tế cho thấy, kể từ khi triển khai chương trình GDPT mới đến nay, nhiều trường vẫn lúng túng trong việc lựa chọn SGK. Vì vậy, Bộ GDĐT ban hành dự thảo thông tư mới, trao quyền lựa chọn SGK cho các cơ sở giáo dục, giáo viên và phụ huynh.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng, quy định mới trong dự thảo trả lại đúng vai trò cho giáo viên và các cơ sở giáo dục. Thầy cô giáo là người hiểu rõ điều kiện và hoàn cảnh học sinh từng nơi, từng vùng để từ đó chọn những bộ SGK đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, các trường phải làm một cách nghiêm túc, vì yêu cầu đổi mới giáo dục để lựa chọn SGK phù hợp, không bị tác động bởi yếu tố khác. Khi được làm chủ phải thực sự tròn trách nhiệm, tránh làm mất đi tính khách quan.

Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, trao quyền lựa chọn SGK cho cơ sở GDPT là hợp lý và ở nhà trường thì giáo viên trực tiếp giảng dạy là người có vai trò quan trọng trong việc chọn sách. Giáo viên đọc nhiều SGK môn mình dạy, có thể thảo luận trong tổ bộ môn để tìm ra SGK nào phù hợp nhất với học sinh của trường.

Cô giáo Phạm Thị Thanh Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) chia sẻ, giáo viên cũng mong muốn chọn được SGK phù hợp, thuận lợi cho việc dạy, việc học. Trao quyền cho các nhà trường là phù hợp.

Tránh biến tướng

Từ khi thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK đến nay, việc chọn SGK luôn là vấn đề gây nhiều lo ngại. Mới đây, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá: Quy định lựa chọn SGK phổ thông chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương. Thậm chí, tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh.

Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thương mại hóa trong chuyện lựa chọn SGK là điều cần tránh. Đáng lẽ SGK tốt thì được chọn, nhưng vì “thương mại hóa” lại chọn bộ không tốt.

Dù ủng hộ chủ trương trao quyền chọn sách cho nhà trường, nhiều thầy cô và chuyên gia giáo dục vẫn băn khoăn. Trong bối cảnh xã hội hóa SGK, không thể tránh khỏi việc các đơn vị xuất bản sách chủ động tiếp cận nhà trường và đưa ra những chào mời. Giám sát không tốt sẽ lại nảy sinh biến tướng, “lợi ích nhóm”.

Theo quy định, Chương trình GDPT 2018 hiện có 3 bộ SGK gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh Diều. Giáo viên và nhà trường có thể chỉ chọn một hoặc chọn sách từ cả 3 bộ để dạy học sinh của mình.

Vì vậy, dù trao quyền cho nhà trường, giáo viên và phụ huynh, vẫn cần giám sát việc lựa chọn SGK.

PGS.TS Nguyễn Chí Thành - Chủ nhiệm khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, phải quy định chặt chẽ, tường minh trong trường hợp cấp cao hơn (phòng GDĐT, sở GDĐT) muốn nhà trường thay đổi lựa chọn khi đề xuất lên cấp UBND tỉnh. Như vậy việc tham gia chọn sách và quyền lựa chọn của nhà trường mới thực chất.

Dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong các trường phổ thông sẽ được Bộ GDĐT lấy ý kiến rộng rãi trong vòng 60 ngày, kết thúc vào 20/12. Khi được ban hành, thông tư này sẽ thay thế Thông tư 25 của Bộ GDĐT quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tranh-thuong-mai-hoa-viec-chon-sach-giao-khoa-5742769.html