Trăn trở chuyện giữ 'hồn Việt' ở xứ Cờ Hoa

Mặc dù ở xứ Cờ Hoa đã gần 30 năm nhưng tiến sỹ, bác sĩ Đỗ Phương Mai (Đại học Tulane), thành phố New Orleans, bang Louisiana không lúc nào hết trăn trở chuyện giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam.

Bác sĩ Đỗ Phương Mai và hai con Đỗ An (áo dài xanh) và Đỗ Quỳnh (áo dài đỏ). Ảnh do nhân vật cung cấp

Mặc dù lấy chồng người Mỹ và định cư ở xứ Cờ Hoa đã gần 30 năm nhưng tiến sỹ, bác sĩ Đỗ Phương Mai, phó giáo sư trường Y tế cộng đồng và Y học nhiệt đới, Đại học Tulane, thành phố New Orleans, bang Louisiana không lúc nào hết trăn trở chuyện giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam.

*Gìn giữ tiếng mẹ đẻ ngay trong gia đình

Đỗ Quỳnh và Đỗ An tham gia khóa học mùa hè với các bạn học sinh Việt Nam. Ảnh do bác sĩ Đỗ Phương Mai cung cấp

Tốt nghiệp Tiến sỹ ngành Y tế cộng đồng tại Đại học hàng đầu Johns Hopkins của Mỹ, tiến sỹ, bác sĩ Đỗ Phương Mai về làm giảng viên tại Đại học Tulane và kết hôn với kỹ sư xây dựng người Mỹ là Thomas Lasher năm 2009.

Ngay sau khi sinh bé trai Ethan An-Do Lasher (tên tiếng Việt là Đỗ An) vào năm 2010 và bé gái Madeleine Quỳnh Lasher (tên tiếng Việt là Đỗ Quỳnh) vào năm 2012, được sự ủng hộ của chồng, bác sĩ Đỗ Phương Mai đã chủ động dạy các con nói tiếng Việt và đọc truyện bằng tiếng Việt hàng ngày. Nhờ vậy, cả Đỗ An và Đỗ Quỳnh đều nói và hiểu tiếng Việt ngay từ nhỏ, thậm chí biết tiếng Việt trước tiếng Anh.

“Khi ở nhà, tôi chỉ nói tiếng Việt với bọn trẻ và bọn trẻ cũng vui vẻ tiếp nhận tiếng Việt theo cách rất tự nhiên. Cũng rất may, chồng tôi là người gốc Canada nói tiếng Pháp và nhập cư sang Mỹ nên cũng hiểu được sự cần thiết của việc duy trì văn hóa cội nguồn với các con. Vì vậy, dù tôi và các con nói tiếng Việt khi ở nhà, còn chồng tôi hiểu bập bõm nhưng không bao giờ tỏ thái độ khó chịu. Có những khi tôi đi vắng, hai đứa trẻ ở nhà tranh luận với nhau bằng tiếng Việt lâu đến mức chồng tôi phải đề nghị các con nói bằng tiếng Anh để phân xử”, bác sĩ Mai chia sẻ.

Kỹ sư Thomas Lasher, bác sĩ Phương Mai và Đỗ Quỳnh. Ảnh do nhân vật cung cấp

Mỗi dịp nghỉ hè hàng năm, cả gia đình bác sĩ Phương Mai đều về Việt Nam để các con có thể thực sự được “tắm” trong nôi văn hóa. Bên cạnh việc giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Việt với ông bà, chú bác và anh chị em tại Việt Nam, hai con của bác sĩ Phương Mai còn tham dự trại hè với nhiều hoạt động phong phú với các bạn học sinh Việt Nam, học hát tiếng Việt, học thêm các lớp luyện ngữ pháp tiếng Việt để có thể hoàn thiện tất cả các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thành thạo bằng tiếng Việt. Mỗi khi ra ngoài đi chợ hay đi chơi, hai con của bác sĩ Phương Mai chính là “phiên dịch” chuyên nghiệp cho bố.

Theo bác sĩ Phương Mai, việc học tiếng Việt bên cạnh tiếng Anh không chỉ giúp duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ, giúp kích thích não bộ phát triển như nhiều nghiên cứu mà còn giúp các bé dễ dàng tiếp nhận sự khác biệt văn hóa, nâng cao khả năng hội nhập. Không chỉ học tiếng Việt, tiếng Anh, các con của bác sĩ Mai còn học tiếng Pháp-ngôn ngữ gốc của bố. Ngoài ra, sống và học tập ở một trường quốc tế tại Mỹ, các con của bác sĩ Phương Mai còn học thêm tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản để giao tiếp dễ dàng với các bạn cùng trường.

“Việc phát triển đa ngôn ngữ như vậy thực sự đã giúp các con tôi tiếp thu chọn lọc nhiều giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, giúp nâng cao kiến thức chung về các nền văn hóa trên thế giới, tự tin trong cuộc sống, từ đó vượt qua được sự khác biệt văn hóa khi sống ở Mỹ hiện nay hay khi sống ở các nước khác trong tương lai. Bản thân chồng tôi cũng nhận thấy sự phát triển vượt trội của An và Quỳnh so với nhiều bạn cùng trang lứa chỉ biết một ngôn ngữ tiếng Anh nên rất ủng hộ các con học nhiều ngôn ngữ”, bác sĩ Mai cho biết.

Tuy nhiên, việc duy trì tiếng mẹ đẻ tại Mỹ cũng không phải là dễ dàng. Nhiều bạn bè của bác sĩ Mai là người Việt Nam định cư ở Mỹ nhưng thế hệ thứ hai lại không biết tiếng Việt. Trong gia đình, bố mẹ con cái chỉ giao tiếp bằng tiếng Anh, đến trường nói tiếng Anh, vì vậy ngôn ngữ mẹ đẻ cũng ngày một mai một.

Tại thành phố New Orleans, cộng đồng người Việt có khoảng 10 nghìn người sống rải rác. Nhiều nhà thờ do các cha xứ người Việt quản lý thường có các lớp dạy tiếng Việt lồng ghép với giảng giáo lý nhưng không có nhiều cha mẹ đưa con đi học tiếng Việt. Nhiều người Việt định cư ở đây thường quan niệm học tiếng Việt mất thời gian, không mang lại lợi ích gì so với việc học tiếng Anh, thậm chí còn dễ bị phân biệt kỳ thị.

“Bạn bè tôi là người Việt Nam nhưng khi gặp An và Quỳnh lại giữ thói quen nói tiếng Anh với bọn trẻ thay vì nói tiếng Việt. Nhiều người cũng khuyên tôi không nên mất thời gian vào việc duy trì tiếng Việt cho các con khi sống ở Mỹ bởi có thể khiến các con khó hòa nhập. Ngay cả bà nội của An và Quỳnh (người gốc Canada nói tiếng Pháp) cũng không ủng hộ việc chồng tôi duy trì tiếng Pháp và các cháu học các ngôn ngữ mẹ đẻ vì lo sợ bị phân biệt đối xử khi sống ở Mỹ như những gì chồng tôi và bà nội bọn trẻ đã từng trải qua”, bác sĩ Phương Mai cho biết.

Theo giáo sư Việt Nam học Nguyễn Xuân Thu (hiện đang sống tại quốc gia đa văn hóa là Australia), việc duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ ở các đất nước đa chủng tộc, đa văn hóa có vai trò rất quan trọng, bời ngôn ngữ chính là một phần quan trọng của nền văn hóa. Từ góc độ văn hóa, nếu một ngôn ngữ trong một đất nước đa chủng tộc bị mất đi cũng đồng nghĩa với việc nền văn hóa sẽ mất đi bản sắc vốn có và dần trở nên nghèo nàn. Vì vậy, mỗi gia đình ở các đất nước đa chủng tộc, đa văn hóa đóng vai trò quan trọng nhất trong việc duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ và bản sắc văn hóa qua các thế hệ.

*Lan tỏa văn hóa Việt Nam từ những việc giản dị

Mâm ngũ quả và bánh chưng trong dịp tết Nguyên đán ở nhà bác sĩ Mai. Ảnh do nhân vật cung cấp

Không chỉ nỗ lực duy trì tiếng mẹ đẻ cho An và Quỳnh, bác sĩ Phương Mai còn duy trì truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam ngay trên đất Mỹ. Trong gần 30 năm định cư ở xứ Cờ Hoa, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, dù rất bận bịu với công việc giảng dạy tại Đại học Tulane, bác sĩ Phương Mai đều sắm “mâm ngũ quả”, cắm các loại hoa phổ biến ở Việt Nam như cúc hay cành đào, nấu các món ăn Việt Nam như bánh chưng, nem rán, bún phở để An và Quỳnh có thể hiểu rõ hơn về phong tục văn hóa, nét ẩm thực truyền thống.

Dịp Tết Nguyên đán, An và Quỳnh cũng thường gọi điện chúc Tết ông bà ngoại và họ hàng ở Việt Nam theo truyền thống. Nếu Giao thừa hoặc mùng 1 tết Nguyên đán trùng vào ngày cuối tuần, cả nhà bác sĩ Phương Mai sẽ mặc áo dài truyền thống, đi đến chùa Việt Nam để cầu mong sức khỏe và mọi điều tốt lành cho gia đình ở Mỹ và cho ông bà ngoại ở Việt Nam đúng như phong tục của người Việt Nam.

Sáng mùng 1 tết Nguyên đán, bác sĩ Phương Mai đều làm những bao lì xì đựng kẹo để mừng tuổi các con cũng như để An và Quỳnh mang đến trường mừng tuổi các bạn. “Nhiều năm như vậy, các bạn của An và Quỳnh ở trường đều rất thích thú đón nhận các phong bao lì xì dịp Tết Nguyên đán này. Cũng nhờ vậy, các bé ở trường cũng có dịp hiểu thêm về văn hóa phương Đông nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng”, bác sĩ Phương Mai cho biết.

Gia đình bác sĩ Phương Mai đến lễ chùa Việt Nam ở Mỹ. Ảnh do nhân vật cung cấp

Bản thân bác sĩ Phương Mai những năm mới đến Mỹ cũng nỗ lực lan tỏa văn hóa Việt Nam đến các đồng nghiệp ở trường. Bác sĩ Phương Mai thường nấu các món ăn đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt để các đồng nghiệp cùng ăn chia vui và cũng để hiểu thêm về ẩm thực Việt Nam.

Đặc biệt, trong các dịp gần tết Nguyên đán, khi các nhà thờ ở New Orleans luân phiên mừng Tết Nguyên đán cho cộng đồng người Việt sinh sống ở đây, gia đình bác sĩ Phương Mai thường đưa An và Quỳnh đến tham dự, vừa để các con có cơ hội rèn luyện, giao tiếp bằng tiếng Việt, đồng thời tăng tính kết nối cộng đồng. Đây cũng chính là cách để văn hóa truyền thống thấm sâu và lan tỏa tự nhiên, sâu rộng tới mỗi người dân mang dòng máu Việt Nam.

Kết thúc câu chuyện về gìn giữ văn hóa ở xứ Cờ Hoa, bác sĩ Phương Mai cho biết đã lên kế hoạch hoàn hảo cho hai bạn An và Quỳnh về Việt Nam dịp hè này. Một hành trình tìm về cội nguồn dân tộc của những người con xa quê hương lại tiếp tục và hy vọng lại tiếp nối.

Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tran-tro-chuyen-giu-hon-viet-o-xu-co-hoa/323420.html