Tranh cãi việc bổ nhiệm nữ ca sĩ trẻ làm người phát ngôn G20 của Indonesia

Quyết định bổ nhiệm nữ ca sĩ trẻ làm người phát ngôn cho nước chủ tịch nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (G20) của Indonesia là động thái mới nhất mà giới phân tích cho rằng nằm trong nỗ lực kết nối với nhóm dân số trẻ của chính phủ.

Nữ ca sĩ Maudy Ayunda. Ảnh: The Straits Times

Nữ ca sĩ Maudy Ayunda. Ảnh: The Straits Times

Theo Bloomberg, nữ ca sĩ kiêm diễn viên Maudy Ayunda 27 tuổi đã được lựa chọn để vào vị trí này.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Indonesia tìm cách cân bằng việc tổ chức cũng như hạ nhiệt tình hình căng thẳng Nga-Ukraine và đưa các phe xung đột gián tiếp ngồi cùng vào bàn hội nghị.

Hồi cuối tháng 3, Đại sứ Nga tại Indonesia xác nhận Tổng thống Vladimir Putin dự định vẫn tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào cuối năm nay. Các nguồn tin cho biết Mỹ và các đồng minh phương Tây đang cân nhắc khả năng loại Nga khỏi nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới vì chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine. Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào nhằm loại Nga khỏi nhóm đều có thể bị các thành viên khác phủ quyết, như Trung Quốc, Ấn Độ, Saudi Arabia. Điều này có thể dẫn tới khả năng một số quốc gia sẽ không dự các cuộc họp G20.

Giới phê bình đánh giá hàng loạt động thái bổ nhiệm người nổi tiếng, người sáng lập các công ty khởi nghiệp và con cháu nhà tài phiệt vào các vị trí chính trị là nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joko Widodo trong việc thu hút những người trẻ tuổi đang phải đối phó với tỷ lệ thất nghiệp cao.

Thực tế, hơn một nửa trong số 273 triệu người Indonesia dưới 35 tuổi. Năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp đối với nhóm người trong độ tuổi 16-30 dao động ở mức 14%.

“Những quyết định bổ nhiệm mang tính tượng trưng này là một phần trong nỗ lực xoa dịu sự bất mãn của những người trẻ đối với các vấn đề quan trọng như việc làm hay dịch vụ công. Chính phủ áp dụng phương pháp tiếp cận hướng tới những người trẻ tuổi ở đô thị, trong khi bỏ qua những người có thu nhập thấp và vừa ở vùng nông thôn”, ông Wasisto Raharjo Jati – một nhà nghiên cứu chính trị tại Viện Khoa học Indonesia – cho hay.

Nữ ca sĩ Ayunda chính thức đảm nhiệm vị trí người phát ngôn G20 từ ngày 31/3. Trong cuộc họp báo đầu tiên, cô dường như phớt lờ mọi câu hỏi liên quan đến khả năng tham dự hội nghị của Tổng thống Nga Putin.

Trả lời Bloomberg, Ayunda cho biết cô chỉ là một phần trong đội phát ngôn viên và vai trò của cô sẽ là thông tin về kết quả cuộc họp G20 liên quan đến Indonesia. Những vấn đề nhạy cảm sẽ được các đại diện khác trong đội đảm nhiệm.

Theo ông Dedy Permadi – người phát ngôn của Bộ Truyền thông, cô Ayunda được chọn là người có thể tiếp cận công chúng rộng rãi, đặc biệt là thế hệ millennial (những người sinh từ 1981 đến 1996) và Gen Z (những người sinh từ 1997 đến năm 2005).

Tiến sĩ Irfan Wahyudi, Phó Trưởng khoa khoa học xã hội và chính trị của Đại học Airlangga, cho biết việc bổ nhiệm cô Ayunda được cho là có thể chấp nhận được do cô có thời gian học ở nước ngoài và chính phủ đang thúc đẩy việc tạo ra hình mẫu cho những người trẻ tuổi.

Tuy nhiên, đối với G20, quốc gia này cần một đại diện có thể phát biểu về các vấn đề toàn cầu. "Trong trường hợp này, việc bổ nhiệm những người trẻ tuổi sẽ chỉ là hình thức quảng cáo chứ không mang ý nghĩa chiến lược”, chuyên gia nhận định.

Năm 2019, Tổng thống Widodo đã bổ nhiệm 7 người trẻ tuổi để trở thành cố vấn đặc biệt cho ông, trong đó có cô Putri Tanjung (25 tuổi), con gái nhà tài phiệt Chairul Tanjung và hai người sáng lập công ty khởi nghiệp Adamas Belva Devara (31 tuổi), Andi Taufan Garuda Putra (35 tuổi). Lương hàng tháng cho cố vấn đặc biệt của tổng thống là 51 triệu rupiah (80,8 triệu đồng), trong khi thu nhập trung bình của thanh niên Indonesia là hai triệu rupiah.

Bảo Hà/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tranh-cai-viec-bo-nhiem-nu-ca-si-tre-lam-nguoi-phat-ngon-g20-cua-indonesia-20220418150511282.htm