Tránh nguy cơ phá rừng từ những lò sấy thuốc lá thủ công

Tỉnh Bắc Kạn có khoảng 900ha trồng cây thuốc lá và hầu hết sản phẩm đều được sấy khô tại chỗ bằng các lò đốt củi thủ công. Các lò sấy thuốc lá truyền thống bằng củi của người dân đang làm tăng áp lực lên những cánh rừng tự nhiên về nguy cơ khai thác gỗ trái phép.

Xã Sỹ Bình là vùng trồng thuốc lá trọng điểm của huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Tại đây, diện tích cây thuốc lá lúc cao điểm lên tới 90ha, hiện nay còn khoảng 40ha với gần 180 hộ dân tham gia canh tác. Với sản lượng khoảng 600-700 tấn lá tươi, việc dùng củi làm chất đốt sấy sản phẩm đã gây mối lo ngại về nguy cơ gia tăng các vụ khai thác rừng tự nhiên trái phép.

Thuốc lá là cây trồng chủ lực tại xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn

Thuốc lá là cây trồng chủ lực tại xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn

Để hạn chế việc người dân vào rừng lấy gỗ làm chất đốt, năm 2017, huyện Bạch Thông đã triển khai thí điểm một số lò sấy sử dụng chất đốt bằng than đá. Tuy nhiên, đề án nhanh chóng "phá sản" khi chính quyền dừng hỗ trợ kinh phí mua than, hỗ trợ cước vận chuyển. Mặt khác, do lò sấy thuốc lá thường được xây dựng ngay cạnh nhà ở nên người dân cũng cho rằng lò than gây mùi khó chịu và quy trình chuẩn bị chất đốt cũng phức tạp hơn.

Ông Hoàng Nguyên Khoa, Bí thư Chi bộ Nà Lẹng, xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông nói: “Khi sấy thử bằng than, do bà con chưa có kinh nghiệm trong việc trộn than và chưa đốt bao giờ nên những lò đầu tiên chất lượng thuốc lá không được như mong muốn. Hiện các lò này không sử dụng nữa, do người dùng than ít nên đơn vị có xe vận chuyển về đây cũng không bõ công”.

Không chỉ ở huyện Bạch Thông, nhiều địa phương của tỉnh Bắc Kạn cũng đã thử nghiệm mô hình lò sấy thuốc lá dùng than đá nhưng hầu như không nhận được sự hưởng ứng của người dân, dù các lò này được đánh giá cho chất lượng thuốc sấy tốt hơn. Nguyên nhân được đưa ra là chi phí cao, tốn công phối trộn nguyên liệu và không tiện bằng sử dụng củi gỗ. Khi công tác quản lý rừng được thực hiện chặt chẽ khiến nguồn củi gỗ làm chất đốt giảm, kéo theo diện tích trồng thuốc lá cũng giảm theo.

Cây thuốc lá góp phần giúp người dân miền núi thoát nghèo

Cây thuốc lá góp phần giúp người dân miền núi thoát nghèo

Ông Ma Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông cho biết: “Chủ yếu diện tích rừng của xã là rừng phòng hộ không được tác động và diện tích rừng phải bảo vệ rất lớn nên cũng không có chất đốt, rất khó cho việc sấy thuốc lá nên diện tích trồng cũng thu hẹp dần. Xã đã thành lập Ban phát triển rừng tuyên truyền và cho người dân cam kết không khai thác rừng tự nhiên, ở đây người dân chủ yếu tận dụng tỉa cành, tỉa tán rừng sản xuất để cho sấy thuốc lá. Những năm trước đã đề nghị cấp trên hỗ trợ chuyển đổi lò sấy nhưng vẫn chưa hiệu quả”

Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có khoảng 900ha trồng thuốc lá, tập trung tại các huyện Ngân Sơn, Bạch Thông, Na Rì, Chợ Mới và tất cả đều được sấy bằng những lò đốt củi. Mỗi lò sấy thường tiêu thụ từ 5-10 m3 củi/vụ thu hoạch nên với khoảng 3.800 lò sấy thủ công hiện có, lượng gỗ tiêu thụ có thể lên đến hàng chục nghìn m3 mỗi năm.

Tỉnh Bắc Kạn có khoảng 3.800 lò sấy thuốc lá thủ công, tiêu thụ hàng chục ngàn m3 củi mỗi năm

Tỉnh Bắc Kạn có khoảng 3.800 lò sấy thuốc lá thủ công, tiêu thụ hàng chục ngàn m3 củi mỗi năm

Thời gian qua, với sự hướng dẫn của Sở Khoa học - Công nghệ và một số doanh nghiệp tiêu thụ, người dân đã dần cải tiến lò sấy để có thể sử dụng cả củi gỗ và than; tiết kiệm khoảng 50% chất đốt. Vậy nhưng hiện việc chuyển mô hình lò cải tiến vẫn chưa phổ biến và người dân vẫn ưu tiên sử dụng củi thay vì các nhiên liệu khác.

Ông Hoàng Văn Kiệm, Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn cho rằng: “Có nhiều hộ cũng mong muốn chính quyền hỗ trợ chuyển đổi lò sấy, nhưng đa phần thì vẫn chưa quan tâm vì cho rằng gia đình vẫn đủ nguyên liệu củi cho công việc này. Do đó, huyện đang chỉ đạo phòng NN&PTNT rà soát lại toàn bộ các hộ trồng thuốc lá và tới này sẽ vận động chuyển sang lò cải tiến tiết kiệm nhiên liệu và hướng từ đốt củi sang đốt bằng than”.

Mỗi vụ, cây thuốc lá có thể cho thu nhập lên đến 200 triệu đồng/ha và hiện đây vẫn là cây trồng mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân ở nhiều vùng của tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, về lâu dài ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần tích cực tham mưu cho lãnh đạo địa phương có những định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với mục tiêu xây dựng nông nghiệp thông minh vừa tránh được nguy cơ khai thác trái phép rừng tự nhiên để lấy củi gỗ sử dụng cho các lò sấy thuốc lá thủ công./.

Công Luận/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tranh-nguy-co-pha-rung-tu-nhung-lo-say-thuoc-la-thu-cong-post1025521.vov