Tranh cãi về 'phí giữ chỗ' tại các trường ngoài công lập

Thông tin Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lômônôxốp Tây Hà Nội yêu cầu phụ huynh thu phí giữ chỗ 3-5 triệu đồng cho năm học sau khiến nhiều người bất ngờ.

Nhiều phụ huynh có con đang theo học tại Trường Tiểu học Lômônôxốp (Khu đô thị Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nôi); Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lômônôxốp Tây Hà Nội (đường Lê Trọng Tấn, Dương Nội, Hà Đông) thuộc Hệ thống liên cấp Lômônôxốp cho biết, nhà trường yêu cầu phải đóng phí giữ chỗ 3-5 triệu đồng/học sinh cho năm học sau (năm học 2023-2024).

Thông báo của trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lômônôxốp Tây Hà Nội.

Cụ thể, trong thông báo mới đây của nhà trường có nêu nhằm phối hợp thông tin và chủ động trong phương án tuyển sinh cho năm học mới, kể từ năm học 2022 -2023, Hệ thống sẽ triển khai thu "phí giữ chỗ" với tất cả các học sinh tại trường Tiểu học Lômônôxốp và trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lômônôxốp Tây Hà Nội. Theo đó, thời hạn đóng "phí giữ chỗ" cho năm học tới là 15/4/2023.

Trong đó, phí giữ chỗ năm học 2023-2024 đối với học sinh hệ cơ bản là 3 triệu đồng, đối với học sinh hệ tiếng Anh tăng cường là 5 triệu đồng.

Phí này được đối trừ vào các khoản thu đầu năm học, không được hoàn trả hoặc chuyển nhượng trong mọi trường hợp học sinh báo chuyển trường sau ngày 15/4/2023.

Ngoài ra, văn bản cũng nêu nếu phụ huynh học sinh không đóng phí giữ chỗ này được hiểu rằng phụ huynh học sinh không đăng ký cho con tiếp tục theo học tại Trường trong năm học 2023 - 2024, phà trường sẽ dành chỉ tiêu cho học sinh khác.

Ngoài hình thức thu "phí giữ chỗ", vừa qua trên địa bàn TP.Hà Nội có trường học còn đưa ra mức phí 9 triệu đồng được gọi tên là “phí tuyển sinh và duyệt hồ sơ”.

Thực chất đây là một loại "phí giữ chỗ" hay "đặt cọc", được nhiều trường tư thục, quốc tế tại Hà Nội áp dụng, nhằm hạn chế học sinh rút hồ sơ, giảm tỷ lệ hồ sơ ảo.

Theo lý giải của các trường, “phí giữ chỗ" như một hình thức để "giữ chân" học sinh khi nộp hồ sơ vào trường trước khi bắt đầu năm học mới.

Đây là khoản thu mang tính chất thỏa thuận với phụ huynh trên nguyên tắc tự nguyện. Nghĩa là hai bên ngồi lại với nhau, cùng trao đổi trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện, hài hòa lợi ích.

Lệ phí tuyển sinh và giữ chỗ của một trường học tại Hà Nội ở mức 9 triệu đồng.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc thu “phí giữ chỗ” ở nhiều trường ngoài công lập tại Việt Nam được “áp đặt” cho phụ huynh theo cách, nếu chấp nhận đăng ký vào trường thì phải nộp số tiền này, còn không thì mời sang trường khác.

Đáng nói hơn là loại phí này mỗi trường có một kiểu thu, tên gọi và mức khác nhau. Có trường gọi đó là phí ghi danh, phí đặt cọc, phí giữ chỗ, phí giữ suất học, phí đăng kí, phí nhập học, lệ phí tuyển sinh... với các mức giá cũng dao động từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng.

Về vấn đề này một số chuyên gia giáo dục cho rằng, việc thu phí giữ chỗ có vẻ là chưa hợp lý. Theo đó, giáo dục là hoạt động chuyên ngành chịu sự quản lý trực tiếp từ phòng, sở giáo dục các địa phương.

Dù công ty có đăng ký thành lập tại sở kế hoạch đầu tư tỉnh/thành phố có trụ sở chính theo Luật Doanh nghiệp, công ty là chủ đầu tư, đơn vị chủ quản của trường học nhưng ngành nghề giáo dục là ngành nghề có điều kiện.

Do đó, để trường có đủ điều kiện đi vào hoạt động cần phải có giấy phép con do Sở Giáo dục và Đào tạo cấp. Rõ ràng, trường học hoạt động vẫn phải tuân thủ Luật Giáo dục, chịu sự quản lý của các cơ quan chủ quan ngành giáo dục tại địa phương.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tranh-cai-ve-phi-giu-cho-tai-cac-truong-ngoai-cong-lap-d187204.html