Tránh để xuất khẩu gỗ sang Mỹ thiệt đơn thiệt kép vì gian lận xuất xứ

Nghi vấn 'đường đi' gỗ bạch dương của Nga để lách lệnh trừng phạt từ Mỹ đang là dấu hỏi lớn, trong khi truyền thông quốc tế đề cập đến vai trò của công ty Trung Quốc khi 'mượn đường' của Việt Nam. Điều đó đòi hỏi cần tiếp tục có những cảnh báo sớm để tránh thiệt đơn thiệt kép cho các nhà xuất khẩu gỗ của Việt Nam trước các chiêu trò gian lận xuất xứ.

Vào đầu tháng 10/2022, trên tờ Washington Post của Mỹ đã dẫn một báo cáo mới từ cơ quan Environmental Investigation Agency (EIA), có trụ sở tại Anh, cho rằng gỗ bạch dương của Nga được chuyển qua châu Á trước khi được chuyển đến các cửa hàng ở Mỹ.

Dấu hỏi “đường đi” của gỗ Nga

Cụ thể, gỗ bạch dương của Nga vẫn tiếp tục đến tay người tiêu dùng của Mỹ, ngụy trang dưới dạng sản phẩm châu Á nhằm tránh các lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Cũng theo Washington Post, một chủ nhà máy gỗ Trung Quốc nói với EIA rằng tất cả gỗ trong công ty của họ đều có xuất xứ từ Nga nhưng được đóng gói lại tại Trung Quốc và xuất khẩu (XK) sang Việt Nam, với tên Trung Quốc được ghi là quốc gia xuất xứ.

Cần tiếp tục có những cảnh báo sớm nhằm giảm thiểu các rủi ro về mặt xuất xứ đối với nhà sản xuất gỗ chân chính của Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo Alex Bloom, chuyên gia phân tích của EIA được Washington Post dẫn lời: Chúng tôi đã biết rõ từ các cuộc điều tra trước đây rằng một lượng lớn gỗ của Nga, đặc biệt là bạch dương, được sử dụng trong các nhà máy Trung Quốc để làm ván ép XK. Sau khi thuế chống bán phá giá của Mỹ có hiệu lực đối với ván ép gỗ cứng của Trung Quốc (vào năm 2017), rất nhiều nhà máy của Trung Quốc đã di cư sang Việt Nam để tránh các mức thuế đó.

Quan sát vấn đề này, giới chuyên gia cho rằng việc đóng gói lại gỗ bạch dương mà phía công ty Trung Quốc mô tả không chỉ vi phạm các quy tắc và luật pháp thương mại của Mỹ mà còn có thể bị coi là bất hợp pháp theo hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ của Việt Nam.

Điều này có nghĩa là ngay cả khi sử dụng các thị trường trung gian thì nguồn gốc cũng phải được biết rõ. Mọi hoạt động đổi thương hiệu đều bị coi là bất hợp pháp. Cho nên, yêu cầu đặt ra là phải biết nguồn gốc của một sản phẩm gỗ như một phần của quá trình thẩm định khi nhập khẩu gỗ hoặc sản phẩm gỗ vào Việt Nam.

Có thể thấy, không chỉ vấn đề với gỗ bạch dương từ Nga mà việc gỗ và sản phẩm gỗ Trung Quốc “mượn đường”, “mượn xuất xứ”, “đội lốt” của Việt Nam để xuất sang Mỹ vẫn còn nhiều điều đáng lưu tâm dù cho trước đây đã cảnh báo nhiều từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Trong khi đó, trong báo cáo “thương mại gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam - Trung Quốc” của nhóm tác giả Nguyễn Vinh Quang, Cao Thị Cẩm, Tô Xuân Phúc được công bố cách đây không lâu có nhận định có hai mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc là ván bóc, ván lạng và gỗ dán, trong đó kim ngạch nhập khẩu ván bóc, ván lạng có xu hướng tăng rất mạnh từ năm 2018.

Cần tiếp tục cảnh báo sớm

Theo giới phân tích, có 2 hình thức gian lận chính mà các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư Trung Quốc đang lợi dụng để lấy xuất xứ Việt Nam để xuất sang Mỹ. Thứ nhất là nhập khẩu (NK) gỗ ván bóc, gỗ dán nhưng sau đó lấy xuất xứ Việt Nam để xuất đi. Thứ hai là nhiều DN mua nguyên liệu từ nhà cung cấp là DN có vốn đầu tư Trung Quốc nhưng mỗi DN chỉ mua một vài sản phẩm, sau đó lắp ráp lại.

Và chính từ chuyện gian lận xuất xứ này đã dẫn đến không ít vụ điều tra chống bán phá giá (nhất là từ phía Mỹ) đối với mặt hàng gỗ, nhất là gỗ ván bóc và gỗ dán. Chính điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động XK của các DN sản xuất gỗ Việt Nam, thậm chí có thể đối diện với thiệt đơn thiệt kép, rủi ro phá sản rất cao nếu bị áp đặt các loại thuế phòng vệ hà khắc.

Ở một diễn biến khác, vào giữa tháng 9/2022 Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo gia hạn lần thứ tư thời gian ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp (CTC) đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, kết luận cuối cùng dự kiến được ban hành vào ngày 31/1/2023.

Trước đó, vào tháng 7/2022, DOC đã công bố kết luận sơ bộ của vụ việc, cho rằng sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp dụng thuế CBPG và CTC như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Còn gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác không bị áp dụng thuế CBPG và CTC.

Mặt khác, DOC cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam (trừ các DN mà DOC đánh giá là không hợp tác đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan điều tra) cũng như các nhà nhập khẩu Mỹ tham gia cơ chế tự xác nhận để được loại trừ khỏi biện pháp lẩn tránh.

Nên nhớ, Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Mỹ, với trị giá chiếm 36,2% tổng trị giá nhập khẩu. Hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ nhập khẩu từ Việt Nam đều chiếm tỷ trọng cao trong tổng nhập khẩu vào Mỹ.

Với thị phần lớn như vậy thì cũng luôn đi kèm với rủi ro phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế. Cho nên, để tránh rủi ro từ các vụ kiện thì các DN Việt Nam cần tuân thủ triệt để các quy định của thị trường, đặc biệt là về nguồn gốc xuất xứ. Nhất là tính hợp pháp của nguyên liệu cũng sẽ giúp ngành gỗ Việt Nam giữ vững thị phần tại thị trường này.

Và quan trọng là phải ngăn chặn được tình trạng gian lận xuất xứ từ gỗ và sản phẩm gỗ của Trung Quốc “mượn đường” để xuất sang Mỹ. Điều này đòi hỏi cần tiếp tục có những cảnh báo sớm nhằm giảm thiểu các rủi ro về mặt xuất xứ đối với nhà sản xuất gỗ chân chính của Việt Nam.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tranh-de-xuat-khau-go-sang-my-thiet-don-thiet-kep-vi-gian-lan-xuat-xu-1088332.html