Tranh cãi hiệu lực của hợp đồng bảo lãnh

Bảo lãnh là một trong các biện pháp đảm bảo nghĩa vụ khoản vay, vậy trong trường hợp, hợp đồng bảo lãnh không mô tả tài sản đảm bảo thì có hiệu lực pháp luật không?...

Ảnh minh họa.

Vừa qua, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội xét xử theo trình tự phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và Công ty Đ.V.

Theo hồ sơ, từ năm 2020-2021, ngân hàng phát hành các thẻ tín dụng cho vay thấu chi đối với Công ty Đ.V, hạn mức 3 tỷ đồng. Bảo đảm cho khoản vay trên là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất diện tích 149m2 ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Ngoài ra, ngân hàng và ông Vũ Chiến T. ký hợp đồng bảo lãnh. Theo đó, ông T. đồng ý bằng toàn bộ tài sản của mình bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang cho Công ty Đ.V.

Đến năm 2023, ngân hàng bán khoản nợ trên cho công ty mua bán nợ. Cùng với đó, ngân hàng chuyển giao toàn bộ quyền, nghĩa vụ phát sinh từ các hợp đồng tín dụng, thế chấp, bảo lãnh.

Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Đ.V. mới thanh toán hơn 1,8 tỷ đồng. Công ty mua bán nợ đã khởi kiện ra tòa án, yêu cầu tòa buộc Công ty Đ.V phải thanh toán toàn bộ nợ theo 3 hợp đồng tín dụng.

Tòa sơ thẩm chấp nhận yêu cầu trên của công ty mua bán nợ, buộc Công ty Đ.V. phải thanh toán hơn 10,4 tỷ đồng. Trường hợp công ty không thanh toán hoặc không thanh toán đầy đủ được khoản nợ của ba hợp đồng tín dụng có tài sản bảo đảm thì ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án kê biên, phát mại tài sản thế chấp là quyền sử dụng thửa đất 149m2.

Đặc biệt, đối với hợp đồng bảo lãnh cá nhân của ông Vũ Chiến T. và ngân hàng, tòa sơ thẩm tuyên không có hiệu lực thi hành. Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Điều 295 Bộ luật Dân sự để nhận định hợp đồng bảo lãnh không mô tả tài sản bảo đảm nên không phát sinh hiệu lực.

Không chấp nhận bản án trên, ngân hàng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đồng loạt kháng cáo về hợp đồng bảo lãnh.

Tòa phúc thẩm thấy rằng, khoản 4, Điều 2, hợp đồng bảo lãnh quy định: "Bên bảo lãnh cam kết dùng mọi tài sản thuộc quyền sử dụng, sở hữu hợp pháp của bên bảo lãnh hoặc thu xếp để có tài sản từ tất cả các nguồn khác để bảo đảm khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho bên được bảo lãnh và ủy quyền cho bên ngân hàng được tự mình hoặc yêu cầu cơ quan chức năng xử lý bất kỳ tài sản nào thuộc quyền sử dụng, quyền sở hữu của bên bảo lãnh và theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ".

Ông Vũ Chiến T. cam kết dùng mọi tài sản thuộc sử dụng, sở hữu hợp pháp của mình để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty Đ.V.

Tại thời điểm ký hợp đồng bảo lãnh thì Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ chưa được ban hành và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm vẫn đang có hiệu lực pháp luật.

Tại khoản 1, Điều 61, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định điều khoản chuyển tiếp: "Hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm được xác lập, thực hiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì áp dụng Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm; Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm".

Do đó, việc ký hợp đồng bảo lãnh giữa ông Vũ Chiến T. và ngân hàng vào năm 2020 về hình thức vẫn được áp dụng theo Nghị định số 163/2006/NĐ-CP.

Tại khoản 2, Điều 10, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính Phủ quy định về hiệu lực giao dịch bảo đảm: "Việc mô tả chung về tài sản bảo đảm không ảnh hưởng đến hiệu lực của giao dịch bảo đảm".

Vì vậy, tòa phúc thẩm nhận định, hợp đồng bảo lãnh không mô tả chung tài sản bảo đảm là gì không ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng bảo lãnh đã ký.

Theo quy định tại Điều 335 Bộ luật Dân sự: "Bảo lãnh là việc người thứ ba cam kết với bên có quyền sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ, nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ".

Do đó, tòa án tuyên bố hợp đồng bảo lãnh có hiệu lực thi hành. Trường hợp Công ty Đ.V. không thanh toán hoặc không thanh toán đầy đủ được khoản nợ thì ngân hàng có quyền yêu cầu ông Vũ Chiến T. phải có nghĩa vụ trả nợ thay.

Điều 295, Bộ luật Dân sự quy định về Tài sản bảo đảm:

Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.
Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.
Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.
Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.

Điều 9, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ:

Việc mô tả tài sản bảo đảm do bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm thỏa thuận, phù hợp với quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, các Điều 12, 13, 18 và 19 Nghị định này.
Trường hợp tài sản bảo đảm là bất động sản, động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký thì thông tin được mô tả theo thỏa thuận phải phù hợp với thông tin trên Giấy chứng nhận.
Trường hợp tài sản bảo đảm là quyền tài sản thì thông tin được mô tả theo thỏa thuận phải thể hiện được tên, căn cứ pháp lý phát sinh quyền tài sản.

Đỗ Mến

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tranh-cai-hieu-luc-cua-hop-dong-bao-lanh.htm