Trầm sâu Nguyên An

Chất giọng Nghệ chậm rãi của người thành Vinh nhiều năm sống nơi đất Bắc, lối chuyện trò hòa nhã của người từng trải.

Một số tác phẩm của nhà phê bình, Tiến sĩ văn học Nguyên An.

Chất giọng Nghệ chậm rãi của người thành Vinh nhiều năm sống nơi đất Bắc, lối chuyện trò hòa nhã của người từng trải. Đó là đôi nét hình dung về nhà phê bình văn học - Tiến sĩ Nguyên An, tác giả của nhiều cuốn sách nghiên cứu, khảo luận và chân dung văn học.

Từ đam mê trong lặng lẽ…

“Lập thân tối hạ thị văn chương”. Câu nói của người xưa có lẽ rất đúng với Nguyên An. Văn chương với ông là đam mê khó rũ bỏ. Song ông thực hiện công việc này một cách lặng lẽ, bền bỉ. Một phần ý thức nghề văn là khó nhọc, phần nữa là sự trân trọng đối với chữ, nên ông thường tránh những lời to tát trong viết lách cũng như khi phát ngôn.

Văn chương hiếm khi nuôi nổi người cứ ngày đêm say sưa với nó, đọc hết cuốn sách này đến cuốn sách khác, rồi nhíu mày nhăn trán, ghi ghi chép chép. Huống chi lại còn gia đình lớn gia đình nhỏ, những đứa con chỉ biết ăn và học. Thế nên, ở góc độ này, Nguyên An là người thực tế.

Căn nhà vợ chồng ông đang ở rộng rãi khang trang, hai con một gái một trai đều học hành đỗ đạt, có việc làm và gia đình riêng ổn định. Nguyên An không bao giờ ra đường khi râu ria chưa cạo. Luôn chỉn chu gọn gàng, luôn chừng mực trong mọi cuộc giao tiếp, không bao giờ say xỉn, không bao giờ vì cao hứng mà buông lời bất nhã.

Chừng mực và tỉnh táo quá có tốt, nhất lại là người làm văn chương? Xưa nay giới văn nghệ sĩ vẫn được hình dung là lãng mạn, kết giao rộng rãi, đôi khi bất cần và bất cẩn. Nguyên An làm nghiên cứu, khảo luận, rất cần sự tỉnh táo chừng mực. Nhưng tỉnh quá thì dễ thành khô khan. Đời sống mà. Đôi khi phiêu một chút, đi chệch một chút lại làm nên thành tựu lớn.

Nếu lý luận như thế, Nguyên An sẽ cười thật vui mà cũng thật hiền, rồi thốt lên câu đùa dí dỏm. Ông không phản đối lối sống phóng khoáng tự do, nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo. Song ông vẫn chuẩn chỉ phong thái của mình, đều đặn “sáng cắp ô đi tối cắp về”, chăm lo thu vén cho gia đình để được yên tâm ngồi vào bàn viết.

Có được sự tỉnh táo ấy, sự phân thân ấy, một phần bởi tính cách trời sinh, một phần do môi trường gia đình, đặc biệt là cách giáo dục nghiêm khắc của người cha thành đạt đôn hậu.

Tư duy lý tính hẳn đã hình thành trong ông từ khi còn nhỏ. Buổi đầu lập thân ông lại theo nghề sư phạm - cái nghề luôn đòi hỏi phẩm chất nhẫn nại và trách nhiệm của người thầy. Những năm tháng làm quản lý đơn vị xuất bản hay báo chí cũng rèn thêm cho ông sự điềm đạm.

Con đường công danh sự nghiệp nhìn chung thuận lợi, tiến lui đúng nhịp. Cả quãng thời gian đảm nhiệm nhiều công việc ở Bảo tàng Hội Nhà văn Việt Nam thì ông vẫn cứ duy trì phong thái, trách nhiệm mà không ồn ào, hiệu quả mà không làm mếch lòng ai.

Đến đây, hẳn không ít ý kiến cho rằng Nguyên An là người rất khôn ngoan. Đúng là rất khôn ngoan. Song đó là sự khôn ngoan của người biết nhẫn nhịn, biết nắm bắt cơ hội cũng như biết buông bỏ. Biết mình biết người có lẽ cũng là đây.

Còn nhớ, trong một lần chú cháu trò chuyện, ông bày tỏ mối quan tâm tới nhân cách kẻ sĩ ngày nay, khi có không ít người mang danh trí thức mà chẳng là kẻ sĩ, dễ vì lợi ích riêng mà quên đi những vấn đề đại cục.

Với sự háo thắng của tuổi trẻ, tôi nhìn vào mắt ông và hỏi: “Có phần nào của chú trong đó không?”. Một thoáng ngỡ ngàng. Một thoáng do dự. Rồi ông cũng nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng thấp mà trầm tĩnh: “Có, ở góc độ nào đó chú có dự phần”.

Khuôn mặt ông khi ấy buồn hẳn đi. Tôi vừa giận mình đã hỏi một câu quá thẳng, vừa thấy thương và quý trọng ông hơn. Dù sao ông đã không né tránh một câu hỏi khó trả lời.

Nhà phê bình, Tiến sĩ văn học Nguyên An.

Sau lần đó tôi cũng tự nhủ mình đừng bao giờ đặt ra những câu hỏi có tính sát thương cao như thế. Vốn không phải điều gì ông cũng hào phóng chia sẻ với tôi, một phần vì mức độ thân thiết, một phần vì khoảng cách thế hệ. Song đôi khi tôi có cảm giác ông coi tôi như con gái, rộng lượng, quan tâm.

Ông là một trong những cộng tác viên đầu tiên của tôi khi tôi mới bước vào nghề báo phát thanh, lại là phát thanh văn nghệ. Đặc thù chuyên môn cần những khách mời vừa có kiến thức sâu rộng và khả năng tổng hợp, vừa có thể đối thoại một cách giản dị, hấp dẫn.

Nhuận bút dành cho khách mời luôn khiêm tốn. Nên chỉ có những người thực hiểu, thực yêu làn sóng, không câu nệ chuyện tiền nong thì mới gắn bó lâu dài. Nguyên An là một người như vậy.

Thi thoảng, chú cháu hẹn nhau cà phê cà pháo. Ông lại hỏi thăm tôi, cuộc sống thế nào, có vất vả lắm không, công việc có thuận lợi không, con bé con ở nhà khỏe chứ… Ông còn dặn có con nhỏ phải ăn uống đầy đủ để giữ sức khỏe, thương con nhưng phải biết chăm sóc bản thân. Lại dặn thêm cháu nhớ rửa mặt bằng tay nhé, đừng rửa bằng khăn, kẻo sau này dễ có nếp nhăn.

Những lời ông chia sẻ với một đứa nhóc bằng tuổi con ông, hẳn ông đã quên, nhưng tôi thì nhớ. Và tôi hiểu, đằng sau đó là sự chỉn chu của người luôn quan tâm tới người khác, biết tạo niềm vui và sự ấm áp cho người khác. Đó có lẽ cũng là lý do mà thay vì nói về công việc viết lách của mình, ông hay nhắc đến tác phẩm của đồng nghiệp.

Ông rất chịu khó đọc, hiếm khi câu nệ phải là sách của người nổi tiếng, người thành danh mới để tâm. Còn sách của ông, có cuốn mới ông đều đề tặng, nhưng không bao giờ hỏi kiểu như cháu đã đọc chưa, cháu thấy thế nào? Không đẩy người khác vào thế khó xử - đấy cũng là nét tính cách của ông.

…đến khu vườn trầm sâu

Hàng chục đầu sách đã xuất bản của Nguyên An nằm trong vùng không gian của tiểu luận – phê bình và khảo cứu, với đối tượng trung tâm là tác giả và tác phẩm, chủ yếu gắn với giai đoạn văn học hiện đại.

Ngay từ tên sách và dấu mốc xuất bản, có thể nhận thấy sự thống nhất về đối tượng nghiên cứu, đối tượng tiếp nhận. Từ “Trên đường dạy - học Văn và Tiếng Việt” (1987), “Tuổi xuân những trang thơ những cuộc đời” (1990) đến loạt sách: “Kể chuyện tác gia văn học nước ngoài”, “Nhà văn của các em” xuất bản thập niên 90 thế kỉ trước... tới những cuốn gần đây như “Nghiên cứu Truyện Kiều – Ghi chú và Ấn tượng” (2021), “Văn học thiếu nhi Việt Nam – Khảo luận và Chân dung” (2023), Nguyên An luôn hướng sự chú ý tới việc dạy và học văn trong nhà trường.

Dễ hiểu thôi, vì môi trường học đường là nơi ông bắt đầu khởi nghiệp, gặt hái được thành công, cũng là nơi ông ra đi, khao khát mở rộng không gian trải nghiệm. Đi rồi thì lại nhớ, lại thương, lại mong được trở về, được cống hiến.

Quy luật phát triển và quy luật tâm lý con người bao đời nay vẫn vậy. Điều này còn thể hiện cả khi ông tham gia thực hiện Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ từ buổi ban đầu cho đến khi tạp chí đã tạo được bản sắc, chỗ đứng.

Xuất phát điểm là một giáo viên đứng lớp, ông luôn mong muốn các thầy cô và các em học sinh có thêm tài liệu học tập giảng dạy phù hợp, bổ sung cho ngữ liệu sách giáo khoa.

Và tất nhiên, phải là những tài liệu giàu hàm lượng thông tin về tác giả tác phẩm, được chuyển tải với văn phong gần gũi, dễ hiểu, tươi tắn. Các chuyên luận, khảo cứu của ông đều đi theo hướng này, nhận được những phản hồi tích cực từ phía giáo viên và học sinh ở nhiều tỉnh thành.

Mảng chân dung văn học là phần Nguyên An dồn nhiều tâm sức, cả ở góc độ lý luận cũng như thực hành. Trong “Nhà văn Việt Nam hiện đại” (NXB Hội Nhà văn, 1997), ông bày tỏ: “Nhà văn là Người như mỗi chúng ta. Song họ giàu xúc động hơn và trí lực hơn thì phải. Trong một nhà văn chân chính có một nhà chính trị hiền minh, có một nhân dân thuần hậu, mẫn cảm… Họ cũng là con đẻ của dân tộc và thời đại xét từ mọi phương diện khí cốt, tâm thế, tầm vóc văn hóa và cả ngôn phong”.

Mong muốn tìm hiểu đời sống thực, đời sống bên trong của nhà văn, đặc biệt là các nhà văn lớn đã thôi thúc Nguyên An từ khi còn là giáo viên dạy chuyên văn ở Thái Bình. Khi lên Hà Nội học tập công tác, ông lại được mở rộng các mối quan hệ, có thêm cơ hội diện kiến, tiếp xúc, trao đổi.

Ông luôn giữ nét cư xử của một nhà giáo, chừng mực lễ phép với thế hệ tiền bối; với các nhà văn nhiều tuổi hơn một chút hoặc ngang tuổi, ông có phần thoải mái trong cách xưng hô, trong cách khai thác chi tiết đời thường, nhưng vẫn một lòng trân trọng tài năng.

Có lẽ, trong số các nhà phê bình văn học hiện nay, Nguyên An là người đầu tiên tìm hiểu, khảo cứu và hệ thống về từng bước đi, sự hình thành thể loại chân dung văn học ở nước ta.

Ông đặt thể loại này trong bối cảnh lịch sử và văn hóa văn học, gắn với sự đổi thay phát triển của đời sống xã hội và con người cá nhân. Ông xếp chân dung văn học là dạng đặc biệt của phê bình văn học, lại cũng là thể văn thuộc bút ký sáng tác.

Thế nghĩa là chân dung văn học đi bằng hai chân: hiện thực và hư cấu. Hiện thực là chủ đạo, là xuyên suốt. Hư cấu phát triển trên nền hiện thực, làm sáng rõ hơn bản chất hiện thực. Và để xây dựng được những chân dung độc đáo ấn tượng, vừa bám vững vào hiện thực lại thăng hoa trong sáng tạo thì phải là cây bút tài khéo, từng trải, lịch lãm.

Các chân dung văn học của Nguyên An thường sử dụng thủ pháp như trong hội họa hay điện ảnh, với các khung hình rộng và hẹp, cận và xa, đậm và mờ. Ông chú trọng nắm bắt thần thái nhân vật, ứng xử với cá tính nhân vật bằng con mắt nhân hậu của kẻ hiểu biết và từng trải.

“Tìm kiếm để mà hiểu thì chả biết mấy là vừa. Nhưng khi ứng xử thì không chỉ bằng sự thấu hiểu, mà trước hết, bằng cái tâm sáng trong, bằng cái tư thế khiêm dung và đàng hoàng. Tôi vẫn tự dặn mình như thế giữa cuộc đời thường và trong lúc dựng chân dung văn học là công việc mà tôi say mê” (Nguyên An - Nhà văn Việt Nam hiện đại - NXB Hội nhà văn, 1997).

Hàng trăm chân dung các nhà văn nhà thơ thuộc thế hệ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, thế hệ chống Pháp chống Mỹ và các chân dung đương đại đi vào trang viết của Nguyên An, với góc nhìn, sự dặn lòng như thế.

Ông đã ở trong vườn văn rộng lớn và cảm nhận, tôn trọng mọi hương sắc của khu vườn. Ông cũng trồng cho mình một mảnh vườn riêng, sớm chiều chăm chút. Sắc hương của mảnh vườn ấy luôn từ tốn, kín đáo và trầm sâu.

Nhà phê bình, Tiến sĩ văn học Nguyên An tên khai sinh là Nguyễn Quốc Luân, sinh năm 1950. Ông có nhiều năm gắn bó với ngành Giáo dục, từng là thầy giáo dạy chuyên Văn Thái Bình, chuyên viên Bộ Giáo dục, nguyên Giám đốc NXB Từ điển Bách Khoa. Những chuyên luận, khảo cứu về tác giả tác phẩm của ông cũng gắn bó với văn học nhà trường. Đặc biệt, ông có nhiều đóng góp ở mảng chân dung văn học, cả về mặt lý luận và thực tiễn.

Anh Thư

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tram-sau-nguyen-an-post655654.html