Trăm năm tính cuộc vuông tròn: Sức chịu đựng có hạn...

Thu nhập của vợ gấp 5 lần lương anh phó quèn của tôi, vì thế, vị trí trụ cột trong gia đình tôi thuộc về vợ. Vợ chỉ huy cả gia đình, vợ bắt mọi người sống theo những gì vợ muốn. Vợ yêu cầu tôi cáng đáng toàn bộ công việc nội trợ, làm tất cả những việc mà những bà vợ thông thường khác phải làm. Còn vợ lo những việc "lớn lao" như kiếm tiền, quản lý tài chính, lên kế hoạch chi tiêu, mua sắm xe cộ, sửa chữa nhà cửa...

Với tôi, vợ nghiêm khắc và khắt khe như một vị quan tòa, tôi làm gì cũng phải được vợ cho phép. Ví dụ mỗi lần muốn giúp đỡ ai đó bên đằng nội gặp khó khăn hoạn nạn, tôi phải làm "công tác tư tưởng" với vợ khá là vất vả. Ai được vợ tôi giúp đỡ cũng chả thấy vui vẻ gì, vì cô ấy giúp mà có thái độ hách dịch như bố thí, mà còn thích kể công. Nhưng với cậu con cưng thì lại khác, vợ tôi cho nó tiêu tiền thoải mái, nó muốn gì được nấy. Điều vợ tôi đòi hỏi ở cậu ấm chỉ là sống sao cho giống con nhà có tiền là được! Còn với tôi thì vợ bảo phải chặt chẽ, nếu không tôi sẽ lấy tiền đi làm "từ thiện" cho đám họ hàng nghèo rớt ấy, "thóc đâu mà đãi gà rừng". Trong mắt vợ, gia đình bên chồng chỉ toàn làm phiền, gặp là vay mượn, xin xỏ (cô ấy nói hơi quá). Mỗi khi vợ chồng có chuyện bất đồng là cô ấy lại lôi những chuyện đã giúp đỡ bên nội ra để chì chiết: "Tôi khổ vì cái gia đình nhà anh", "Trăm dâu đổ một đầu tằm"... Tôi khổ tâm lắm mà không nói ra được, vì quả thực vợ cũng giúp đỡ bên nhà tôi khá nhiều, vừa giúp vừa coi thường.

Ảnh minh họa.

Vợ tôi rất hiếm khi cho con cái đến thăm họ hàng, vì sợ "đến chơi một tí đã tưởng thân là lại bắt đầu nhờ vả", cô ấy còn dạy con "mình là người đẳng cấp, không nên quan hệ với loại tầm thường". Vợ còn không cho con chơi với những đứa bạn nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn vì sợ con sẽ bị "lợi dụng". Nhưng điều tôi lo lắng hơn cả là suy nghĩ "tiền có thể mua được mọi thứ" đang tồn tại trong đầu óc vợ, khiến cô ấy nhiều khi trở nên tàn nhẫn đến lạnh lùng. Có lần, vì muốn mẹ tôi đỡ vất vả, tôi đã bàn với vợ đón bà về ở cùng, vợ tôi càu nhàu: "Lấy nhau đã phải ở riêng để tránh cảnh mẹ chồng nàng dâu rồi, giờ lại còn rước về nữa". Nhưng rồi cô ấy cũng đồng ý, với điều kiện: "Bà ở đây tức là có thêm một miệng ăn, vậy thì cần dứt khoát là bà cũng phải giúp đỡ cho cái nhà này. Tôi không thuê ôsin nữa là để tiết kiệm". Ý của vợ là mẹ tôi phải làm mọi việc vặt trong nhà, tôi không phản đối, vì mẹ tôi còn khỏe, cũng muốn giúp con cháu chứ chả chịu ngồi không. Đôi khi con gái tôi cũng muốn làm mọi việc giúp bà, nhưng lại bị mẹ mắng: "Việc của chúng mày là học chứ đâu phải làm những việc ấy"; hay "Ai làm việc của người ấy. Biết ăn thì phải biết làm chứ, ai mà nuôi báo cô được...". Có lần con gái tôi hét lên: "Bà là mẹ của mẹ chứ đâu phải người hầu mà mẹ đối xử như vậy?", vợ tôi quát lớn hơn: "Mày tưởng tao đang hành hạ bà sao? Được ở nhà này bao nhiêu người mơ cũng chẳng được. Ngồi mát ăn bát vàng còn khổ sở gì nữa. Không ở được cũng chẳng giữ, về quê mà lội ruộng cho biết đời!". Tất cả những chuyện đó sau này con gái mới kể với tôi, nó bảo: "Bà cản không cho con cãi lại mẹ, rồi dặn con không được nói với bố. Bà bảo bà hài lòng với cuộc sống ở đây, nếu con nói cho bố biết thì bà sẽ về quê. Thật ra vì bố và chúng con mà bà phải chịu đựng chứ ở nhà mình bà không vui đâu". Nghe con nói mà tôi ứa nước mắt, vừa giận vợ vừa thương mẹ vô cùng.
Từ hôm đó tôi để ý chăm sóc mẹ nhiều hơn, giúp mẹ làm việc nhà, vợ tôi tuy khó chịu nhưng không dám nói hỗn với bà trước mặt tôi. Tưởng đã tạm yên, nhưng đùng một cái mẹ tôi bỏ về quê. Hỏi con tôi mới biết tường tận nguyên do: Vợ tôi kêu mất tiền, cô ấy nói mát mẻ, "Cái khó nó bó cái khôn. Đói ăn vụng túng làm liều đây mà...". Lần này thì quá sức chịu đựng của mẹ tôi nên bà lẳng lặng ra bến xe về quê. Sau đó vợ tôi phát hiện số tiền mất chỉ là sự nhầm lẫn. Biết vậy nhưng cô ấy vẫn không chịu về quê xin lỗi mẹ chồng, thậm chí còn nói chuyện với hàng xóm, ý là "may mắn trút được cái nợ"...
Đơn ly hôn tôi đặt sẵn trên bàn, nhưng cô ấy không chịu ký. Con gái động viên tôi: "Bố mẹ chia tay đi. Con sẽ ở với bố"... Tôi bật khóc, ôm con vào lòng.

HUY ANH (Hà Nội)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tram-nam-tinh-cuoc-vuong-tron-suc-chiu-dung-co-han-599503.bld