Trăn trở từ 'vùng đất khát'

Thực trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Tủa Chùa đã xảy ra nhiều năm và đang trở thành vấn đề rất nghiêm trọng, nhưng đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết triệt để. Để có nước sinh hoạt, người dân phải sử dụng các nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Đảm bảo nước sinh hoạt và sản xuất là sự mong mỏi của người dân nơi đây trong nhiều năm qua.

Để có nước sinh hoạt, người dân Huổi Trẳng phải đổi thóc (gạo) lấy nước và tự mua đường ống dẫn nước về bản.

Đến hẹn lại “khát”

Tủa Chùa là vùng núi đá có điều kiện thiên nhiên khắc nghiêt, nhất là việc thiếu nước. Để có nước sinh hoạt, nhiều hộ gia đình phải sử dụng mọi biện pháp từ mua nước đóng bình, gùi, xách nước từ mó, khe suối về dùng.

Tả Phìn là một trong những xã thiếu nước trầm trọng của huyện Tủa Chùa trong mùa nắng nóng và cả trong mùa mưa. Xã có 9 thôn, bản nhưng có đến 6 thôn, bản thiếu nước sinh hoạt. Được biết, trước đây xã đã từng được đầu tư xây dựng các bể nước sinh hoạt tập trung, tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân đến nay một số bể không phát huy hiệu quả.

Ông Chang A Di, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Phìn cho biết: “Để có nước sinh hoạt, người dân phải đi bộ lên đầu nguồn, cách nhà vài kilômét để gùi nước về dùng. Thế nhưng mùa mưa nước đục ngầu, mùa nắng suối cạn trơ đáy. Với những hộ gia đình đông người, có khi gùi cả nửa ngày vẫn không đủ nước sinh hoạt. Do nước hiếm hoi nên người dân phải sử dụng dè xẻn trong nấu ăn, uống cho đến tắm giặt”.

Đối với học sinh, nhất là học sinh các trường mầm non, tiểu học bán trú; có trường các thầy cô giáo phải mua nước bình để nấu ăn cho trẻ. Thầy giáo Bùi Quang Trung, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Sính Phình 1, xã Sính Phình chia sẻ: “Toàn trường có hơn 500 học sinh. Tuy nhiên chỉ có duy nhất 1 mó nước dùng chung với thôn Tà Là Cáo, nhưng vào mùa khô không đủ nước. Hàng ngày, các thầy cô phải tranh thủ lúc nghỉ trưa hoặc tan giờ thay nhau dùng can đi lấy nước. Việc thiếu nước khiến nhà trường gặp nhiều khó khăn trong công tác bán trú học sinh. Điều đáng lo nhất là chất lượng nguồn nước có đảm bảo hay không?”

Có thời gian, người dân thôn Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng phải thuê ô tô chở nước từ nơi khác về dùng sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, khoảng 4 - 5 năm trở lại đây, nhiều hộ dân trong thôn đã phải mua nước từ mó nước của gia đình ông Giàng A Cu, thôn Tủa Thàng (do mó nước nằm trong diện tích đất nương của hộ gia đình này) bằng hình thức hàng năm đóng thóc, gạo cho gia đình ông Cu để đổi lấy nước.

Câu chuyện thiếu nước xảy ra ở hầu hết các xã trên địa huyện Tủa Chùa, không chỉ các xã vùng cao, như: Lao Xả Phình, Trung Thu, Huổi Só, Tả Sìn Thàng… thậm chí ngay cả những xã vùng thấp, hay khu vực trung tâm huyện hiện nay tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng diễn ra. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, hiện nay tỷ lệ hộ dân trên địa bàn huyện được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 82,32% (tuy nhiên tỷ lệ hộ dân được sử dụng không thường xuyên). Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt toàn huyện chỉ đạt 2,4% - đây là tỷ lệ rất thấp so với mục tiêu theo Kết luận số 36-KL/TW, ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Được biết mục tiêu đến năm 2025 huyện Tủa Chùa có 95% hộ gia đình ở đô thị và 60% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn.

Nước không đảm bảo vệ sinh tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Theo chia sẻ của người dân, thực tế những năm qua đã có những người mắc các loại bệnh ngoài da. Họ cho rằng, nguyên nhân chính có thể do nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh.

Cần giải pháp bền vững

Thiếu nước sinh hoạt đã diễn ra trong nhiều năm qua, thế nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu.

Ông Trần Văn Bình, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Để giảm tình trạng thiếu nước, những năm qua UBND huyện đã tập trung ưu tiên các nguồn lực đề đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp các công trình nước sinh hoạt. Đặc biệt ưu tiên những xã khó khăn về nước sinh hoạt. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập các tổ quản lý, vận hành các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt đã được đầu tư trên địa bàn nhằm phát huy tối đa hiệu quả của công trình. Khuyến khích người dân chủ động tích trữ nước. Năm 2022, huyện đã hỗ trợ được 402 bồn chứa nước cho các hộ dân. Song người dân vùng cao Tủa Chùa vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu nước sinh hoạt.

Hiện nay trên địa bàn huyện có 112 công trình nước sinh hoạt được thiết kể đảm bảo cung cấp nước hợp vệ sinh cho gần 36.000 người trong tổng dân số 61.017 người toàn huyện (đạt 57,8%). Đến nay có 11 công trình hư hỏng, xuống cấp không sử dụng được. Hầu hết các công trình nước sinh hoạt được đầu tư trên địa bàn đều là công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy; nguồn cung cấp nước không ổn định, thường chỉ giải quyết được một phần nhỏ thời gian cung cấp nước trong mùa khô, còn lại người dân vẫn phải “trông trời mưa”. Hiện nay trên địa bàn huyện Tủa Chùa còn khoảng 17.000 người dân thiếu nước sinh hoạt, tập trung chủ yếu ở các xã vùng cao.

Những năm qua, mặc dù đã đề ra nhiều giải pháp nhưng vẫn mất cân bằng nguồn nước, nhất là mùa khô cả huyện Tủa Chùa thiếu nước trầm trọng. Thế nên, giải pháp lâu dài vẫn phải có sự đầu tư bài bản, căn cơ của Nhà nước. Để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, huyện Tủa Chùa đã đề nghị các bộ, ngành, tỉnh quan tâm xem xét ưu tiên đầu tư xây dựng 2 công trình hồ chứa nước trên địa bàn huyện là hồ Nậm Seo và hồ Chiếu Tính, xã Sính Phình.

Ông Lường Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: Nếu được đầu tư, 2 hồ này sẽ tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 25.000 người; cấp nước tưới cho 280ha đất lúa 2 vụ; cấp nước tưới cho 1.000ha cây công nghiệp; cải tạo cảnh quan môi trường, kết hợp phát triển du lịch, duy trì dòng chảy tối thiểu cho môi trường ở hạ lưu hồ chứa, giảm lũ cho hạ du, cải thiện môi trường sinh thái. Từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống người dân vùng dự án.

Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/205790/tran-tro-tu-%E2%80%9Cvung-dat-khat%E2%80%9D