Trang phục truyền thống dân tộc Mông hiện tại và tương lai

BHG - Khi nói đến văn hóa đặc trưng dân tộc Mông, những ai đã từng biết, từng đến để chiêm nghiệm về văn hóa dân tộc Mông sẽ luôn ấn tượng với những bộ trang phục sặc sỡ của phụ nữ người Mông. Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông được tạo nên trên cơ sở những chất liệu vải tự nhiên như lanh, lụa, gấm, mộc, qua bàn tay khéo léo, chăm chỉ và tỉ mỉ của các bà, các mẹ, các chị, các chất liệu thân thuộc ấy đã trở thành những bộ trang phục với đủ gam màu, sắc khác nhau tùy theo sở thích và khiếu thẩm mỹ của mỗi người bằng kỹ năng đáp, nối vải phối hợp với họa tiết thêu hình hoa văn bằng chỉ màu. Bộ trang phục của phụ nữ Mông như một tác phẩm nghệ thuật của tự nhiên ban tặng, giống như ai đó đã từng nói “nó giống như những sắc màu thiên nhiên” của vùng núi đá nhưng chất chứa tình người.

Trang phục thiếu nữ dân tộc Mông.

Nếu như trong truyền thuyết và hiện tại, cây khèn và tiếng khèn luôn gắn với sự trưởng thành, sự tài giỏi của người đàn ông dân tộc Mông thì người phụ nữ Mông cũng có những thang, bậc để thể hiện mình là một cô gái đảm đang, khéo léo. Cũng chính vì vậy, xưa kia trong gia đình bất cứ người Mông nào những thứ không thể thiếu và luôn luôn gắn liền với đời sống của họ, mà cụ thể hơn là luôn gắn liền với quá trình trưởng thành của một người phụ nữ Mông đó là những sợi lanh, con thoi, cuộn chỉ hay máy quay sợi, khung cửi… đó là những thứ đã giúp cho các thế hệ phụ nữ Mông dệt nên những “bức tranh nghệ thuật” và sẽ khoác lên mình khi về nhà chồng, khi xuống chợ phiên hay mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Có lẽ cũng giống như một số dân tộc khác, tiêu chí để đánh giá sự hoàn hảo của người phụ nữ Mông không phải là chị ấy, cô ấy giàu hay nghèo cũng không phải bởi cô ấy, chị ấy xinh, đẹp, cao, thấp… điều quan trọng nhất để đánh giá một người phụ nữ Mông thực thụ chính là lúc trưởng thành, nhất là khi xuất giá về nhà chồng cô ấy, chị ấy đã tự thêu, dệt cho mình được bao nhiêu bộ trang phục.

Trước đây, mỗi dịp đến với các phiên chợ ở Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh thân thuộc thấp thoáng sau những triền đá tai mèo, đó là bước chân thoăn thắt xuống chợ của các cô gái Mông với những bộ trang phục sặc sỡ đủ sắc màu, xúng xính xuống chợ xen lẫn tiếng khèn véo von gọi bạn của các chàng trai, hay bên những hàng rào đá, góc chợ phiên các cô gái Mông tự ngắm mình trong gương để chỉnh trang lại vành khăn, tà áo trước khi vào chợ… Hình ảnh chồng dắt ngựa, vợ nắm đuôi ngựa trong dập dìu của tà váy lanh trắng tinh lấp ló sau dải yếm đủ màu sắc trở về nhà sau phiên chợ có lẽ đã quen thuộc với rất nhiều người và đó cũng chính là hình ảnh đã đem lại cảm súc cho rất nhiều thi nhân khi đến với vùng Cao nguyên đá nói chung, đến với chợ phiên vùng cao nói riêng… Giờ đây những phiên chợ vẫn còn đó, vẫn tấp nập kẻ bán, người mua, vẫn những chàng trai, cô gái người Mông xuống chợ bằng những chiếc moto vô cùng hiện đại, họ cũng chẳng có nhiều thời gian để dạo quanh chợ, gặp gỡ bạn bè, khoe nhau bộ trang phục mình mới hoàn thành xong sau mùa lanh vừa qua, thay vào đó trên người họ vẫn gọi là trang phục dân tộc Mông nhưng “trông nó lạ lắm” xanh, đỏ, tím, vàng, hạt cườm, kim sa lóng lánh, lấp ló dưới chân váy là đoạn ống quần đủ màu sắc cách tân, bên thấp, bên cao...

Vẫn còn đâu đó ở một số kỳ, dịp các bộ trang phục truyền thống được trưng ra nhưng không phải cho người đang sống mà chỉ dành cho những người đã chết mặc khi rời xa trần thế về với tổ tiên, ông bà… Không thể phủ nhận rằng điều đó minh chứng cho cuộc sống và suy nghĩ hiện đại của đại bộ phận người Mông, nhưng suy cho cùng, dù có thay đổi đến đâu, dù có hiện đại thế nào thì văn hóa vẫn là điều quan trọng để biết “ta là ai, ta xuất thân như thế nào”.

Xác định văn hóa là thế mạnh để Hà Giang phát triển du lịch “ngành kinh tế mũi nhọn” giúp cho bà con thoát nghèo, đồng thời bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Ngoài những chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh Hà Giang đã có nhiều chủ trương, giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Đối với dân tộc Mông Hà Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI đã ban hành Đề án số 09 về bảo tồn văn hóa đặc trưng dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Hà Giang, cùng với đó, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVII đã ban hành nhiều Nghị quyết để cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương về bảo tồn văn hóa các dân tộc… Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đối với đời sống của người Mông, nhất là bảo tồn phát huy giá trị trang phục truyền thống của phụ nữ Mông, thời gian gần đây, trong một số sự kiện văn hóa, các cơ quan chức năng bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, đã “thấp thoáng” thấy bóng dáng những bộ trang phục truyền thống “chuẩn, xịn” của phụ nữ Mông quay trở lại trong rạng rỡ những nụ cười hồn nhiên, trong trẻo của các cô gái, đó là một dấu hiệu đáng mừng khi các bạn trẻ đã biết trân quý những gì thế hệ đi trước để lại, không ngừng nỗ lực để phát huy, gìn giữ cho thế hệ tương lai, để mỗi phiên chợ, mỗi dịp Tết đến, Xuân về những “tác phẩm nghệ thuật” được tạo nên bởi những “họa sỹ” bình dị, đời thường lại được trưng bày, tạo cảm hứng sáng tác, khám phá cho những ai đã, đang và sẽ đến với dải đất biên cương tươi đẹp của Tổ quốc.

Bài, ảnh: Lý Trung Kiên (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đồng Văn)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202310/trang-phuc-truyen-thong-dan-toc-mong-hien-tai-va-tuong-lai-93b387b/