Tranh cãi nảy lửa về lệnh bắn hạ khí cầu Trung Quốc của ông Biden

Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa ngày 5/2 cáo buộc chính quyền Tổng thống Joe Biden đã để Trung Quốc tận dụng sơ hở tình báo khi không bắn hạ khinh khí cầu ngay lập tức.

Sự hiện diện của khinh khí cầu Trung Quốc trên bầu trời Mỹ trước khi bị một máy bay quân sự bắn hạ trên Đại Tây Dương đang gia tăng áp lực lên mối quan hệ giữa hai siêu cường.

“Rõ ràng đây là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm thu thập thông tin, đánh bại sự chỉ huy và kiểm soát của chúng ta đối với các điểm phòng thủ tên lửa và vũ khí hạt nhân nhạy cảm”, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Turner, đảng viên Cộng hòa, cho biết hôm 5/2.

“Đó chắc chắn là một tình huống khẩn cấp mà chính quyền (ông Biden) không nhận ra”, ông chỉ trích.

Trong khi đó, Trung Quốc cáo buộc Mỹ sử dụng vũ lực bừa bãi khi bắn hạ khinh khí cầu. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong nói rằng ông đã gửi đơn khiếu nại chính thức tới Đại sứ quán Mỹ về “hành động tấn công khinh khí cầu dân sự không người lái bằng lực lượng quân sự”, theo AP.

Tranh cãi nảy lửa

Các quan chức quốc phòng và quân sự cho biết khinh khí cầu đã tiến vào khu vực phòng không của Mỹ ở phía bắc quần đảo Aleutian hôm 28/1 và di chuyển phần lớn trên đất liền qua Alaska vào không phận Canada.

Sau đó, thiết bị này đã quay trở lại lãnh thổ Mỹ hôm 31/1 - khi Tổng thống Joe Biden nhận được thông báo lần đầu.

Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết “thật không thể tin” giữa khu vực Alaska, Bắc Carolina và Nam Carolina không có địa điểm nào có thể bắn hạ khinh khí cầu một cách an toàn.

“Như thường lệ, khi nói đến chính sách quốc phòng và đối ngoại, chính quyền ông Biden ban đầu phản ứng quá thiếu quyết đoán và sau đó là quá muộn”, AP dẫn lời ông McConnell viết trên Twitter.

Khinh khí cầu bị bắn rơi ngày 4/2. Ảnh: AP/Chad Fish.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, Phó chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, cũng chỉ trích sự chậm trễ của tổng thống trong việc cảnh báo công chúng về khinh khí cầu đã dẫn đến "sao nhãng nhiệm vụ", theo Reuters.

Đồng tình, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton cho hay: “Lẽ ra chúng ta nên bắn hạ khinh khí cầu này xuống quần đảo Aleutian. Lẽ ra chúng ta không nên cho phép nó đi qua lục địa Mỹ”.

Đáp trả những lời chỉ trích của đảng Cộng hòa (GOP), Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết sẽ có một cuộc họp báo vào tuần tới về khinh khí cầu, trong đó làm rõ các chi tiết về khả năng giám sát và biện pháp phản ứng với Trung Quốc.

Ông nói rằng những lời chỉ trích này mang mục đích chính trị và là quá sớm. Mỹ đã “gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc rằng điều này không thể chấp nhận được”.

Tổng thống Biden đã ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu từ ngày 1/2. Song các quan chức Mỹ khuyến nghị thời điểm tốt nhất để thực hiện chiến dịch là khi khinh khí cầu bay trên mặt nước. Họ cho rằng việc bắn hạ khinh khí cầu từ độ cao 60.000 feet (khoảng 18.000 m) sẽ gây rủi ro không đáng có cho những người trên mặt đất.

Khi khinh khí cầu bay qua Montana, nơi có Căn cứ Không quân Malmstrom với các hầm chứa tên lửa hạt nhân, ông Turner cáo buộc: “(Trung Quốc) đang thăm dò các địa điểm vũ khí hạt nhân và phòng thủ tên lửa trên khắp đất nước”.

Đến ngày 2/2, khi Lầu Năm Góc công khai sự xuất hiện của thiết bị này, “Trung Quốc đã điều khiển khinh khí cầu rời khỏi Mỹ”, Thượng nghị sĩ Schumer nói với các phóng viên hôm 5/2. Một quan chức Mỹ giấu tên xác nhận khinh khí cầu đã thay đổi hướng đi vào thời điểm đó.

Động thái này đi ngược lập luận của Trung Quốc rằng khinh khí cầu - được cho là thiết bị dân sự chủ yếu phục vụ nghiên cứu khí tượng - có khả năng tự điều khiển hạn chế và đã “đi lệch khỏi lộ trình dự kiến” do gió.

“Đây không phải một tai nạn. Đây là cố ý. Đó là thông tin tình báo”, Đô đốc Mike Mullen, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nhấn mạnh.

Ông Mullen cho rằng có thể Bắc Kinh muốn cản trở chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken. Ông nói “điều này thực sự gây tổn hại cho mối quan hệ giữa chúng tôi và Trung Quốc”, “tạo ra một vết lõm lớn trong nỗ lực cải thiện quan hệ mang tính xây dựng”.

Thiếu tính cấp bách

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Turner nói với NBC: “Tổng thống đã cho phép (thiết bị) này đi qua những địa điểm nhạy cảm nhất và (ban đầu) thậm chí không có ý định tiết lộ với công chúng Mỹ”.

“Không có nỗ lực thông báo cho Quốc hội hay nhóm Gang of Eight (nhóm nhà lãnh đạo lưỡng đảng trong quốc hội). Tôi nghĩ chính quyền thiếu tính cấp bách”, ông nhận định.

Ông Rubio cũng cho rằng: “Thông điệp mà (người Trung Quốc) đang cố gắng gửi đi là nước Mỹ - một siêu cường vĩ đại - nay đã rỗng tuếch và dần suy tàn”.

“Họ đang cố gắng nói với thế giới rằng: 'Hãy nhìn xem, (Mỹ) thậm chí không thể làm gì với một quả khinh khí cầu bay trên không phận. Làm sao có thể trông cậy vào họ nếu có điều gì đó xảy ra ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương?’”, ông nói thêm.

Người dân dõi theo khinh khí cầu từ Nam Carolina. Ảnh: Reuters.

Hành trình của chiếc khinh khí cầu kết thúc vào khoảng 14h39 chiều 4/2, khi một máy bay chiến đấu F-22 bắn hạ nó bằng tên lửa, cách bờ biển ở Nam Carolina khoảng 6 hải lý, quan chức quốc phòng cho biết.

Các mảnh vỡ rơi xuống nước nông hơn so với dự kiến và trôi rộng ra khoảng 11 km. Các quan chức ước tính nỗ lực thu hồi sẽ hoàn thành trong thời gian ngắn.

Một quan chức Mỹ cho biết những người tham gia thu hồi mảnh vỡ đang lên kế hoạch đưa những gì còn sót lại tới phòng thí nghiệm của FBI ở Quantico, Virginia, để phân tích thêm.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc cho biết một khinh khí cầu thứ hai đã bay qua khu vực Mỹ Latinh. Hôm 5/2, Lực lượng Không quân Colombia cho biết một vật thể phù hợp với đặc điểm của khinh khí cầu Trung Quốc đã tiến vào không phận nước này, ở độ cao khoảng 55.000 feet (16.700 m) vào sáng 3/2.

Tiêm kích F-22 Mỹ phóng tên lửa AIM-9X trong thử nghiệm năm 2015. Ảnh: USAF.

Lực lượng Không quân Colombia cho biết họ đã theo dõi đường bay của vật thể cho đến khi nó rời khỏi không phận và không nhận thấy rủi ro an ninh.

Ở nước láng giềng Venezuela, người dùng mạng xã hội cũng chia sẻ đã nhìn thấy một quả khinh khí cầu, song chính phủ không xác nhận sự hiện diện. Trong một tuyên bố, chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro đã lên án Mỹ vì bắn rơi khinh khí cầu Trung Quốc, nói rằng những hành động này là sự xúc phạm các chuẩn mực quốc tế.

Khoảnh khắc khinh khí cầu bị tên lửa bắn hạ trên biển Mỹ hôm 4/2 đã sử dụng máy bay F-22 và tên lửa AIM-9X để bắn hạ khinh khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc sau khi nó bay qua toàn bộ nước Mỹ.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tranh-cai-nay-lua-ve-lenh-ban-ha-khi-cau-trung-quoc-cua-ong-biden-post1399398.html