Trăng rằm rẻo cao và giấc mơ con trẻ

Những ngày này, nhìn hình ảnh miền Tây Nghệ An bị thiên tai lũ lụt, bỗng thấy thương vô cùng những em bé trên rẻo cao các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu…

Mấy tháng trước, lúc học sinh cả nước bắt đầu kỳ nghỉ hè, các bạn bè cùng trang lứa ở nhiều nơi được đi tham quan, du lịch thì những đứa bé ở miền Tây Nghệ An chỉ tầm 5 đến 10 tuổi được ông bà đưa ra bến xe rồi tự mình làm một hành trình cả ngàn cây số để được gặp bố mẹ ở Tây Nguyên, Bình Dương, Bình Phước… Một đồng nghiệp của tôi ở Kỳ Sơn nói, cha mẹ các em đi làm ăn xa, chỉ có thể về thăm con cái vào dịp Tết, vì thế năm nào cũng vậy, cứ bắt đầu nghỉ hè, các em lại làm cuộc “thiên di” để gặp bố mẹ. Hàng chục chuyến xe đò từ rẻo cao sát biên giới Việt - Lào, xuyên qua bao tỉnh thành, cứ đến địa phương nào có cha mẹ các em, tài xế lại gọi điện thoại để ra đường đón con. Hết kỳ nghỉ hè, các em lại trở về, cũng bé bỏng dặm trường như thế để bước vào năm học mới với những tấm áo mới, những đồng tiền đóng học phí mà cha mẹ đã vất vả làm lụng dành dụm lo cho con.

Tết Trung thu mang ý nghĩa là “tết đoàn viên”, là dịp gia đình sum họp quây quần bên nhau. Nhưng với những đứa trẻ trên rẻo cao này, cuộc đoàn viên mơ ước ấy phải đợi thêm hơn bốn tháng nữa, khi Tết Nguyên đán đến và cha mẹ các em có thể sẽ về thăm con. Nói “có thể” bởi những dịp Tết Nguyên đán, không ít ông cha, bà mẹ đã nén lại nỗi nhớ thương con cái để tranh thủ kiếm thêm thu nhập và đỡ một khoản lộ phí tàu xe vốn rất đắt đỏ vào dịp Tết Nguyên đán.

Nhưng cho dù thiếu vắng hơi ấm bố mẹ, cho dù cuộc sống còn lắm gian nan, cũng từ rẻo cao Nghệ An này, tôi đã chứng kiến những yêu thương mênh mông của thầy cô với học trò. Mấy năm trước, một hình ảnh khiến hàng triệu người xúc động đến nhói tim khi thấy thầy Lô Văn Thanh (thầy giáo cắm bản ở điểm trường Huồi Máy, Trường Tiểu học Cắm Muộn 2, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) mang kim chỉ ra vá lại quần áo đã quá sờn rách cho em Mông Văn Châu, cậu học trò người dân tộc Khơ Mú. Niềm yêu thương ấy chính là sự bù đắp của thầy cô nơi đây dành cho những em học trò của mình, vốn thiếu vắng hơi ấm tình cảm gia đình.

Những cậu học trò áo quần sờn rách được thầy giáo mang kim chỉ vá lại ấy, những em bé tuổi nhi đồng bắt đầu kỳ nghỉ hè bằng cuộc “hành quân” cả ngàn cây số dặm trường để gặp cha mẹ ấy, những đứa trẻ mà những ngày Trung thu này, khi khắp nơi đang rộn ràng “tùng rinh rinh” với đèn sao và quà bánh… thì các em đang chống chọi với thiên tai lũ lụt ấy, đều có chung một địa chỉ là: “vùng sâu vùng xa”. Bởi không chỉ ở vùng cao Tây Nghệ An, chúng ta có thể gặp những em bé tương tự như thế trên rẻo cao Tây Bắc, Việt Bắc hay giữa mênh mông đồng nước phương Nam. Thật khó để nói về sự công bằng cho tất cả, nhưng nếu thực thi điều ấy, xin hãy ưu tiên trước hết cho những đứa trẻ.

Thật xúc động khi những ngày này, chúng ta chứng kiến những đoàn thiện nguyện lặn lội suối đèo mang quà bánh Trung thu lên với các em bé nơi rẻo cao, nơi biên giới hay hải đảo. Nhưng yêu thương cho các em không thể chỉ đến cùng những dịp lễ tết thiếu nhi hay Trung thu như thế này.

Nhìn ánh trăng Trung thu “chia đều” cho những đứa trẻ khắp mọi miền xứ sở, từ thành thị đến rẻo cao, không thể không mơ ước những em bé chịu nhiều thiệt thòi nơi xa xôi hẻo lánh cũng sẽ nhận được những ưu ái tinh thần, vật chất một cách công bằng và chan hòa như vầng sáng trăng thu kia!

AN DU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/trang-ram-reo-cao-va-giac-mo-con-tre-post707565.html