Trăm sự nhờ thầy, vậy khi nào thì mẹ cũng là cô giáo?

Chúng ta có thể tìm giải pháp nguồn nhân lực cho chương trình mới bằng chính hoạt động “Xã hội hóa giáo dục” theo chiều sâu rộng hơn so với hiện nay.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của cô giáo Hoàng Lan Anh, giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) nhằm đóng góp ý kiến cho chương trình giáo dục tổng thể .

Trong bài viết, tác giả nhấn mạnh đến sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục học sinh.

Đây cũng được coi là một giải pháp về vấn đề nguồn nhân lực cho chương trình mới theo hướng xã hội hóa chuyên sâu.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Một nền giáo dục giá trị phải là một nền giáo dục mang tính thực tiễn, vận hành hữu cơ với sự phát triển của đời sống xã hội trong đó nó là một thành phần.

Tính thực tiễn chính là tinh thần căn bản của một nền giáo dục nhân văn.

Bên cạnh đó, môi trường phát triển toàn diện, lý tưởng của một đứa trẻ là môi trường trong đó có sự gắn kết giáo dục chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội.

Việc tham gia bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng, nhân cách cho trẻ không nên được phân công rạch ròi.

Bởi vì thực tế, dạy kiến thức không phải là công việc duy nhất và chỉ thuộc về nhà trường, cũng như dạy đạo đức không chỉ thuộc về gia đình và dạy kĩ năng chỉ thuộc về xã hội.

Sự giao lưu giữa các không gian, các nhân tố tiềm lực tham gia hoạt động giáo dục sẽ là một giải pháp hiệu quả góp phần đưa hoạt động xã hội hóa giáo dục được thực hiện ở chiều sâu và thực chất hơn.

Hơn thế, khi “cổng trường mở ra” để đón nhận sự hỗ trợ đến từ phụ huynh và các thành viên của xã hội, trường học sẽ phá vỡ được thế cô lập trong quá trình đào tạo nhân lực để bắt kịp những bước đi và hòa nhập với hơi thở của đời sống đương đại, chính thức trở thành một thành viên quan trọng và thiết yếu của cuộc sống thực tiễn đó.

Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường là rất quan trọng trong việc giáo dục học sinh. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Hiện nay ở Việt Nam, trong khi tình trạng “chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn”, “thừa thầy thiếu thợ”… còn đang là một bài toán nan giải,

Hay trong các cuộc họp phụ huynh của nhà trường, vẫn còn nhiều lời nhắn gửi tha thiết “Trăm sự nhờ thầy!” của các bậc phụ huynh dành cho giáo viên,

Thì chúng ta hiểu rằng: không chỉ mục tiêu giáo dục thực tiễn của chúng ta còn chưa được thực hiện thấu đáo, mà lực lượng giáo dục của chúng ta còn bị giới hạn trong khuôn khổ nhà trường, bộ ba liên kết gia đình – nhà trường – xã hội vẫn còn hết sức lỏng lẻo.

Thiệt thòi thuộc về người học, sau này chính là người lao động. Và rộng hơn nữa, thiệt thòi thuộc về cả xã hội Việt Nam.

Bấy lâu nay chúng ta vẫn hát “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo/Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền” ("Cô giáo như mẹ hiền" - Phạm Tuyên) trong niềm tin cậy về sự đồng tâm giao hòa giữa gia đình và nhà trường: cô là mẹ - mẹ là cô.

Song hãy thử tưởng tượng: dịch chuyển một chút cái cấu trúc không gian vốn đã được mặc định cho cô và mẹ, để cô không chỉ (dạy) ở trường và mẹ không chỉ (dạy) ở nhà… chúng ta có thể làm thêm được điều gì xích lại mối liên kết bộ ba gia đình - nhà trường - xã hội?

Có thể mang lại điều gì mới mẻ cải thiện chất lượng, hướng đến giáo dục thực tiễn của Việt Nam?

Về vấn đề “cô không chỉ dạy ở trường” (mà không phải là tình trạng gia sư, dạy thêm học thêm tràn lan như hiện nay), chúng tôi sẽ bàn bạc ở một dịp khác.

Còn vấn đề “mẹ” - và rộng ra là các bậc phụ huynh – “không chỉ dạy ở nhà”, nghĩa là đưa các phụ huynh đến trường tham gia vào hoạt động học tập của chính con em mình - thì sao?

Câu hỏi này mở ra nhiều thay đổi trong quan niệm cũng như cách thức tổ chức giáo dục…

Tháng 4 năm 2017, Bộ Giáo dục đã ban hành Bản dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể và đang chờ đợi sự phản hồi từ dư luận các cấp - các nhà quản lí giáo dục.

Theo một số ý kiến của các chuyên gia và nhà giáo dục tâm huyết, bản dự thảo chương trình đã chú trọng tới tính thực tiễn trong giáo dục, nhưng còn băn khoăn về tính khả thi của chương trình.

Một trong những vấn đề đặt ra là: chúng ta sẽ giải quyết nguồn lực giáo viên như thế nào để đáp ứng khối lượng môn học và nội dung môn học như chương trình yêu cầu?

Quả thực vấn đề này không hề đơn giản, song chúng ta có thể tìm giải pháp nguồn nhân lực bằng chính hoạt động “Xã hội hóa giáo dục” theo chiều sâu rộng hơn so với hiện nay.

Mục Xã hội hóa giáo dục, phần b – liên quan đến Phối hợp giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường nhận thấy vai trò quan trọng của sự phối hợp giáo dục với phụ huynh, đã đề xuất như sau:

Gia đình, cha mẹ học sinh được hướng dẫn phối hợp và tham gia giáo dục con em theo yêu cầu của lớp học, cấp học.

Ban đại diện cha mẹ học sinh có cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm và hoạt động theo Điều lệ cha mẹ học sinh nhà trường tạo điều kiện thuận lợi để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động”.

Đây là một định hướng có tính mở, khuyến khích sự tham gia của phụ huynh vào các hoạt động của nhà trường.

Tuy nhiên nếu nội dung này không được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực, sự tham gia ấy có thể vẫn sẽ dừng lại ở phương diện hành chính như thực trạng bấy lâu nay tại các nhà trường phổ thông.

Từ những vấn đề lý thuyết và thực tiễn trên, cá nhân tôi nhận thấy một nhu cầu thay đổi với hoạt động xã hội hóa giáo dục trong nhà trường phổ thông hiện nay, để đạt tới những hiệu quả thực tiễn của hướng đi này.

Một trong những giải pháp xã hội hóa giáo dục theo hướng chuyên sâu, theo tôi là “Mời phụ huynh làm chuyên gia hỗ trợ hoạt động dạy học trong quá trình giảng dạy ở trường phổ thông”.

Phụ huynh vừa là cha mẹ học sinh trong gia đình và trường học, lại vừa là lực lượng lao động thuộc nhiều ngành nghề khác nhau trong đời sống xã hội.

Mời phụ huynh làm chuyên gia hỗ trợ hoạt động dạy học là một cách thức giáo viên tổ chức phối kết hợp các hoạt động và các lực lượng giáo dục.

Với tư cách là một đại diện của cộng đồng đương đại, một nguồn tài nguyên tri thức, phụ huynh có thể tham gia chia sẻ ở mức độ phù hợp những kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm chuyên ngành và thực tế của mình cho giáo viên - học sinh trong những bài học cụ thể.

Tất nhiên, việc phối hợp cần được xây dựng dựa trên những nguyên tắc nhất định, để hoạt động này đạt tới tính khả thi và tính hiệu quả trong việc đổi mới tổ chức giáo dục nhà trường.

Phương thức này giúp phát huy tiềm lực sẵn có, góp phần quan trọng để xây dựng trường học thành một cộng đồng học tập vững mạnh, đồng thời đưa giáo dục phát triển gắn liền với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội hôm nay.

Hơn thế nữa, hoạt động này cũng có thể xem là một trong những giải pháp cho vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực thực hiện chương trình phổ thông mới khi chương trình này được đưa vào áp dụng thực tiễn trong những năm học sắp tới đây.

Hoàng Lan Anh

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tram-su-nho-thay-vay-khi-nao-thi-me-cung-la-co-giao-post176706.gd