Tranh giành sở hữu những gì còn sót lại từ kho báu Huế bị nấu chảy

Dựa theo những tư liệu chính thức của Pháp, tác giả sách đã lần theo dấu vết những kho báu dưới triều Nguyễn (sau ngày kinh đô thất thủ 5/7/1885): Phần được lực lượng nổi dậy chuyển đi cất giấu, phần bị người Pháp chuyển về nước, phần do vua chúa tích lũy hay tiêu pha…Sau gần 15 năm tranh chấp, phần còn lại của kho báu kinh thành Huế (phần lớn bị nấu chảy) thuộc về Viện Bảo tàng Tiền cổ thuộc Cơ quan Đúc tiền và Huân Huy chương của Pháp.

Giờ đây là lúc mà người ta sẽ ra sức tranh giành sở hữu những gì còn giữ lại được từ kho báu. Hai bộ sưu tập như nhau được hình thành [từ kho báu] lại càng nung nấu nguyện vọng từ phía Thư viện Quốc gia muốn sở hữu một phần trong số các vật phẩm.

Léopold Delisle, tổng quản trị viên [Thư viện Quốc gia], được sự ủng hộ của Bộ trưởng Giáo dục, Edouard Lockroy, bày tỏ rõ ràng nguyện vọng với giám đốc Sở Đúc tiền, qua một bức thư khá khô khan ngắn gọn ghi ngày 28 tháng 5 năm 1888: “Thưa ông Giám đốc, tôi rất biết ơn nếu ông cho tiến hành chuyển giao các vật phẩm cho Thư viện Quốc gia, hình như hiện nay vẫn được lưu giữ ở Sở Đúc Tiền và đang sẵn sàng để bàn giao lại cho Thư viện Quốc gia”.

Léon Bourgeois, lúc đó đang là Phó Quốc vụ khanh thuộc [Văn phòng] Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ủng hộ việc như vậy, vào tháng 7 năm 1888, đã viết cho Bộ trưởng Tài chính, Paul Peytral, ông đề nghị “phân chia một số nén vàng và nén bạc đến từ Bắc Kỳ cho hai cơ quan, Sở Đúc tiền và Thư viện Quốc gia”.

Peytral nói trắng ra quan điểm: “Vì cơ quan phụ trách Bảo hộ chỉ có thể giao nhượng [những vật phẩm đó] theo điều kiện có bù đắp về tài chính, và vì các khoản dự chi ngân sách không thể cho phép sự chuyển giao như vậy […] và dù Thư viện Quốc gia quan tâm đến việc được nhận một trong số các bộ sưu tập được lưu trữ [từ kho báu Huế], theo quan điểm của tôi là không thể đáp ứng yêu cầu của phía Thư viện Quốc gia mà không có ý kiến đồng ý của cơ quan phụ trách Bảo hộ”.

Do đó, do không có ngân sách, ngay cả phần [vật phẩm sưu tập] đã được ngầm hiểu sẽ được bàn giao, cũng không thể chuyển giao lại cho Văn phòng Huân Huy chương.

Nhưng cuộc tranh giành quyền sở hữu bộ sưu tập còn lại kho báu Huế không dừng lại ở đó. Vào tháng 7 năm 1890, tân Bộ trưởng Giáo dục và Nghệ thuật, không ai khác chính là Léon Bourgeois, nhấn mạnh trở lại vấn đề này một cách mạnh mẽ.

Ông viết cho vị đồng nghiệp Bộ trưởng Tài chính, Maurice Rouvier, ông này cũng đáp lại tương tự câu trả lời của Paytral hai năm trước đó: Thư viện Quốc gia không có phương tiện tài chính để có thể sở hữu [bộ sưu tập], vậy thì cái phần sưu tập lẽ ra có thể được giao nhượng cho Thư viện Quốc gia, vẫn sẽ lưu trữ ở Sở Đúc tiền.

Nhưng nếu Thư viện Quốc gia không thể nhận những vật phẩm sưu tập được cho là thuộc sở hữu của Thư viện để nhập vào các bộ sưu tập huân huy chương của Thư viện, Sở Đúc tiền Paris cũng không vì lẽ đó tự xem là chủ sở hữu các bộ sưu tập: các chủ sở hữu thực sự [của những gì còn lại từ kho báu của Huế] chính là các bộ sau: Bộ Tài chính, Bộ Hải quân và Thuộc địa.

Một số ít nén vàng kho báu Huế được lưu trữ lại cho đến ngày nay. Ảnh: sciencesetavenir/11conti-monnaie de Paris.

Một công văn ngày 9 tháng 3 năm 1891 nói rõ: “Cơ quan (Đúc tiền và Huân Huy chương), theo quyết định bộ trưởng ký các ngày 19/2/1887 và ngày 21/7/1888, được phép tạm thời lưu trữ một số đồng tiền, tiền thưởng cùng các nén vàng, nén bạc xuất xứ từ kho báu xứ An Nam, vốn đã được chọn lựa ra vì có giá trị đối với các bộ sưu tập quốc gia”, nhưng tất cả ý nghĩa [của văn bản] nằm ở từ “tạm thời” (provisoirement sic).

Và trong khuôn khổ của hành chính kế toán công, những nén vàng, nén bạc này phải được xuất hiện [trong ghi chép sổ sách]: do đó phải mở ra một tài khoản ngân sách [compte de trésorerie sic] có tên là “Kho báu [của/từ] Huế”. Tài khoản này sẽ được hạch toán theo giá trị của khối kim loại, nghĩa là khoảng 111.842,82 quan Pháp”.

Vào tháng 3 năm 1900, giám đốc mới của Sở Đúc Tiền, François-Auguste Arnauné, yêu cầu có quyết định chuyển giao dứt khoát bộ sưu tập [tiền An Nam] cho Bảo tàng Tiền cổ.

Vụ việc kéo dài đã hơn mười lăm năm, những nhân vật chính trong tranh chấp, từng người một, hoặc đã thỏa mãn hoặc đã ra đi: nay đã đến lúc thoát hẳn ra khỏi chuyện rối rắm như vậy. Ngày 24 tháng 4 năm 1900, Roger Aubert de Trégomain, giám đốc “Vụ quản lý chuyển dịch ngân sách công” [directeur du mouvement général des fonds sic] thuộc Bộ Tài chính, thảo một công văn gửi cho Bộ trưởng Joseph Caillaux:

“Vào tháng 7 năm 1885, quân đội Pháp đã chiếm giữ tại [Kinh thành] Huế kho báu hoàng gia của xứ An Nam, có giá trị, theo danh mục được thiết lập, là 12.418.802,62 quan Pháp. Năm 1886, tiếp theo những trao đổi qua văn thư giữa các Bộ: Tài chính, Hải quân và Thuộc địa, và Ngoại giao, đã quyết định là một nửa Kho báu sẽ được hoàn trả cho Hoàng đế An Nam. Về nửa còn lại (nghĩa là hơn 6 triệu quan Pháp) sẽ được gửi về Paris để [nấu chảy] đúc thành các đồng tiền vàng và bạc”.

Caillaux chấp thuận ý tưởng cho cấp một khoản chi là 111.841 quan Pháp để sở hữu bộ sưu tập đang lưu giữ. Trong khi chờ đợi, ngày 2 tháng 4 năm 1900, phần còn lại của kho báu từ Huế được “tạm thời” bàn giao cho ông Martin, người quản lý bảo tồn của Viện Bảo tàng Tiền cổ.

Ngày 23 tháng 10 năm 1900, cơ quan Tổng vụ Kế toán công quỹ [la direction générale de la Comptabilité publique sic] thuộc Bộ Tài chính gửi một công văn cho Vụ Kiểm tra Quản trị tài chính (Contrôle des administrations financìeres sic) để đề nghị cho ghi một yêu cầu về ngân sách vào phần ngân sách phụ của cơ quan về Đúc Tiền và Huân huy chương, trong đó nói rõ:

“Các nén vàng bạc và tiền thưởng, mà lẽ ra lúc khởi đầu đã phải được nấu đúc thành tiền vàng và tiền bạc để giao cho cơ quan phụ trách các vùng bảo hộ, vì có giá trị về mặt nghệ thuật hay lịch sử cho các bộ sưu tập [quốc gia] của chúng ta nên đã được lưu trữ. Vì thiếu ngân sách thường chi để [mua lại làm] sở hữu, giá trị của chúng đã được [định giá và] thanh toán cho cơ quan phụ trách Bảo hộ qua một tài khoản quy định bởi ngân khố”.

Thật vậy, điều 11 mục V của luật tài chính ngày 30 tháng 12 năm 1900 nói rõ: “Đã cho mở ra ở Bộ Tài chính, trong mục ngân sách hàng năm của cơ quan đúc tiền và huân huy chương, tài khóa 1900, bổ sung cho các khoản chi theo luật tài chính ngày 13 tháng 4 năm 1900, một khoản chi đặc biệt với số tiền là một trăm mười một nghìn tám trăm bốn mươi hai quan [Pháp] và tám mươi hai xu (111.842,82), áp dụng theo mục II [có tựa] Thiết bị của cơ quan hành chánh. Sẽ được cung cấp cho khoản chi này với những nguồn lực riêng thuộc ngân sách bổ sung cho tài khóa năm 1900”.

Bộ sưu tập, là phần còn lại của kho báu từ Huế [sau khi phần lớn đã bị xử lý “nấu chảy để đúc tiền”], được Gabriel Devéria phân loại đề nghị lưu giữ, từ đó thuộc về Viện Bảo tàng Tiền cổ thuộc Cơ quan Đúc tiền và Huân Huy chương, cho đến nay vẫn còn ở đó. Bộ sưu tập gồm 62 nén vàng, 80 đồng tiền thưởng bằng vàng, một đồng roupie bằng vàng, bốn nén bạc và hai sao thử vàng [touchau sic] bằng đồng thau.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tranh-gianh-so-huu-nhung-gi-con-sot-lai-tu-kho-bau-hue-bi-nau-chay-post1343628.html