Trăm năm trước họ cùng đi qua đây

Con đường trùng tên với ai đó, con đường gắn liền với một kỷ niệm, một giai đoạn, giờ đây chỉ còn một mình ta. Bao con đường người trước đã đi qua, bao con đường người sau chưa đi tới, ta thấy mình bé nhỏ trong thời gian trong lịch sử trong một đô thị trường cửu.

Không biết bây giờ trong sách giáo khoa, người ta còn dạy cái truyện Cố hương của Lỗ Tấn, với câu trích dẫn nổi tiếng: “Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”.

Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường… Những thị dân thế kỷ XXI chúng ta chẳng bao giờ hình dung nổi cái thuở mặt đất chưa có con đường nào, thậm chí một lối mòn vào rừng, lối đi về thôn trang vắng vẻ yên bình nào đó. Làm sao tưởng tượng được điều đó nếu bạn đang sống trong thành phố, một thành phố như Sài Gòn chẳng hạn. Mỗi sáng bạn bước chân ra khỏi nhà và chạm mặt ngay cái sầm uất của đô thị, cái ồn ào cùng dòng xe đi như mắc cửi, đang băng mình lao đi trên khắp nẻo đường ngang dọc dọc ngang chốn thị thành.

Lúc thơ thẩn, “gót mòn đại lộ buồn”, có bao giờ bạn băn khoăn: con đường này ngày xưa trước khi thành rải sỏi, tráng nhựa, mở rộng, phóng lộ, có vỉa hè, có hàng cây xanh che bóng nắng… thì những bước lang thang của ai đó đã đi qua đây? Từ rất lâu rồi, trước khi người ta phát minh ra cả động cơ xe; con đường thuộc về bàn chân người, bộ vó của những con ngựa thồ hay chiến mã, hay là lừa la, hay vòng bánh xe của mấy chiếc thổ mộ chiều chiều chở người từ chợ về một vùng ngoại ô với những bếp nhà đang lên khói cho bữa cơm sum vầy. Vào tháng Mười ta, chắc hẳn chuyến xe thổ mộ ấy phải xuất phát sớm hơn vì trời trở tối nhanh lắm, mà đường thì xa, đèn đường chưa có, ngọn đèn măng xông treo trước xe lắc lư như hòn lửa nguội, đường nhỏ dần nhỏ dần, quanh co quanh co.

Mỗi khi ngồi cà phê cùng những người Sài Gòn xưa, nhìn ra dòng xe cộ rộn rịp trước mặt, các công dân lâu năm thường phóng mắt nhìn xa xăm, sâu vào tận dĩ vãng. “Ngày xưa vùng này là đồng không mông quạnh, là đầm lầy, nửa đêm thấy tiếng vang xa xa, không rõ có phải là cọp đang gầm gừ...”. Họ thì thầm, không rõ nói cho tôi hay nói với chính mình, hay nói vọng vào dòng người xe đang miệt mài trên đường, dội vào các tòa nhà san sát, các cao ốc ngổn ngang đua nhau vươn lên mãi. Nói thì thầm mà để đua tranh với thứ tiếng ồn của con người, động cơ, thậm chí một thứ ồn ào vô tăm vô tích không biết phát ra từ đâu, như thể cái tĩnh tại của thiên không cũng náo động dữ dội.

Tên hai vị danh nhân cận kề nhau như cùng bầu bạn. Mới hay cuộc bể dâu cũng như một trận đùa.

“Người ta ở trong tiếng ồn này nhưng đồng thời lại cũng ở trên đường phố. Nhà hàng như trôi dạt trên thanh âm và phố phường. Con đường này, con đường đáng ngưỡng mộ này không phải là một chốn bình yên trước thứ âm nhạc kinh hãi đó. Từ bao lơn, tôi trông thấy toàn cảnh và tôi cũng thấy những nhà hàng chơi nhạc khác với tầng trệt mở toang như sân khấu kịch. Không có ranh giới phân chia giữa nhà cửa phố xá. Tất cả nằm trong một vùng ánh sáng chói lọi, cu-li đang ăn súp cá, xe kéo tay lướt qua, đầu bếp cởi trần, lò than cháy rực, heo sữa treo lủng lẳng”. Ông bạn tôi trong một lần ghé Sài Gòn, ngồi trên ban công một quán đã cảm tác ra những dòng tùy tưởng nọ.

Thành phố này là thế, nó dễ làm người ta choáng ngợp bằng những hình ảnh cứ không ngừng lặp đi lặp lại. Chạy xe trên đường có cảm giác như nhà cửa, hàng cây đang trôi đi, lướt tới, còn bạn thì bất động. Cứ như bạn đang sống trong một thứ thời gian không trôi, buổi sáng hôm nay cũng tựa hồ buổi sáng hôm qua, và cũng giống muôn vàn buổi sáng của mai sau nữa.

Thì cũng đúng phải không? Chỉ có con người là bất động thôi còn thành phố thì luôn luôn vận động, những dấu chân người sau giẫm lên dấu chân kẻ trước và cứ thế nối tiếp nhau, từ những lối mòn thành những con đường vô danh, rồi mang tên chư liệt vị tiền nhân nào đó.

Tôi nhớ thi thoảng mình đến một thành phố lạ, ngơ ngác vì một cái tên đường chẳng quen, được đặt theo tên một danh nhân địa phương, như người xây cầu làm đường, những người khai khẩn, những người giữ làng giữ đất, những người qua một bài thơ một trang viết đã tôn vinh quê hương xứ sở của mình. Biết đâu trên những con đường thiên lý ấy, trăm năm xưa có một thanh niên ngã xuống giữ yên đất quê hương mà không nghĩ tới trăm năm sau tên mình sẽ được đặt cho con đường ấy?

Tôi cũng nhớ mấy ngã ba ngã tư tôi đùa vui gọi rằng “ngã ba hòa giải”, tên hai vị danh nhân thời trung đại, sinh tiền là kình địch chẳng đội trời chung, vậy mà chẳng biết vì nguyên cớ gì giờ lại nằm trên hai con đường cận kề nhau như cùng bầu bạn, danh nhân này đứng cạnh danh nhân kia, hai vị tướng khoác vai nhìn trẻ con đi học, nhìn công nhân đi làm, nhìn cụ già dắt cháu đi khắp xóm, tay trái cầm tô cơm, tay phải cầm roi, đi từ đầu đường vị tướng này đến cuối đường vị tướng nọ là thằng cháu ăn xong bữa.

Mới hay cuộc bể dâu cũng như một trận đùa, cười sang sảng thỏa chí rồi thôi, rồi quên, vì nói sao hai kẻ địch cũng chung máu đỏ da vàng, nói chung tiếng nói, thì thôi hơn trăm năm cũng cùng về cái miệt xa xôi cách trở so với chiến trường xưa, ngồi xuống mà hòa hợp hòa giải, để quên niềm cừu hận, chuyện tranh giành năm xưa kể cũng như một chuyện đùa.

À, nhân nhắc đến chuyện đùa, chuyện ông bạn ngồi ở ban công quán cà phê tôi nhắc ở trên là tôi giỡn chơi đó. Đoạn văn ấy lẩy ra từ cuốn Nam Kỳ ngao du của Léon Werth (Đông Dương dịch, NXB Phụ Nữ Việt Nam ấn hành). Năm 1924, Werth xuôi tàu từ Pháp, băng đại dương mà đến Việt Nam. Năm 2024 này là tròn một trăm năm chẵn. Sợ chưa, đã trăm năm rồi đó, vậy mà hậu nhân đọc văn ấy, tưởng cảnh nó đang diễn ra sờ sờ trước mắt. Vẫn thứ nhạc ồn ào, vẫn hương thơm của hàng vạn món ăn đường phố cứ quyện vào nhau, sinh hoạt thường nhật sôi động, nếu cắt đoạn văn đó ra khỏi cuốn sách, bảo đang tả cảnh đời này dám cả đống người tin.

Còn đây là đoạn văn của một ông Tây tả giao thông xứ ta:

“Trong chuyển động chung, chúng ta thường tìm kiếm các khe hở để nhích lên, di chuyển về phía trước, nơi người chạy xe đằng sau lại lấp chỗ trống của người đằng trước. Những con hẻm, con ngõ khá nhỏ hẹp và không an toàn, tựa như một eo biển nơi chỉ từng chiếc xe hai bánh một mới có thể đi qua, như lạc vào mê cung - nơi bạn hoàn toàn có thể bị lạc giữa hai khu phố, giữa hai dãy tường dài màu trắng trải dài tít tắp” (Jean-Pierre Outers, Du hành về Nam, Thi Hoa dịch, NXB Tổng Hợp TP.HCM ấn hành).

Dưới mắt ta cũng thế thôi. Con đường đô thị thì chật chội thêm mỗi ngày, thiên hạ vẫn chen lấn nhau mỗi ngày, cố đoạt một thứ gì đó. Vì lợi, vì danh, vì cần tồn tại. Có người đến người đi, chỉ những ngõ phố con đường còn ở lại.

Và có con đường trùng tên với ai đó ta quen biết. Hình như có một bài thơ nói về điều này, chẳng nhớ của thi sĩ nào, cũng chẳng nhớ nỗi câu nào. Như Phan Vũ vậy, Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố/ Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường… Con đường trùng tên với ai đó, con đường gắn liền với một kỷ niệm, một giai đoạn, giờ đây chỉ còn một mình ta. Bao con đường người trước đã đi qua, bao con đường người sau chưa đi tới, ta thấy mình bé nhỏ trong thời gian trong lịch sử trong một đô thị trường cửu.

Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Ðộc sảng nhiên nhi thế há

Thi nhân đời Đường, Trần Tử Ngang đã viết vậy. Tưởng tượng nhe, một trăm năm sau, những cảnh tượng này có gì đổi khác. Hay người trăm năm sau đọc lên vẫn như thấy chuyện hiện tiền? Và những bước chân chúng ta đi hôm nay mai này em sẽ bước tiếp, chỉ còn con đường ở lại, với nắng với mưa, với những người mới.

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
(Bùi Giáng)

Xin chào nhau nhé!

Bài và ảnh: Huỳnh Trọng Khang

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tram-nam-truoc-ho-cung-di-qua-day-42218.html