Trấn Yên nâng cao chất lượng dạy nghề, hướng nghiệp

Những năm qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) Trấn Yên không ngừng nâng cao chất lượng công tác đào tạo đồng thời tăng cường tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp việc làm để thu hút học sinh, học viên.

Cán bộ Trung tâm GDNN-GDTX Trấn Yên hướng dẫn các hộ dân kỹ thuật nuôi và chăm sóc tằm.

Trung tâm GDNN-GDTX Trấn Yên đã thực hiện chức năng dạy văn hóa phổ thông hệ Giáo dục thường xuyên kết hợp học trung cấp nghề chính quy và tư vấn giới thiệu việc làm đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đảm bảo các chỉ tiêu lao động việc làm, xuất khẩu lao động.

Hàng năm, Trung tâm đều duy trì quy mô từ 13 - 15 lớp, hơn 500 học sinh ở 3 khối lớp 10, 11 và 12; tuyển sinh đầu cấp duy trì từ 3 đến 4 lớp 10; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT trung bình các năm đều đạt từ 95% trở lên. Năm học 2022-2023, Trung tâm GDNN-GDTX Trấn Yên thực hiện quy mô 14 lớp với 538 học sinh; trong đó tuyển mới được 168 học sinh khối 10 vào 4 lớp theo các nhóm môn học bắt buộc, lựa chọn và tự chọn cùng với các chuyên đề phù hợp và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp.

Trong liên kết đào tạo, Trung tâm cũng đấu thầu đặt hàng dạy nghề cho lao động nông thôn với 12 đến 17 lớp tương đương với khoảng 360 đến 510 học viên. Từ năm 2016, Trung tâm đã phối hợp với các trường Cao đẳng, Trung cấp trong và ngoài tỉnh thực hiện đào tạo nghề cho 100% học sinh khối lớp 10, lớp 11. Cùng lúc học sinh sẽ tham gia 2 chương trình học văn hóa bậc THPT và học trung cấp nghề.

>> Giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động kinh tế địa phương

Đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, gồm các nghề sơ cấp và dưới 3 tháng đã được cấp phép hoạt động như: Chăn nuôi thú y, kỹ thuật trồng lúa, ngô; nuôi tằm và sơ chế kén tằm; trồng và chế biến măng tre Bát độ, sản xuất rau an toàn; quản lý và phát triển trang trại; chế biến chè, kỹ thuật trồng nấm; trồng, chế biến và gia công sản phẩm từ quế, kỹ thuật nấu ăn, may công nghiệp, kỹ thuật xây dựng...

Hàng năm, Trung tâm GDNN-GDTX Trấn Yên đều hoàn thành 100% kế hoạch về đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định giao chỉ tiêu của huyện. Tính đến hết năm 2023, Trung tâm đã đào tạo cho 3.968 học viên các lớp nghề nông nghiệp và 1.069 học viên các lớp nghề phi nông nghiệp.

Hiện nay Trung tâm GDNN-GDTX Trấn Yên đã và đang thực hiện liên kết đào tạo với 5 trường Cao đẳng, Trung cấp mở được 30 lớp trung cấp nghề với trên 1.000 học sinh tham gia. Các nghề đào tạo chủ yếu là: Công nghệ kĩ thuật điện-điện tử, tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp; kỹ thuật pha chế và phục vụ đồ uống; nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn; tin học; kế toán doanh nghiệp...

Ông Lê Huy Chính - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX Trấn Yên cho biết: "Là trung tâm GDNN-GDTX đầu tiên của tỉnh thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2. Đây cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với đơn vị, bởi huyện Trấn Yên đang trong lộ trình hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Do đó, tập thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên Trung tâm đã nỗ lực thực hiện và hoàn thành công tác tự đánh giá chất lượng giáo dục, được Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm định và công nhận đạt chất lượng giáo dục cấp độ 2”.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng làm tốt vai trò đào tạo nghề. Cụ thể là tổ chức các lớp đào tạo nghề đáp ứng nhân lực theo nhu cầu thị trường và phục vụ vùng sản xuất chuyên canh như: tổ chức các lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng về trồng, chăm sóc và gia công sản phẩm từ quế tại các xã Việt Cường, Kiên Thành, Y Can, Đào Thịnh, Tân Đồng; nghề nuôi tằm và sơ chế kén tằm tại các xã Hòa Cuông, Tân Đồng, Việt Hồng, Việt Thành, Quy mông; nghề trồng và sơ chế măng tre Bát Độ tại các xã Kiên Thành, Hồng Ca; nghề chăn nuôi thú y tại các xã Hưng Thịnh, Hồng Ca, Hòa Cuông…

Trong suốt khóa học các học viên được tham gia học lý thuyết kết hợp với thực hành nghề, đồng thời được tham quan, trải nghiệm tại các điểm kinh doanh, cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện và tỉnh để rèn luyện kĩ năng nghề đẻ sau khi tốt nghiệp có thể vào làm việc ngay tại các địa chỉ này. Lao động nông nghiệp sau khi được đào tạo về kỹ thuật nuôi trồng cây, con giống đến khi thu hoạch, xuất chuồng đã có thể tự tin tham gia vào chuỗi liên kết để cung ứng sản phẩm giá trị cho các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện và tỉnh.

Đáng chú ý, với nghề nuôi tằm và sơ chế kén tằm, hàng năm Trung tâm đều tổ chức thành các lớp nghề dưới 3 tháng cho người lao động; hướng dẫn các kỹ thuật từ trồng dâu đến nuôi tằm; lựa chọn các giống dâu phù hợp với từng vùng, từng chất đất của địa phương, áp dụng kỹ thuật nuôi tằm dưới nền nhà, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ trên các cánh đồng dâu, khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn trong sản xuất nuôi tằm góp phần giảm chi phí công lao động...

Thời gian tới, Trung tâm phấn đấu trở thành đơn vị tiên phong trong lĩnh vực đào tạo nghề trọng điểm như nghề điện dân dụng, điện tử, điện lạnh góp phần vừa xây dựng khối liên kết vững chắc trong câu lạc bộ các trung tâm GDNN-GDTX trong tỉnh vừa hoàn thành chương trình giáo dục của năm và cam kết chất lượng đầu năm học bao gồm: chất lượng giáo dục, tỷ lệ tốt nghiệp THPT và tỷ lệ học sinh tham gia học giáo dục nghề nghiệp sau tốt nghiệp.

Bùi Minh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/321216/tran-yen-nang-cao-chat-luong-day-nghe-huong-nghiep.aspx