Trầm trồ với cụ bà gần 80 tuổi ở Hải Dương 'chưa một lần nằm viện' xin thoát nghèo

'Tôi luôn tâm niệm, còn sức khỏe thì mình còn lao động. Trong cuộc sống không nên đố kị, bon chen, hãy bằng lòng với những gì mình có thì bản thân sẽ thoái mái...', cụ Hà chia sẻ.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Bùi Thanh Thùy - Chủ tịch UBND xã Đông Xuyên, huyện Ninh Giang (Hải Dương) xác nhận tại thôn Đông Cao có một cụ bà gần 80 tuổi 'đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Đây là trường hợp đầu tiên của xã và hiện cụ vẫn khỏe mạnh, đang ở một mình trong căn nhà cấp bốn", ông Thùy nói.

Cụ bà gần 80 tuổi ở Hải Dương bên căn nhà cấp bốn tự nguyện làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Ảnh: Đ.Tùy

Cụ bà gần 80 tuổi ở Hải Dương bên căn nhà cấp bốn tự nguyện làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Ảnh: Đ.Tùy

Theo lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến gia đình cụ Trần Thị Hà (SN 1941) khi cụ đang hái rau ở vườn để chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn bên vườn rau không ai nghĩ cụ Hà năm nay đã gần 80 tuổi và sống một mình trong căn nhà cấp bốn gần 30 năm.

Cụ Hà cho biết: "Bao nhiêu năm nay, tôi không biết đi chợ mua thức ăn là gì hết. Các con, cháu cho gì ăn đó, còn rau thì tôi tự trồng ngoài vườn, thỉnh thoảng chỉ mua mắm, muối hay đồ gia giảm ở quán của người thân. Nhiều lúc, tôi nói từ ngày lấy chồng đến nay, bản thân chưa đi bệnh viện điều trị bệnh bao giờ mà có người không tin…".

Cụ Trần Thị Hà xin thoát nghèo. Ảnh: Đ.Tùy

Cụ Trần Thị Hà xin thoát nghèo. Ảnh: Đ.Tùy

Căn nhà cấp bốn được vợ chồng cụ làm cách đây gần 50 năm được xem là gia tài lớn nhất còn lại. Tuy nhiên, ngôi nhà ấy đang xuống cấp mà theo lời cụ là mỗi khi mưa bão cụ không dám ngủ ở nhà. Còn các bức vách tường được vá bằng những tấm tôn để đỡ bong tróc, nhưng sau khó khăn ấy là hành động đẹp của cụ khi tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo.

"Lúc biết tin tôi làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo nhiều người cũng xì xào to nhỏ, nói tôi là không nên vì ở một mình, không có lương, trợ cấp, trong khi con cái mỗi người một thân một phận. Bởi hộ nghèo sẽ được hỗ trợ tiền điện, bảo hiểm…nhưng nếu xin ra thì mình không còn được hưởng nữa. Nhưng tôi vẫn xin ra để nhường cho các hộ khác khó khăn hơn mình, trong khi quyết định của tôi được các con, cháu ủng hộ", cụ Hà tâm sự

Bữa cơm chiều của cụ Hà với món rau muống trồng ở vườn. Ảnh: Đ.Tùy

Bữa cơm chiều của cụ Hà với món rau muống trồng ở vườn. Ảnh: Đ.Tùy

Cuối năm 2019, sau khi được các con động viên, cụ Hà đã tự tay viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, sau đó cụ mang đơn nên UBND xã nộp và được chính quyền sở tại đồng ý cho cụ thoát nghèo năm 2020.

Ngày biết tin cụ làm đơn, nhiều người dân còn hoài nghi vì từ trước đến nay trong địa phương chưa có ai muốn xin ra khỏi hộ nghèo, trong khi việc bình bầu, xét duyệt để công nhận không phải dễ dàng. Nhưng đối với cụ Hà, việc trả hộ nghèo bản thân không hề đắn đo, suy nghĩ, tính toán thiệt hơn.

Mặc dù gần 80 tuổi, nhưng trước khi làm đơn xin thoát nghèo cụ vẫn cấy hơn 3 sào ruộng khoán. Năm 2019, số ruộng nói trên được con trai cả đảm nhận, đến vụ trả thóc và số thóc này cụ để ăn. Riêng 3 người con gái cho cụ mỗi năm 2 tạ thóc để cụ bán lấy tiền chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, cũng như góp tiền mua bảo hiểm cho cụ.

Nhiều năm nay, cụ Hà chưa biết đến việc đi chợ mua thức ăn hay nằm viện điều trị. Ảnh: Đ.Tùy

Nhiều năm nay, cụ Hà chưa biết đến việc đi chợ mua thức ăn hay nằm viện điều trị. Ảnh: Đ.Tùy

Cụ cho biết: "Các con tôi bảo, bây giờ mẹ ở một mình, ăn uống không đáng bao nhiêu, trong khi địa phương đang thực hiện xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo. Cho nên, các con sẽ hỗ trợ mẹ, khi các con nói vậy, tôi vui vẻ đồng ý. Bởi thóc mình có, thức ăn thỉnh thoảng các con cho, rau tự trồng được thì tại sao mình lại không xin ra khỏi danh sách hộ nghèo?

Riêng số thóc 3 người con gái cho, tôi bán để lấy tiền thăm hỏi ốm đau chứ có dám tiêu ăn gì đâu. Rau thì tôi tự trồng trong vườn, còn thức ăn con cháu cho gì ăn đó, cho nên bao nhiêu năm nay tôi chưa khi nào phải đi chợ. Ngoài ra, tôi nuôi thêm ít gà để có giỗ chạp làm cơm thắp hương tổ tiên".

Sau khi xây dựng gia đình, vợ chồng cụ sinh được 5 người con (2 trai, 3 gái), trong đó con trai út của cụ hiện sinh sống ở xa. Ngày ấy, ngoài công việc đồng áng, cụ ông làm nghề mộc trong làng và có thời gian theo chị gái lên khu mỏ thiếc Thái Nguyên. Khi bước sang tuổi 53, cụ qua đời và từ đó đến nay cụ Hà ở một mình trong căn nhà cấp bốn do chính vợ chồng cụ xây dựng năm 1976.

Ngôi nhà cấp 4 được xây dựng gần 50 năm của cụ đang xuống cấp. Ảnh: Đ.Tùy

Ngôi nhà cấp 4 được xây dựng gần 50 năm của cụ đang xuống cấp. Ảnh: Đ.Tùy

Do căn nhà xây dựng từ lâu nên hiện tại đã xuống cấp và mỗi khi mưa bão, cụ sang nhà người cháu bên cạnh ngủ nhờ. Trận mưa bão năm ngoái, bức vách phía trước gian nhà bị đổ, sau đó cụ xin được ít gỗ về ghép tạm. Cụ mong rằng, nếu được nhà nước cho ít tiền, cụ làm lại các bức vách để yên tâm sinh sống.

Chia sẻ về việc sống khỏe, cụ Hà tâm sự: "Rau tôi trồng ở vườn ăn quanh năm, còn con cháu có gì cho thì tôi ăn chứ không bao giờ tôi đi chợ mua bán. Tôi luôn tâm niệm rằng, còn sức khỏe thì còn lao động. Trong cuộc sống không nên đố kị, bon chen, hãy bằng lòng với những gì mình có thì cuộc sống sẽ thoái mái. Do đó, cho đến hiện tại bây giờ, tôi chưa bao giờ phải đi viện điều trị bệnh, nếu ốm vặt qua loa, tôi mua thuốc về uống".

Bức vách làm tạm từ những tấm gỗ do trận bão làm đổ và mỗi khi mưa bão, cụ Hà không dám ngủ ở nhà. Ảnh: Đ.Tùy

Bức vách làm tạm từ những tấm gỗ do trận bão làm đổ và mỗi khi mưa bão, cụ Hà không dám ngủ ở nhà. Ảnh: Đ.Tùy

Duy nhất có 2 lần cụ bị thương nhưng đều do khách quan mang lại. Lần thứ nhất, cụ đi ăn cưới người cháu và không may vấp ngã khiến cổ tay trái bị gãy. Sau đó, cụ được con cháu đưa đi bó bột tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ninh Giang, khi bó xong cụ về nhà. Còn lần khác cụ bị bỏng bên cánh tay phải do xách siêu nước nóng đứt quai và lần đó, cụ điều trị ở nhà.

Chia sẻ về hành động đẹp của cụ bà gần 80 tuổi, Chủ tịch UBND xã Đông Xuyên cho biết: "Việc cụ Hà tự nguyện làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo là hành động đẹp, nhân văn. Chúng tôi đã biểu dương cụ thộng qua các hội nghị cấp chính quyền, hội đoàn thể và cấp thôn. Hiện nay, xã chúng tôi đang phấn đấu về đích Nông thôn mới, trong khi tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Cho nên, qua việc làm của cụ Hà, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động. Mong rằng, nếu các hộ không quá khó khăn nên tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo vừa để đảm bảo tiêu chí giảm nghèo của xã, vừa là việc làm nhân văn góp phần xây dựng quê hương …"

Với việc làm trên, cụ Trần Thị Hà vừa được UBND tỉnh Hải Dương tặng bằng khen trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Đức Tùy

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tram-tro-voi-cu-ba-gan-80-tuoi-o-hai-duong-chua-mot-lan-nam-vien-xin-thoat-ngheo-20200617170836821.htm