Trạng thái 'vàng' của kinh tế Mỹ 2023: Tăng trưởng vững, lạm phát suy yếu

Như vậy, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tránh được một cuộc suy thoái mà giới phân tích từng cho là tất yếu sẽ xảy ra trong năm 2023...

Tiêu dùng là động lực chính của kinh tế Mỹ trong năm 2023 - Ảnh: Reuters.

Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với kỳ vọng và lạm phát tiếp tục giảm tốc trong quý 4 vừa qua - theo báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 25/1. Như vậy, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tránh được một cuộc suy thoái mà giới phân tích từng cho là tất yếu sẽ xảy ra trong năm 2023.

Báo cáo nói trên cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm 3,3% trong quý cuối cùng của năm. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng trưởng 2% mà giới chuyên gia đưa ra trước đó. Trong quý 3, kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,9%.

Không chỉ mang tới số liệu khả quan về GDP, báo cáo cũng cho thấy xu hướng xuống thang của lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng và không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - tăng 2% trong quý 4, bằng mục tiêu lạm phát mà Fed đề ra. Trong khi đó, PCE toàn phần chỉ tăng 1,7%.

Tính cả năm, PCE toàn phần tăng 2,7%, bằng chưa đầy một nửa so với mức tăng 5,9% của năm 2022. PCE lõi tăng 3,2% cả năm, giảm tốc từ mức tăng 5,1% trong năm trước.

Nhà kinh tế trưởng Beth Ann Bovino của ngân hàng US Bank nhận định các dữ liệu tăng trưởng và lạm phát nói trên phản ánh “trạng thái vàng, vì tăng trưởng mạnh mà lạm phát đi xuống… Chúng tôi đang kỳ vọng nền kinh tế hạ cánh mềm, và đây chính là một bước đi theo hướng như vậy”.

Cả năm 2023, nền kinh tế Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng 2,5%, cao hơn nhiều so với kỳ vọng của giới đầu tư và chuyên gia phân tích ở Phố Wall đưa ra hồi đầu năm. Khi mới bước sang năm 2023, có nhiều dự báo cho rằng kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái sau khi đạt mức tăng trưởng 1,9% trong năm 2022.

Động lực chính đưa kinh tế Mỹ tăng trưởng trong năm qua là người tiêu dùng nước này tiếp tục chi tiêu mạnh mẽ. Tiêu dùng cá nhân của người Mỹ tăng 2,8% trong quý 4 so với cùng kỳ năm trước, chỉ giảm tốc nhẹ so với quý 3.

Chi tiêu của chính quyền các bang và địa phương tăng 3,7% và chi tiêu của Chính phủ liên bang tăng 2,5%, cũng là những nguồn đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP. Ngoài ra, một động lực tăng trưởng quan trọng khác là đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân tăng 2,1%.

“Nền kinh tế đã phủ nhận mọi dự báo bi quan của giới chuyên gia kinh tế, luôn tăng vượt trội so với dự báo trong năm qua”, nhà kinh tế trưởng Dan North của công ty Allianz Trade Americas nhận định với hãng tin CNBC. Ông North cho rằng Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nở một nụ cười mãn nguyện vì một lần nữa đã bác bỏ được dự báo của giới chuyên gia bằng kết quả tăng trưởng kinh tế khả quan và lạm phát được đưa về tầm kiểm soát”.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Mỹ qua các quý - Nguồn: CNBC.

Báo cáo GDP này khép lại một năm mà hầu hết các chuyên gia kinh tế đều gần như tin chắc rằng kinh tế Mỹ chí ít sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nông. Ngay cả Fed cũng đã dự báo một cuộc suy thoái nhẹ có thể xảy ra do cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực Mỹ hồi tháng 3. Tuy nhiên, tiêu dùng duy trì vững và thị trường lao động thắt chặt đã thúc đẩy nền kinh tế trong suốt năm qua, cho dù ngành sản xuất còn yếu và Fed tăng lãi suất quyết liệt để chống lạm phát.

Bước sang năm 2024, dự báo về một cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ gần như không còn, vì thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất khi lạm phát giảm dần về mục tiêu 2%. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ vẫn có thể đối mặt không ít thách thức trong thời gian tới.

Một số chuyên gia đã nói về hiệu ứng đến trễ của chính sách tiền tệ thắt chặt, nhất là khi Fed đã có 11 đợt tăng lãi suất với tổng mức tăng 5,25% trong thời gian ừ tháng 3/2022-7/2023. Lý thuyết kinh tế thông thường cho thấy có thể phải mất tới hai năm để sự thắt chặt chính sách như vậy ngấm vào nền kinh tế, đồng nghĩa nền kinh tế có thể chịu áp lực giảm tốc trong năm nay.

Một vấn đề khác là liệu người tiêu dùng Mỹ có thể giữ nhịp chi tiêu như hiện nay trong bao lâu, khi lượng tiền tiết kiệm của họ vơi dần và những khoản nợ với mức lãi suất cao ngày càng lớn. Ngoài ra, tình trạng nợ chồng chất của Chính phủ liên bang Mỹ cũng là một rào cản đối với tăng trưởng kinh tế. Nợ công của Mỹ đã vượt ngưỡng 34 nghìn tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử và tiếp tục tăng, còn thâm hụt ngân sách liên bang đã lên tới hơn 500 tỷ USD trong 3 tháng đầu tiên của tài khóa 2024.

Bên cạnh đó, những mối lo chính trị trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024, cộng thêm căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và chiến tranh tiếp diễn ở Ukraine cũng có thể ảnh hưởng đến tình hình tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/trang-thai-vang-cua-kinh-te-my-2023-tang-truong-vung-lam-phat-suy-yeu.htm