Tranh chấp về việc đặt ống dẫn nước qua đất liền kề ở xã Suối Cát: Có thể nhờ tòa án giải quyết

Vừa qua, bà Phạm Thị Kim Loan (thôn Khánh Thành Nam, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) có đơn gửi đến Báo Khánh Hòa phản ánh về việc hệ thống ống nhựa dẫn nước của gia đình bà bị gia đình ở thửa đất liền kề làm ảnh hưởng. Tuy vụ việc đã được địa phương xem xét giải quyết nhưng các bên vẫn chưa thống nhất.

Rào chắn, cải tạo khu đất làm ảnh hưởng đến việc lấy nước sông

Theo đơn khiếu nại và hồ sơ bà Loan gửi đến Báo Khánh Hòa, ngày 16-1-2017, bà Loan được UBND huyện Cam Lâm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) thửa đất số 293, tờ bản đồ số 36 (địa chỉ thôn Khánh Thành Nam, xã Suối Cát) diện tích 1.255,2m2. Từ năm 2020, bà lắp đặt hệ thống sản xuất nước đá trên phần đất này. Lúc đó, bà có lắp đường ống nhựa để hút nước từ sông Suối Dầu thông qua một lối đi chung xuống sông giáp với ranh giới phía sau thửa đất. Đây là phần đất công do Nhà nước quản lý. Tuy nhiên sau đó, phần đất công này đã được gộp vào phần đất thuộc thửa số 88, tờ bản đồ số 36 và được địa phương cấp GCNQSDĐ cho người dân. Trải qua quá trình sang nhượng của nhiều chủ đất, đến nay, bà Phạm Thị Thanh Trúc đang là chủ sử dụng đất thửa đất liền kề này. Trong quá trình sử dụng đất, bà Trúc đã rào chắn, cải tạo khu đất khiến bà Loan không còn đường xuống sông Suối Dầu như trước đây và làm ảnh hưởng đến hệ thống ống lấy nước từ sông Suối Dầu vào nhà máy xử lý nước đá của gia đình bà.

Theo hồ sơ bà Loan cung cấp, ngày 3-3-2023, UBND huyện Cam Lâm tổ chức buổi tiếp công dân để giải quyết các kiến nghị của bà. Ông Ngô Văn Bảo - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm kết luận: Qua kiểm tra hiện trạng, ranh giới vị trí đất của 2 gia đình thì 2 bên không có tranh chấp về ranh giới. Ranh giới được xác định bằng trụ gỗ, khung sắt lưới B40 do gia đình bà Trúc rào. Việc bà Loan phản ánh bà Trúc đổ đất, trồng cây, lấn chiếm sông Suối Dầu, lấp hệ thống bơm nước đá là không có cơ sở giải quyết. Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm đề nghị UBND xã Suối Cát theo dõi, hướng dẫn bà Loan liên hệ với chủ sử dụng đất (bà Trúc) để thỏa thuận lối đi chung theo quy định của pháp luật; kiểm tra và xử lý trường hợp lấn chiếm đất, sông, suối do Nhà nước quản lý (nếu có).

Tuy nhiên, bà Loan cho rằng, kết luận nêu trên của Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm không thỏa đáng. Do đó, bà Loan đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền các cấp xem xét về cơ sở pháp lý việc cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất số 88 cho bà Trúc là đúng hay sai. Bà đề nghị chủ sử dụng thửa đất số 88 không làm hỏng đường ống dẫn nước phục vụ cho nhà máy sản xuất nước đá của gia đình bà.

Chưa thống nhất được hướng giải quyết

Làm rõ quá trình cấp GCNQSDĐ thửa đất số 88 mà bà Loan kiến nghị, ngày 20-12-2023, UBND huyện Cam Lâm đã có văn bản trả lời bà Loan. Cụ thể, năm 2017, ông Trần Quý Quân và bà Nguyễn Thị Nghiệp có đơn xin cấp GCNQSDĐ tại thửa đất số 88 diện tích 2.443,4m2, mục đích sử dụng đất là đất trồng cây lâu năm và đã được UBND huyện Cam Lâm cấp GCNQSDĐ ngày 30-11-2017. Ngày 19-12-2017, bà Ngô Thị Ngọc Lan nhận chuyển nhượng thửa đất số 88 của ông Quân, bà Nghiệp; ngày 26-1-2018, thửa đất số 88 được chuyển nhượng cho ông Lê Nguyên Vũ. Ngày 18-8-2018, bà Phạm Thị Thanh Trúc nhận chuyển nhượng của ông Vũ và được UBND huyện Cam Lâm cấp GCNQSDĐ ngày 10-9-2018. Như vậy, việc UBND huyện Cam Lâm cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất số 88 và thực hiện đăng ký biến động đúng theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên ngày 22-4, bà Phạm Thị Thanh Trúc cho biết, việc bà Loan cho rằng quá trình cải tạo đất bà đã làm ảnh hưởng đến hệ thống ống nhựa lấy nước từ sông Suối Dầu vào nhà máy xử lý nước đá của gia đình bà Loan là không chính xác. Quá trình cải tạo đất, ban đầu, bà có chừa cho bà Loan lối đi ở hệ thống đường ống dẫn nước ra sông Suối Dầu nhưng bà Loan không chấp nhận. Sau đó, hai bên cự cãi nhau nên tháng 8-2023 bà đã rào lại. Đất của bà được Nhà nước cấp GCNQSDĐ nên việc bà rào chắn và cải tạo trên thửa đất của mình là đúng theo quy định.

Bà Đỗ Thị Hồng Xuân, công chức Địa chính - Xây dựng xã Suối Cát cho biết, ngày 4-4, UBND xã Suối Cát mời bà Loan và bà Trúc lên để làm việc, thỏa thuận cách giải quyết. Tại buổi làm việc, bà Trúc đã nêu ý kiến, phần diện tích bà Loan đang kiến nghị là một phần thửa đất số 88, do gia đình bà nhận chuyển nhượng và đăng ký biến động theo đúng quy định của pháp luật. Việc sử dụng đất của bà không lấn chiếm, không ảnh hưởng đến đất của bà Loan. Tuy nhiên, với nguyện vọng của bà Loan, bà thống nhất tạo cho bà Loan một lối đi 1m (phần cuối ranh GCNQSDĐ của bà Trúc) hoặc một lối đi theo hướng đường thẳng để thuận lợi trong việc đặt ống dẫn nước, sửa chữa hệ thống ống nước gia đình bà Loan khi gặp sự cố. Bà Loan cũng có thể thỏa thuận với gia đình bà để mua lại diện tích đất bà Loan có nhu cầu sử dụng. Nội dung trên sẽ được các bên thống nhất bằng biên bản, có sự chứng kiến, xác nhận của UBND xã để làm cơ sở cho việc sử dụng lâu dài.

Tuy nhiên, bà Loan không đồng ý với hướng giải quyết của bà Trúc và đề nghị bà Trúc phải phá bỏ hàng rào bảo vệ đất (tiếp giáp thửa đất bà Loan) để bà Loan ra vào thuận lợi trong việc dẫn nước, sửa chữa ống nước. UBND xã Suối Cát nhận thấy, đề nghị của bà Loan là không có cơ sở xem xét giải quyết. Do đó, UBND xã đã hướng dẫn bà Loan nên trao đổi để thống nhất với bà Trúc hướng giải quyết giữa 2 bên. Trường hợp bà Loan cho rằng diện tích đất của bà bị hộ bà Trúc lấn chiếm, bà có quyền đề nghị UBND xã xem xét hòa giải tranh chấp đất đai. Nếu UBND xã hòa giải không thành, bà Loan có quyền gửi đơn đến tòa án để được xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

THÁI THỊNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202405/tranh-chap-veviec-dat-ong-dannuoc-qua-dat-lien-keo-xa-suoi-catco-the-nho-toa-an-giai-quyet-e8e55f4/