Trăm năm ngời sáng khí tiết người cộng sản - Kỳ 5: Tiếng vọng từ quá khứ kiêu hùng (Tiếp theo và hết)

Những ngày đầu xuân năm mới, cùng với đồng đội-những cựu tù Côn Đảo năm xưa, bà Hoàng Thị Khánh cùng ông Lê Hồng Tư... đến thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Những ký ức đau thương lại hiện về qua những hiện vật, nhưng tin rằng thời gian sẽ xoa dịu nỗi đau về thể xác, tinh thần của những tử tù, cựu tù Côn Đảo. Giữa đất trời Thành phố mang tên Bác, bà Khánh, ông Tư cùng nhau nhớ về biểu tượng nắm đấm thép (tại Bảo tàng Côn Đảo) - một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và sức mạnh đoàn kết dân tộc.

Khóc trong tự do

Nghe các cựu tù kể lại chuyện tù chính trị năm xưa đứng lên giải phóng Côn Đảo thật thú vị. Những ngày cuối tháng 4-1975 lịch sử, tử tù Lê Hồng Tư cùng đồng đội bị giam ở Trại IV không khó để nhận ra bọn địch đang hoang mang, căng thẳng tột độ. Tiếng máy bay gầm rú lên xuống sân bay Cỏ Ống liên tục, đưa nhân viên, cố vấn Mỹ, tướng tá ngụy bay ra Côn Đảo để lên ca nô chuyển tiếp ra các tàu lớn đậu ngoài khơi. Từ trưa 30-4 đến đêm khuya cùng ngày, bọn địch ở đặc khu Côn Sơn tháo chạy trối chết. Nhiều tên không lên được tàu ngoài khơi nên phải chạy ca nô vào bờ.

Niềm vui hội ngộ của cựu tù Côn Đảo. Ảnh: NGUYỄN Á

Ở trong trại giam, Lê Hồng Tư cùng nhiều anh em chưa biết tin Sài Gòn đã giải phóng. Các trại đều lên kế hoạch kỷ niệm trọng thể Ngày Quốc tế lao động 1-5, qua đó triển khai kế hoạch tổ chức kỷ niệm sinh nhật Bác. Đêm 30-4, một số người thuộc Ban hành quân tác chiến đặc khu Côn Sơn vào khu H-Trại VII, thông báo cho tù nhân biết tin tổng thống Dương Văn Minh và ngụy quyền đã đầu hàng. Ngay lập tức, radio được mang tới để kiểm chứng thông tin.

Các đồng chí có trách nhiệm ở khu H quyết định hành động, chớp thời cơ giải phóng Côn Đảo. Tiếng reo hò từ khu H vang vọng khắp Trại VII. Rạng sáng 1-5-1975, 8 khu của Trại VII được giải phóng. Các đồng chí có tiếng nói ở Trại VII quyết định thành lập Đảo ủy lâm thời để lãnh đạo cuộc nổi dậy, với chương trình hành động gồm 3 điểm: Cử người giải phóng các nhà lao, trước hết là lao phụ nữ; tổ chức ngay lực lượng vũ trang, chiếm trại lính và các vị trí quan trọng; thành lập chính quyền cách mạng để quản lý và giải quyết mọi việc trên đảo.

Trước đó, vào trưa 30-4-1975, nhờ cất giấu được radio nên khu B-Trại VI, nơi giam giữ gần 500 tù nữ biết tin Sài Gòn được giải phóng nhưng không có cách nào thông báo cho các trại khác. Bà Trần Thị Phú tâm sự cùng chúng tôi: “Lúc đó, chị em chọn những bộ quần áo mới mặc vào để chung vui non sông thống nhất. Nhưng chúng tôi vẫn lo, vì nghe được thông tin bọn địch sẽ cho thủ tiêu tù chính trị trước khi Côn Đảo thất thủ”.

Rạng sáng 1-5, gần 500 tù nữ ở khu B-Trại VI vẫn lo canh cánh việc bị địch mang đi thủ tiêu hoặc bị chúng quăng lựu đạn, xả súng vào phòng giam. Phải đến sáng 1-5, khi được các đồng đội mở cửa phòng giam, ùa ra bên ngoài hít thở không khí trong lành, được thông báo nhanh tình hình thì bà Phú và các chị em mới yên tâm. Trưa 1-5, bà Phú cùng cánh phụ nữ hăng hái đi đào hào, nấu cơm; việc kiếm củi, bắt cá đã có cánh đàn ông lo.

Cũng trong sáng 1-5, một đoàn người ào ào khí thế xông vào Trại IV. Tiếng búa nện vào ổ khóa không còn chát chúa như những lần địch phá cửa. “Sài Gòn giải phóng rồi! Anh em được tự do rồi!”. Lê Hồng Tư cùng anh em trong phòng 15 gầm lên. Ông Tư không hiểu mình lấy đâu được nguồn sức mạnh. Đã hai tuần nay, ông không ăn cơm.

Chiều 1-5-1975, ông Tư gặp lại người bạn chiến đấu một thời Lê Quang Vịnh, hồi ra tòa cùng nhau, đều bị tuyên án tử hình năm 1962. Ông Tư được cử vào Ban lãnh đạo khởi nghĩa toàn đảo; sau đó, ông Tư, ông Vịnh được giao nhiệm vụ phụ trách công tác tuyên huấn của đảo. Kể đến đây, ông Tư bảo chúng tôi: “Lạ lắm các cháu ơi! Trước ngày 30-4, chú đang bị kiết lỵ nặng gần hai tuần, thế mà sáng 1-5, kể từ khi ra khỏi chốn lao tù, bệnh tình thuyên giảm hẳn”.

Các tử tù, cựu tù còn mừng hơn khi chính quyền cách mạng ở Côn Đảo bắt được liên lạc với Sài Gòn, nhận được thông tin, cấp trên đã cử lực lượng ra giải phóng quần đảo Côn Sơn. “Đảng hỏi chính quyền cách mạng Côn Đảo cần gì? Côn Đảo xin trên ảnh Bác Hồ”, ông Tư nhớ lại mà trong lòng chộn rộn niềm vui. Chuyện cách đây gần 50 năm đang hiện về đầy khí thế hào hùng trong tâm tưởng ông.

Rạng sáng 4-5, tàu đổ bộ đưa bộ đội lên đảo. Hàng nghìn tử tù, tù nhân chạy ào xuống biển đón bộ đội, nhất loạt hô to: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”. Ông Tư ôm lấy một người lính Quân giải phóng khóc nức nở, khóc ngon lành. 14 năm bị giam cầm, trải qua bao trận đòn tra tấn khốc liệt, mấy lần tưởng bị đem đi hành hình... Ơn Đảng, ơn Bác Hồ, ông Tư cùng đồng đội được khóc trong tự do.

Chiều cùng ngày, đứng trong đội ngũ những người cộng sản trung kiên, ông Tư, ông Vịnh cúi đầu trước mộ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, liệt nữ anh hùng Võ Thị Sáu... Ông Tư đứng trước mộ ông Phạm Ngô, mộ ông Hai-người chiến sĩ biệt động Sài Gòn kiêu hùng đã khiến bọn chúa đảo, cai ngục ở Côn Đảo phải nén nỗi khiếp sợ mỗi khi tra tấn, để báo tin vui nước nhà đã thống nhất, rồi khấn: “Xin được cảm ơn anh và các đồng chí đã ngã xuống. Chính sự hy sinh của các anh, các chị, của lớp lớp thế hệ đi trước đã tiếp thêm sức mạnh, truyền lửa thiêng cho cuộc đấu tranh của tù nhân Côn Đảo”.

Sục sôi dòng máu cách mạng

Rót nước mời chúng tôi uống, bà Trần Thị Phú nhớ lại những ngày đầu tháng 5-1975, trên Côn Đảo mà theo bà là “vui quá trời”. Chị em được tắm nước sạch, được chăm sóc y tế, thuốc men cẩn thận, được ăn cơm nóng, thịt cá tươi rim mắm, rồi cơ man là rau xanh, rau rừng. Bà Phú cùng gần 500 chị em ra viếng đồng đội yên nghỉ ở nghĩa trang, cùng nhau hát vang các bài ca cách mạng trong nước mắt lưng tròng.

Bà Phú trải lòng: “Gần nửa thế kỷ sau ngày nước nhà thống nhất, cứ mỗi khi gặp nhau là chúng tôi-những tử tù, cựu tù Côn Đảo lại không kìm được nước mắt. Chúng tôi đã chia nhau sự sống chốn lao tù, đã tranh giành đòn thù, kể cả cái chết. Lớp người trước ngã xuống, lớp người sau tiến lên. Sự đùm bọc, sẻ chia yêu thương, đức hy sinh cao cả, tận hiến đến cùng chính là vẻ đẹp cách mạng của cựu tù chính trị Côn Đảo”.

Bà Hoàng Thị Khánh điện thoại hỏi thăm sức khỏe cựu tù Côn Đảo trước thềm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: ĐẶNG TRUNG KIÊN

Những ngày đầu năm 2024, bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP Hồ Chí Minh kiêm Trưởng ban liên lạc toàn quốc chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày bận rộn với công việc, khi điện thoại liên tục đổ chuông. Bà Khánh vui lắm vì vừa vận động doanh nghiệp được 100 triệu đồng để gây quỹ giúp đỡ các cựu tù.

Nghe chuyện bà Khánh kể, chúng tôi đi từ bất ngờ thú vị này đến niềm vui khác, vì có doanh nghiệp chung tay mang Tết sum vầy, ấm áp đến với cựu tù Côn Đảo. Bà Khánh trải lòng: “Tôi sinh năm 1947, giờ đã 77 tuổi nhưng còn sống ngày nào, tôi nguyện tận hiến cho Đảng, cho đất nước, cho tổ chức đến cùng”. Nghe bà Khánh trút bầu tâm sự, chúng tôi ứa nước mắt vì được biết bà vừa mới phẫu thuật tim.

Cứ sau mỗi cuộc trò chuyện với tử tù, cựu tù Côn Đảo, chúng tôi lại càng thêm khâm phục tinh thần, ý chí, nghị lực của họ. Ông Lê Hồng Tư nhắc đi nhắc lại: “Vợ chồng tôi luôn trân trọng, đời đời không quên những tháng năm được đồng đội che chở, đùm bọc. Cuộc đấu tranh trong chốn lao tù năm xưa cũng như phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” hiện nay đòi hỏi người cán bộ, người đảng viên phải có trí tuệ, sáng tạo, sự gương mẫu và đức hy sinh".

Cựu tù Phùng Ngọc Anh mắt lòa do địch rắc vôi bột trong những tháng năm bị giam cầm ở Côn Đảo, nhưng với bà: “Nhớ về quá khứ là nhớ về đồng đội, nhớ về những đảng viên, tù chính trị kiên trung đã ngã xuống cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chứ không phải để thù hận kéo dài. Để có được hòa bình, chúng ta đã phải hy sinh rất nhiều, thế nên càng phải trân trọng cuộc sống hôm nay, để giữ trọn thanh danh người chiến sĩ cách mạng”.

Dù đang bộn bề công việc, lo cho lễ tổng kết hoạt động của Ban liên lạc toàn quốc chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày năm 2023, cũng như phương hướng hoạt động năm 2024 nhưng bà Hoàng Thị Khánh vẫn suy tư khi cận kề Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vẫn có những đảng viên, cán bộ bị Trung ương thi hành kỷ luật.

Bà Khánh trăn trở khi nhắc lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai?” đồng thời khẳng định “mỗi lần chúng tôi sinh hoạt chi bộ, gặp gỡ cựu tù, gặp mặt các ban liên lạc truyền thống thì đều tự nhắc nhau về danh dự của người đảng viên qua những câu chuyện. Chính những năm tháng bị tù đày ở Côn Đảo đã giúp chúng tôi sau này không dám nghĩ sai trái trong công việc, ứng xử chứ đừng nói là làm bậy” và rằng "ở trong tù cũng như sau này, chúng tôi động viên nhau phải luôn giữ vững khí tiết, giữa cái vinh nào ai hay biết và cái nhục mà chính mình phải cảm nhận rõ nhất”.

Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Cái gì trở thành văn hóa, cái đó trở nên sâu sắc, lắng đọng, bền vững và có sức truyền cảm mạnh mẽ. Nhận thức đúng, hành động sáng tạo, văn hóa Hồ Chí Minh sẽ truyền dẫn nguồn xung lực quan trọng để chúng ta xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, tạo động lực cho chúng ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, sáng tạo; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; nắm bắt thời cơ, vận hội mới, vượt qua mọi thách thức, nguy cơ để xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn”.

Ký sự của ĐÌNH HÙNG - TRUNG KIÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/tram-nam-ngoi-sang-khi-tiet-nguoi-cong-san-ky-5-tieng-vong-tu-qua-khu-kieu-hung-tiep-theo-va-het-764450