Trăn trở trường chuẩn quốc gia

Vũ Thuyên

BPO - Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là chủ trương lớn, mang tính chiến lược của Đảng, Nhà nước ta nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Xác định rõ mục tiêu đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như ngành giáo dục tỉnh Bình Phước đã tập trung mọi nguồn lực cho công tác này và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, công tác xây dựng trường chuẩn vẫn còn nhiều vấn đề trăn trở, nhất là công trình vệ sinh trường học có thực sự đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT?

Bài 1:
CÓ LÀ “CÔNG TRÌNH PHỤ”?

Cùng với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp theo hướng đạt chuẩn, công trình vệ sinh các trường học cũng được quan tâm đầu tư. Đến nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có nhà vệ sinh (NVS) phục vụ sinh hoạt cho học sinh, giáo viên. Tuy nhiên, so với quy định thì nhiều trường vẫn chưa đạt, gây khó khăn cho việc sinh hoạt của học sinh, giáo viên.

Nhà vệ sinh xuống cấp

Trường tiểu học Lê Lợi, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập có hơn 600 học sinh tại 4 điểm trường. Các điểm trường đều có NVS phục vụ sinh hoạt cho học sinh và giáo viên. Hưởng ứng phong trào xây dựng NVS sạch, đẹp, thân thiện, trường đã trang trí tranh, ảnh khá bắt mắt và lắp đặt loa phát nhạc du dương, tạo cảm giác dễ chịu cho học sinh. Tuy nhiên, NVS được xây dựng từ lâu nên chật hẹp, xuống cấp và không đảm bảo các điều kiện theo quy định, như bồn cầu bệt, đồng thời không có chậu tiểu riêng cho học sinh nam cũng như phục vụ học sinh khuyết tật.

Giờ học của cô và trò Trường tiểu học Lê Lợi, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập

Cô Nguyễn Thị Tạo, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lợi cho biết, NVS được trang bị đầy đủ tại tất cả điểm trường nhưng do xây dựng đã lâu nên không còn phù hợp các quy định hiện hành. Ngoài ra, hệ thống thoát nước hư hỏng nặng, nước thường xuyên bị ứ đọng, tắc nghẽn. Để đảm bảo vệ sinh, trường đã phải tự sửa chữa, xử lý.

Cạnh Trường tiểu học Lê Lợi là Trường mầm non Họa Mi. Hiện trường có 361 trẻ/10 nhóm, lớp. Hiệu trưởng Trần Thị Thanh Vân cho biết, trường có 17 phòng học thì tất cả đều có NVS khép kín. Tuy nhiên, chỉ có 8 phòng học mới được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng có NVS riêng biệt cho nam và nữ, đồng thời đáp ứng yêu cầu cho trẻ khuyết tật khi đi vệ sinh. Còn các phòng học cũ không đáp ứng những nhu cầu này, gây bất cập và quyền riêng tư giữa trẻ nam và nữ. Mặt khác, tại các điểm lẻ của trường vẫn chưa có NVS dành cho giáo viên nên phải dùng chung với các cháu.

Nhà vệ sinh Trường mầm non Họa Mi quá cũ không còn phù hợp, ảnh hưởng đến sinh hoạt của các cháu

Tại Trường THCS Đa Kia, xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập, dù các NVS được trang bị bồn cầu ngồi và có khu riêng biệt dành cho học sinh nam, nữ, tuy nhiên các NVS lại quá chật hẹp, rất ít phòng, ẩm thấp, sát vách với lớp học, khu tập kết rác, nhà để xe, lối đi lại trơn trượt. Trong khi đó, học sinh của trường đông, giờ nghỉ giải lao ngắn nên quá tải. Và nếu thực hiện đúng quy định về công trình vệ sinh sạch, đẹp, thân thiện đối với Trường THCS Đa Kia cũng khó, bởi diện tích và vị trí các NVS của trường hiện vẫn chưa phù hợp. Cô Đặng Thị Hoa Thảo, Phó Hiệu trưởng cho biết, trường có NVS phục vụ sinh hoạt cho giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, so với sĩ số học sinh thì chưa đảm bảo. Để phục vụ sinh hoạt tốt hơn, ngoài di dời 1 NVS khu vực phía sau nhà để xe vào vị trí phù hợp trường đang xin đầu tư xây dựng thêm 1 NVS cho học sinh và 1 NVS cho giáo viên.

Xây mới vẫn không đảm bảo

Công trình vệ sinh các trường học được đầu tư xây dựng từ lâu nên xuống cấp, không đảm bảo quy định là điều dễ hiểu, có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nhiều ngôi trường mới được đầu tư xây dựng khang trang theo hướng chuẩn nhưng vẫn xem NVS là “công trình phụ”.

Điểm chính Trường tiểu học Bình Thắng B, xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập xây dựng khoảng 3 năm trở lại đây, gồm 3 dãy lầu với đầy đủ phòng học lý thuyết, bộ môn, chức năng, đáp ứng nhu cầu học tập, hoạt động của thầy và trò. Tuy nhiên, không hiểu sao các NVS lại thiết kế theo lối cũ, không đảm bảo điều kiện theo quy định hiện hành. Thầy Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng trường chia sẻ: Tại điểm trường chính có 3 NVS, 1 cho giáo viên và 2 cho học sinh, cơ bản đáp ứng sinh hoạt của thầy, trò nhà trường. Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng, trường nhận thấy, bồn cầu bệt không phù hợp với học sinh khuyết tật và không có chậu tiểu riêng dành cho học sinh nam. Ngoài ra, tại 2 điểm lẻ hiện nay vẫn chưa có NVS cho giáo viên mà phải sinh hoạt chung với học sinh.

Nhà vệ sinh Trường THCS Đa Kia chật hẹp, ẩm thấp, sát vách với lớp học, nhà xe, bãi rác, lối đi lại trơn trượt

Bà Võ Thị Tâm, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bù Gia Mập cho biết, đến thời điểm hiện tại, 100% trường, điểm trường trên địa bàn đều có NVS. Tuy nhiên, cơ sở vật chất một số trường được xây dựng từ lâu nên nhiều nơi đã xuống cấp. Nếu tính lộ trình trường chuẩn có khoảng 70% NVS đạt quy định, số còn lại chủ yếu là các trường, điểm lẻ vùng sâu, vùng xa xuống cấp chưa sạch, đẹp, thân thiện. Đầu năm học 2023-2024, UBND tỉnh đã ban hành văn bản phát động phong trào xây dựng NVS thân thiện, sạch, đẹp trong toàn ngành giáo dục. Đây là cơ sở để Phòng GD&ĐT cũng như các trường tham mưu xin bổ sung kinh phí trang bị NVS đã xuống cấp; đồng thời, để các trường chủ động nguồn xã hội hóa xây dựng NVS sạch, đẹp, thân thiện theo đúng quy chuẩn.

Ngày 31-8-2023, UBND tỉnh ban hành văn bản phát động phong trào xây dựng NVS sạch, đẹp, thân thiện trong toàn ngành giáo dục Bình Phước. Theo đó, UBND tỉnh kêu gọi các cấp, ngành, cơ sở giáo dục cùng mạnh thường quân chung tay đóng góp xây dựng công trình vệ sinh tại các trường học. Phấn đấu đến cuối năm nay có 70% và đến ngày 31-5-2024, 100% số trường học có NVS xanh, sạch, thân thiện.

Từ văn bản phát động của UBND tỉnh, kỳ vọng tới đây nhiều trường học sẽ được đầu tư sửa chữa, nâng cấp cũng như xây mới các NVS sạch, đẹp, thân thiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của học sinh, giáo viên. Từ đó, để “mỗi ngày đến trường là một niềm vui” mà không còn nỗi ám ảnh về NVS và không còn xem đây là “công trình phụ” như những năm trước.

Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định cụ thể chi tiết về tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Trong đó, yêu cầu trường hợp khu vệ sinh riêng biệt cần đặt ở vị trí thuận tiện cho sử dụng, không làm ảnh hưởng môi trường. Còn đối với tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức 1, phải có khu vệ sinh riêng cho mỗi tầng nhà, mỗi dãy phòng học...

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/149453/tran-tro-truong-chuan-quoc-gia