Trần Tiến - gã du ca hát thơ mình

Cái tôi trữ tình của Trần Tiến rất nhiều khi là người ở vậy vò võ ngóng chờ một người tình không hiện hữu.

Bẵng đi vài năm dịch cúm Tàu, Trần Tiến có ra Hà Nội mấy lần, khi đi chơi khi làm đêm nhạc, nhưng tôi không đến các cuộc gặp gỡ của anh. Vây quanh anh toàn là người hâm mộ hoặc cánh nghệ sĩ tưng bừng, mà tôi chỉ quen ngồi chỗ khuất và bình lặng. Cứ ngồi chỗ khuất ấy mà ngắm anh từ xa cũng là tâm trạng thú vị. Rồi không khuất mãi được, phải đến.

Tháng 10/2022, anh nói có người yêu mến anh nêu ý tưởng làm một tập tuyển chọn 150 ca khúc. Anh viết gấp nhiều lần con số đó, nhưng tuyển chọn thì chỉ lấy bằng ấy thôi. Anh ngồi có phần e lệ và kiềm chế bên cạnh cô hiệu trưởng Bích Ngà, cô hiệu trưởng đi theo để giám sát học sinh cá biệt, đồng thời cô còn kiêm điều dưỡng viên chăm sóc người bệnh Trần Tiến. Da dẻ hồng hào, sắc vóc như người không có bệnh, anh kể về việc tập luyện thu nạp lửa tam muội đã giúp anh củng cố sự phục hồi này.

Nhìn cái anh chàng học sinh cá biệt, tôi chợt nhớ đúng là đã viết những câu mà anh có thể coi là tôi đã “mắng” anh. Nhưng tôi chưa hề cho anh đọc bài ấy. Anh chẳng quan tâm những lời ong tiếng ve, cho nên cũng chẳng phiền lòng gì đâu.

Nhạc sĩ Trần Tiến. Ảnh: Minh Tâm.

Giờ thì có thể nhắc lại. Trong một bài tiểu luận điều chỉnh quan niệm về xuất khẩu lao động, tôi có viết: “Nhạc sĩ Trần Tiến trong bài hát Về đi em, có khuyên những cô gái quê hãy rời bỏ phố phường phồn hoa đầy rẫy dối lừa, hãy về với làng quê yêu dấu “tình quê mái lá đơn sơ vui câu hò”. Bài ca thật lãng mạn và xúc động thấm thía. Rất hiểu cái nỗi lòng đồng cảm thương cảm của nhạc sĩ, nhưng tôi vẫn muốn phản biện ông anh Trần Tiến. Về đi em, nhưng về làng quê ai cho em công ăn việc làm, về tức là em lại rơi vào một sự bế tắc khác.

Công việc của nghệ sĩ là khơi gợi cảm xúc khơi gợi vấn đề. Còn việc tìm ra giải pháp lại là của các ngành nghề và các thực thể chính trị xã hội. Như quan điểm của ông tổng thống Indonesia kia, ông cảm thấy bị tổn thương quốc thể khi người dân nước ông ra nước ngoài làm thuê bị xâm hại thể xác và tinh thần, ông phấn đấu chấm dứt việc xuất khẩu lao động, và cho rằng chính quyền và các ngành nghề phải tạo ra công ăn việc làm cho người dân chính ngay trên quê hương của họ.

Đi xa thì cũng được thôi, nhưng gửi người đi xa chớ nên coi là chiến lược lâu dài, chớ mừng vui khi gửi được người đi mà ngồi thở phào yên tâm, coi như đã lập thành tích, coi như vấn đề đã được xử lý vĩnh viễn.

Trở lại với sự “phát hiện vấn đề” của Trần Tiến. Nhạc sĩ bảo “về đi em” tức là đã thầm mong người ta tạo được công ăn việc làm ngay chính ở làng quê của em. Nếu không thế thì “về đi em” lại là một quan điểm phản lại sự vận động quy luật. Chiều thuận của sự phát triển là đi từ nông thôn ra thành thị, sao có thể khuyên người ta quay về làng quê. Vấn đề phải là phát triển ngành nghề, tạo ra môi trường lành mạnh an toàn ở ngay đô thị, bớt phù phiếm “xa hoa dối lừa”, để cho người ta ở lại. Khi đó thì tất nhiên không còn phải gợi ra vấn đề “về đi em” nữa”.

Đấy nhé, mê nhạc Trần Tiến thì cứ mê, nhưng mê trong tỉnh táo nên cứ liên tục phản biện. Lại còn nói ông “phản lại sự vận động quy luật”, tức là “phản động” rồi còn gì. Cái ông du ca bụi bặm ấy mà nhiều khi rất mềm yếu trong lòng. Cứ ngẩn ngơ một anh chàng “Em đi lấy chồng anh vẫn một mình”, hoặc “Về bên dòng sông thơ ấu/ Có anh trai quê vẫn chờ”... Có không nhỉ một anh chàng đâu đó, si tình mơ mộng mà lẩn thẩn leng keng “vẫn chờ” như vậy?

Cái tôi trữ tình của Trần Tiến rất nhiều khi là người ở vậy vò võ ngóng chờ một người tình không hiện hữu.

Trêu chọc anh một chút, rồi lại bàn chuyện nghiêm túc. Tuyển tập anh vừa nêu ý tưởng, tôi đã hình dung đấy là cuốn sách mang tên Du ca dọc đường âm thanh (The Wandering Songs Along the Road of Sound). Du ca thì đúng với anh chàng hát rong này rồi, nhưng dọc đường âm thanh chứ không phải là âm nhạc. Âm nhạc thuộc về âm thanh, nhưng âm thanh còn bao hàm rộng hơn âm nhạc. Đấy phải là chàng du ca trên con đường âm thanh.

Trần Tiến viết hàng trăm ca khúc, mọi phong cách, mọi thể loại, mọi thời gian không gian, mọi tâm trạng, mọi vùng miền. Thế mà anh chưa bao giờ chính thức cho in một tuyển tập nhạc. Các bản nhạc lưu lạc đâu đó trên mạng, chuyền tay, truyền khẩu, dẫn đến tình trạng nhiều người hát sai nhạc sai lời.

Có ca sĩ hát rất hay nhiều bài của Trần Tiến, nhưng lại sửa câu “Chiều hoang vắng chiếc xe tang đi thật vội vàng” thành “Chiều hoang vắng chiếc xe đi thật vội vàng”. Có thể ca sĩ thay chữ “chiếc xe tang” để chiều lòng người nghe dễ dãi nhiều húy kỵ. Nhưng “chiếc xe tang” mới là chiều sâu triết học của một Trần Tiến tưởng như lãng tử. Bực mình với ca sĩ sửa chữ kia, nên tôi rất nhiệt thành ủng hộ ý tưởng làm tuyển tập chính thức của Trần Tiến.

Tuyển tập ấy, anh đặt tên là Trần Tiến - gã du ca hát thơ mình sẽ đến với người yêu nhạc. Trước đó là một đêm nhạc tại Hà Nội, giữa tháng 5/2023, kỷ niệm năm mươi năm ca hát và sáng tác của anh mang tên Trần Tiến - nửa thế kỷ phiêu bạt.

Hồ Anh Thái/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/tran-tien-ga-du-ca-hat-tho-minh-post1459269.html