Trần nợ Mỹ đang ở đâu?

Một lần nữa, cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ đều đã đồng ý trì hoãn áp dụng trần nợ, hiện đang ở mức cao hơn khoảng 512 tỷ USD so mùa thu năm ngoái.

* Nguy cơ khủng hoảng nợ của Mỹ được đẩy lùi

* Hạ viện Mỹ bỏ phiếu hoãn áp dụng trần nợ đến tháng 3/2015

Từ ngày 01/08/2011 đến nay, Mỹ đã 5 lần nâng trần nợ - Nguồn: CNN Money

Hôm thứ Ba, Bộ Tài chính Mỹ thông báo trần vay mượn của nước này được tái thiết lập tự động ở mức xấp xỉ 17.2 ngàn tỷ USD sau khi lần trì hoãn gần nhất hết hạn vào thứ Sáu (07/02).

Việc tạm ngừng áp dụng trần nợ đã trở thành biện pháp “nâng” trần nợ ưa thích của các nhà lập pháp Mỹ. Động thái này cho phép Bộ Tài chính Mỹ vay mượn theo nhu cầu của mình để thanh toán nợ nần và đẩy lùi nguy cơ vỡ nợ.

Và khi thời hạn trì hoãn kết thúc, trần nợ sẽ được tái thiết lập về mức trần cũ cộng với khoản tiền mà Bộ Tài chính Mỹ đã vay trong suốt giai đoạn ngừng áp dụng.

Hay nói cách khác, việc trì hoãn về cơ bản không nâng trần nợ nhưng thực tế là có.

Cái hay của Quốc hội là các nhà lập pháp không phải công khai bỏ phiếu cho việc nâng trần nợ chính thức thêm một con số cụ thể nào. Việc thiết lập lại trần nợ ở mức 17,211,558,177,668.77 USD đánh dấu lần nâng hạn mức vay mượn thứ 5 kể từ ngày 01/08/2011. Khi đó, trần nợ của Mỹ ở mức 14.3 ngàn tỷ USD.

Tuần trước, Bộ Tài chính tuyên bố đã bắt đầu sử dụng các chế độ kế toán đặc biệt để đảm bảo nợ công nước này không vượt trần. Đây được xem là biện pháp bắt buộc vì Quốc hội vẫn chưa nâng hoặc gia hạn trần nợ.

Tối ngày thứ Ba, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật trì hoãn áp dụng trần nợ đến 15/03/2015 với tỷ lệ 221 phiếu thuận và 201 phiếu chống. Tiếp đó vào ngày thứ Tư, Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật trên với tỷ lệ 55 phiếu thuận và 43 phiếu chống. Dự luật sẽ được trình lên Tổng thống Barack Obama để ký thông qua.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cảnh báo các biện pháp bất thường được ông đề xuất sẽ không kéo dài quá ngày 27/02. Tuy nhiên, các chuyên gia về ngân sách cho rằng trần nợ là một khái niệm sai lầm vì quyết định nâng trần nợ luôn tách rời với quyết định thông qua các chính sách thuế và chi tiêu buộc Bộ Tài chính vay mượn nhiều hơn trong thời gian tới.

Phước Phạm (Theo CNN Money)

Công Lý

Nguồn VietStock: http://vietstock.vn/2014/02/tran-no-my-dang-o-dau-772-331737.htm