Tranh cãi về Bộ luật Gia Long

Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu nhận xét Nhân quyền của người Việt - Từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long cho thấy từ thế kỷ 15, ở nước ta, người dân Đại Việt bước đầu đã có quyền bình đẳng giữa nam - nữ, vợ - chồng, con gái - con trai, thậm chí giữa ni cô - sư tăng.

Sáng 19-8, Tạp chí Xưa và Nay tổ chức tòa đàm trao đổi về cuốn sách "Nhân quyền của người Việt - Từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long" của TS, luật sư Phan Đăng Thanh và luật sư Trương Thị Hòa.

Cuốn sách khẳng định Bộ luật Hồng Đức được coi như bộ luật nhân quyền đầu tiên của người Việt, xứng đáng được xếp vào danh sách những bộ luật cổ tiêu biểu của thế giới về quyền con người. Đặc biệt, hai tác giả còn cho rằng Bộ luật Gia Long (nhà Nguyễn) sau này đã kế thừa, phát triển các giá trị nhân quyền của Bộ luật Hồng Đức.

TS, luật sư Phan Đăng Thanh (phải) và vợ là luật sư Trương Thị Hòa

TS, luật sư Phan Đăng Thanh (phải) và vợ là luật sư Trương Thị Hòa

Theo TS, luật sư Phan Đăng Thanh, đây là công trình nghiên cứu khoa học đã "chớm nở" gần 30 năm trước.

Từ mấy trăm năm nay, giới sử học, luật học cho rằng Quốc triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức) là "khuôn vàng thước ngọc" của thời kỳ phong kiến Việt Nam. Trong khi Hoàng Việt luật lệ (Bộ luật Gia Long) thì lại bị đánh giá thấp. Nguyên nhân là họ cho rằng Bộ luật Gia Long sao chép luật của nhà Thanh (Trung Quốc), không sáng tạo, đồng thời xóa bỏ những điểm tiến bộ của Bộ luật Hồng Đức.

"Tuy nhiên, điểm mấu chốt là những người đưa ra nhận định lại không nói được xóa bỏ điều nào, xóa bỏ cái gì..." - TS, luật sư Phan Đăng Thanh nói.

Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu nhận xét "Nhân quyền của người Việt - Từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long" cho thấy từ thế kỷ 15, ở nước ta, người dân Đại Việt bước đầu đã có quyền bình đẳng giữa nam - nữ, vợ - chồng, con gái - con trai, thậm chí giữa ni cô - sư tăng.

Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu

Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu

Người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật... đều có quyền được nhà nước và xã hội giúp đỡ.

"Đầu thế kỷ 19, nhà Nguyễn tiếp tục kế thừa truyền thống ấy, nhân quyền của người Việt được phát triển cao hơn. Lâu nay, nhiều nhà nghiên cứu thường nhận định Bộ luật Gia Long của nhà Nguyễn chỉ là công trình sao chép Đại Thanh luật lệ của nhà Mãn Thanh (Trung Quốc). Đồng thời đã xóa bỏ tất cả những định chế mang tính dân tính dân tộc của Bộ luật Hồng Đức. Nhưng ở quyển sách này, tác giả đã phân tích, dẫn chứng để cho thấy sự thực hoàn toàn trái ngược. Bộ luật Hồng Đức rất xứng đáng được xem là bộ luật nhân quyền đầu tiên của người Việt" - nhà sử học Nguyễn Đình Đầu cho biết.

Anh Vũ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/tranh-cai-ve-bo-luat-gia-long-20230819124001443.htm