Trần Khải Lễ - 'Bố già Đài Loan' gần đất, xa trời

Thời gian gần đây, báo chí Đài Loan đưa tin, cựu 'lãnh tụ tinh thần' của bang xã hội đen 'Trúc Liên' - Trần Khải Lễ đã phải sang Hongkong để điều trị bệnh ung thư đang bước vào giai đoạn di căn. Trần Khải Lễ vốn là cựu bang chủ của bang 'Trúc Liên', được giới giang hồ Đài Loan coi là 'Thiên hạ đệ nhất bang'.

Trần Khải Lễ bị Cảnh sát bắt trong vụ án Giang Nam.

Trần Khải Lễ bị Cảnh sát bắt trong vụ án Giang Nam.

Một tay "che kín bầu trời"

Trần Khải Lễ, còn được gọi là “Áp bá tử” (ngỗng chúa), sinh ra tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Năm 1949, ông ta cùng bố mẹ đến Đài Loan và nhập cư tại thôn Khuyên. Khi đó, xung đột giữa những người dân bản địa và dân nhập cư vô cùng kịch liệt.

Khi còn đi học tại trường địa phương, Trần Khải Lễ đã nhiều lần va chạm với các học sinh người bản địa.

Năm 1952, ông ta bỏ học và chính thức bước chân vào con đường xã hội đen khi gia nhập vào bang hội của 2 tên Chu Tân Đức và Chu Dung.

Năm 1956, bang chủ Tôn Đức Bồi bang “Trung Hòa” do đã “mạnh tay” giết chết một tên đại ca của một băng nhóm khác khiến y bị bắt và phải ngồi tù. Sau khi đại ca bị bắt, bang “Trung Hòa” hỗn loạn như rắn mất đầu.

Triệu Ninh Tập, một trong những nhân vật thân tín của Tôn Đức Bồi đã tập trung lại băng nhóm và quyết định thành lập ra “Liên minh Trúc Lâm” (gọi tắt là “Trúc Liên bang”). Khi đó, bang này đã thành lập ra 5 chi nhánh, mỗi chi nhánh được gọi là “Áp”, và Trần Khải Lễ chính là thành viên của 1 trong 5 “Áp” của bang phái này.

Năm 1962, một băng nhóm lớn khác của Đài Loan là “Tứ Hải bang” bị chính quyền địa phương truy quét mạnh. Trần Khải Lễ đã nhân cơ hội này đưa tay chân của mình thực hiện một kế hoạch thôn tính táo bạo. Toàn bộ địa bàn hoạt động trước đây của “Tứ Hải bang” đều bị chúng chiếm lĩnh.

Tháng 4/1968, “Trúc Liên bang” tổ chức một cuộc họp lớn với sự tham gia của gần hết các ông trùm trong bang tại núi Âm Dương, và chính tại cuộc họp này, Trần Khải Lễ chính thức được đưa lên vị trí tối thượng của bang. Kể từ đó, băng “Trúc Liên” dưới sự dẫn dắt của Trần Khải Lễ không ngừng lớn mạnh và nhanh chóng được giới giang hồ Đài Loan gọi là “Thiên hạ đệ nhất bang”.

Thực hiện vụ ám sát “Giang Nam”

Tên tuổi của Trần Khải Lễ nhanh chóng nổi như cồn là do chính tay ông ta đã tạo ra vụ án “Giang Nam” làm chấn động dư luận Đài Loan.

Giang Nam tên thật là Lưu Nghi Lương, là người Mỹ gốc Trung Quốc. Năm 17 tuổi, ông ta theo Tưởng Kinh Quốc tới Đài Loan. Sau một thời gian phục vụ trong quân đội, Giang Nam vào học tại khoa Ngoại ngữ Trường đại học Sư phạm thành phố Đài Bắc. Sau đó ông trở thành phóng viên cho tờ “Nhật báo Đài Loan”.

Trong nghiệp vụ báo chí, Giang Nam nhanh chóng tỏ rõ là một cây bút sắc bén. Năm 1984, ông cho ấn hành cuốn “Tưởng Kinh Quốc truyện”.

Cuốn sách này đã tiết lộ quá nhiều và quá sâu mâu thuẫn giữa hai cha con họ Tưởng, nên gia đình họ Tưởng vô cùng tức giận, chính vì vậy mà họ đã coi Giang Nam là “kẻ phản nghịch” của Quốc dân đảng. Họ đã tìm cách để trừ khử ông. Nhiệm vụ này được giao cho Cục Tình báo Đài Loan.

Nhận được yêu cầu của gia đình họ Tưởng, Cục Tình báo Đài Loan đã chỉ thị cho những kẻ đứng đầu băng nhóm “Trúc Liên” như Trần Khải Lễ, Ngô Đôn, Đổng Quế Sâm đến San Francisco - Mỹ hạ sát Giang Nam.

Trong những năm 80 của thế kỷ trước, phạm vi hoạt động của "Trúc Liên bang" trải dài từ Đài Bắc đến Cao Hùng, từ nam ra bắc với số thành viên trong băng nhóm lên đến hơn 10.000 tên. Con trai của Tưởng Kinh Quốc là Tưởng Hiếu Thức có mối quan hệ khá mật thiết với Trần Khải Lễ, sau đó qua sự giới thiệu của Cục trưởng Cục Tình báo Đài Loan, Trần Khải Lễ đã tự nguyện gia nhập vào Cục Tình báo Đài Loan.

Trong Cục Tình báo Đài Loan, Trần Khải Lễ được gọi với mật danh là Trịnh Thái Thành, phiên hiệu 730063. Từ tháng 8 tới tháng 9/1984, được sự chỉ đạo của Cục Tình báo Đài Loan, đồng bọn của Trần Khải Lễ đã thâm nhập vào nước Mỹ để tìm cách tiêu diệt “kẻ phản bội” Giang Nam. Ngày 16/10 cùng năm, Giang Nam bị ám sát.

Sau khi vụ án xảy ra, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã lập tức điều tra và kết luận hung thủ chính là Trần Khải Lễ, Ngô Đôn và Đổng Quế Sâm. Họ nhanh chóng thông báo cho phía Đài Loan và yêu cầu Đài Loan cho dẫn độ 3 tên hung thủ này về Mỹ để xét xử nhưng không có kết quả.

Trước sức ép của cộng đồng quốc tế, chính quyền Đài Loan buộc phải hạ lệnh bắt giữ Cục trưởng và Phó cục trưởng Cục Tình báo Đài Loan. Trở lại Đài Loan, Trần Khải Lễ lập tức bị chính quyền Đài Loan bắt giam trong “Chuyên án Nhất thanh” (Chuyên án tẩy chay các băng nhóm xã hội đen). Sau khi ra tù năm 1991, năm 1996, Trần Khải Lễ quyết định tới thủ đô Phnompenh - Campuchia sống "ẩn cư".--PageBreak--

Bệnh tật dày vò

Tại Phnompenh, Trần Khải Lễ đóng vai thương nhân, thường xuyên "hoạt động từ thiện".

Tháng 7/2000, 3 tuần sau khi Hội trưởng Hội Đài thương tại Campuchia bị ám sát, Trần Khải Lễ bắt đầu triển khai công việc buôn bán vũ khí với lý do để tự vệ trong những tình huống xấu nhất. Hành động này đã gây nên sự chú ý của chính quyền Phnompenh.

Trong một lần khám xét nhà của Trần Khải Lễ, nhà chức trách đã tìm thấy 11 khẩu tiểu liên AK, 8 khẩu súng ngắn, 1 khẩu M79 và 2.000 quả lựu đạn. Ngay sau đó, Trần Khải Lễ bị Cảnh sát Campuchia bắt giam.

Trong tù, Trần Khải Lễ bị bệnh tật hoành hành. Hơn 1 năm sau, y được trả tự do. Trần Khải Lễ đã mắc bệnh ung thư. Lúc đầu, Trần Khải Lễ nhất quyết không chịu đi viện, nhưng sau đó bệnh tình ngày càng nặng và có dấu hiệu di căn sang thành bụng.

Tháng 6/2007, dưới sự sắp đặt của bạn bè và tay chân cũ của mình, Trần Khải Lễ được đưa đến Hongkong để chữa trị. Lý do Trần Khải Lễ không chịu chữa trị bên ngoài là do sợ bị chính quyền Đài Loan bắt lại, bởi thời gian gần đây Cảnh sát Đài Loan luôn theo sát mọi hành động của y, và chỉ đợi cơ hội để bắt giữ đưa về Đài Loan xét xử.

Đến nay, hầu hết tài khoản của Trần Khải Lễ tại ngân hàng đều bị Cảnh sát Đài Loan phong tỏa, nhưng do giữa Đài Loan và Hongkong không có hiệp ước hỗ trợ tư pháp nên việc bắt giữ Trần Khải Lễ của Cảnh sát Đài Loan vẫn gặp rất nhiều khó khăn

Vũ Hạ (theo Nhật báo Đài Loan)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/hosointepol/2007/10/64388.cand