Trăm năm ngời sáng khí tiết người cộng sản - Kỳ 2: Sẵn sàng chết để giữ trọn khí tiết

Thấy anh Hai nấc từng cơn, máu đen trào ra, Lê Hồng Tư vội lấy khăn lau nhưng người chiến sĩ biệt động Sài Gòn anh hùng ngăn lại, tranh thủ những giây cuối đời mình trăng trối: Tôi không qua nổi đâu. Anh còn sống, về báo cáo với tổ chức, với Đảng, tôi ở trong tù luôn giữ trọn khí tiết của người đảng viên. Đời tôi chỉ mong được gặp Bác Hồ một lần, vậy mà không thành...

Tám chữ vàng

Hè năm 1961, phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên miền Nam lên cao, Sài Gòn vô cùng ngột ngạt, nhất là sau vụ ném lựu đạn giết hụt Đại sứ Mỹ Nolting vào ngày 8-7-1961 của “tổ võ trang quyết tử” Lê Văn Thành do Lê Hồng Tư chỉ đạo. Trung tuần tháng 8-1961, ông Tư bị địch bắt. Tại Tổng nha cảnh sát, ông phải chịu đòn tra tấn ngày đêm, bị chích kim vào tròng mắt và bị đánh ngay trên cáng. Đến ngày 23-5-1962, không khai thác được gì, địch đưa Lê Hồng Tư cùng một số đồng chí của ta ra xét xử. Đúng nửa đêm, vào hồi 0 giờ 5 phút rạng sáng 24-5, tòa đối phương tuyên án: “Lê Hồng Tư-tử hình. Lê Văn Thành-tử hình. Lê Quang Vịnh-tử hình...”.

Sau khi bị tuyên án, tuần nào ông Tư và đồng đội cũng nhận được đơn xin ân xá đánh máy sẵn, chỉ việc ký. Không ký, chúng lại lôi mọi người ra đánh. Ngày 21-7-1962, địch vào phòng giam lôi nhóm tử tù lên xe. Ông Tư cùng anh em nghĩ cầm chắc cái chết. Nào ngờ, địch đưa cả nhóm ra Côn Đảo.

Hè năm 1962, lực lượng tù chính trị ở Côn Đảo đã phát triển cuộc đấu tranh lên cao trào mới, chống lại toàn bộ nội quy của nhà tù. Ông Tư nhớ rõ một số kinh nghiệm của các anh bị giam trong chuồng cọp đã đúc kết, đó là: Đặt lên hàng đầu nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ khí tiết. Đoàn kết chiến đấu. Biết tranh thủ, thuyết phục kẻ địch. Tránh bộc lộ lực lượng, hạn chế tổn thất... Đêm đêm, ông Tư nhẩm kỹ kinh nghiệm với 8 chữ vàng: “Quyết tâm-quyết tử-tự lực-trường kỳ”.

Ông Lê Hồng Tư viếng mộ đồng đội Phạm Ngô ở Nghĩa trang Hàng Dương, năm 2023. Ảnh: NGUYỄN Á

Ở Côn Đảo, địch đưa toàn bộ số tù chính trị chống chào cờ vào chuồng cọp I. Chuồng dài 2,2m; rộng 1,4m, ban đầu địch giam 4 tù nhân/chuồng, sau tăng lên 8-9 người/chuồng, giờ ăn cơm chỉ còn 2-3 phút. Địch bắt tù nhân phải nằm, ai không nằm là đánh, dùng sào nhọn chọc vào người. Đêm đến, tên giám thị Lê Văn Khương chỉ huy bọn tay chân đàn áp dã man tù chống chào cờ bằng phân, nước tiểu, dùi cui, củi đòn, củi chẻ, mây cà dông, vôi bột. Một bận, hắn vào buồng lao cấm cố, nơi giam ông Tư cùng ông Hai, cười đểu: “Thế nào chúng mày, mùa gió chướng rồi đấy. Nếu chúng mày vượt qua được bức tường này, tao gọi chúng mày bằng bố”. “Nói lời phải giữ lấy lời nhé, ông Khương”, ông Hai cười nhạt.

Lịch sử nhà lao Côn Đảo có nhiều cuộc tù nhân vượt ngục trở về đất liền thành công, tuy nhiên, lao cấm cố thì chưa có cuộc vượt ngục nào. Ông Hai tên thật là Lê Văn Việt (bí danh Nguyễn Văn Hai), là trung đội trưởng biệt động nổi tiếng từng tham gia đánh nhiều trận trong nội đô Sài Gòn khiến địch kinh hồn bạt vía, trong đó có lần tấn công vào tòa Đại sứ Mỹ năm 1965.

Tên Khương vừa đi khỏi, những cơn gió chướng đầu mùa 1966 ùa về. Vào một đêm, ông Tư cùng ông Hai, ông Phạm Văn Dẫu (biệt động Sài Gòn, người đã chuyển lời hứa hôn của Nguyễn Thị Châu đến Lê Hồng Tư) quyết định vượt ngục.

Mong ước của người anh hùng biệt động

... Lê Hồng Tư lấy khăn lau máu đang rỉ ra từ khóe miệng Nguyễn Văn Hai. Đêm qua, sau gần một tháng tra tấn, địch quẳng ông Hai về xà lim lao 2. Ông Tư không còn nhận ra người đồng đội đã cùng mình vượt ngục bất thành do bị lộ giữa chừng.

Hồi tưởng lại chuyện cũ cùng chúng tôi, ông Tư bật khóc. Thấy chồng khóc, vợ ông-bà Nguyễn Thị Châu ngồi trong buồng hốt hoảng: “Anh Tư, anh Tư...”. “Lúc anh Hai hấp hối, anh ra hiệu cho tôi cúi sát đầu xuống miệng anh, thì thào: “Còn sống, tôi sẽ vượt ngục được. Rào mái không hề chi, tôi sẽ cắt. Xuồng cột ở cầu tàu, có khóa nhưng dễ mở, nhất là với người có tài mở khóa như anh. Anh ở lại, ráng tổ chức cho anh em vượt biển vào mùa gió chướng”, kể đến đây, ông Tư lại lấy tay quệt má.

Ông Hai tranh thủ những giây cuối đời mình, như con chim hót vang lần cuối: “Khi tôi được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, mấy chú ở Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam dặn tôi diệt địch thật nhiều để nước nhà sớm thống nhất, đón Bác Hồ thăm miền Nam. Đời tôi chỉ ước một lần được gặp...”. Nói đến đây, ông Hai từ từ nhắm mắt. Trái tim người chiến sĩ biệt động kiêu hùng ngừng đập vào đêm 30-11-1966.

Nhận được tin ông Hai mất, tên Vệ (chúa đảo Nguyễn Văn Vệ), tên Khương vội phi đến. Nhìn lên mái phòng giam, chỗ bữa ông Hai trổ nóc thoát đi cùng đồng đội Tư, Dẫu, tên chúa đảo nói như khấn: “Thoát đi được thế này, ngoài ông Hai ra, không ai làm nổi”. Khác với thường lệ, tù chết chỉ được bó trong bao bố vùi ở nghĩa trang, lần này, Nguyễn Văn Vệ ra lệnh cho tay chân kiếm gỗ tốt đóng quan tài, đốc lính đào huyệt. Huyệt đắp xong, tên Vệ, tên Khương nán lại hồi lâu.

Cuộc vượt ngục của tử tù lao cấm cố khiến Vệ và Khương mất mặt với thượng cấp; chúng tra tấn ông Tư, ông Dẫu cả ngày lẫn đêm. Chúng lột trần ông Tư rồi ném vào hầm đá, mong được chứng kiến thời khắc người tử tù chết bởi cái lạnh thấu tim, nhưng ông Tư đã vượt qua được cái lạnh giá nơi “địa ngục” của “địa ngục trần gian” bằng ý chí của người cộng sản. Sáng hôm ấy, ông Tư đã thấy những chồi xanh của cây bàng ngoài khám báo hiệu xuân sắp về. Ông hờn tỵ với bầy chim sẻ đang nhảy hót, chao liệng trên bầu trời; ước mình cùng đồng đội được về với đồng bào, với đơn vị để tiếp tục chiến đấu. Ngày qua ngày, ông Tư có thể cảm nhận được những chồi xanh đang nhú. Cây bàng như người bạn tâm giao, lắng nghe từ xa những lời tự sự của người tử tù theo cách rất riêng của thiên nhiên. Không biết có phải vì thế mà ở vùng đất linh thiêng Côn Đảo này, có nhiều cây bàng được công nhận là cây di sản.

Giữ trọn thanh danh

Ông Lê Hồng Tư nhớ lại chuyện kinh hoàng đêm 29-4-1973, khi tên Lê Văn Khương hung hãn xuống khu tử hình cùng với tiểu đoàn cảnh sát dã chiến tràn ngập sân của trại I. Ở Côn Đảo chỉ có lính bảo an, rõ ràng bọn cảnh sát dã chiến vừa được tăng cường.

Khương gằn giọng trước cửa phòng 1: “Theo lệnh trên rà soát lại tử tù, tù nhân để trao trả. Tất cả chúng mày ra hết”. Ông Tư và gần 30 anh em trong phòng 1 còn lạ gì thủ đoạn thủ tiêu của địch nên đã có sự chuẩn bị từ trước, tìm mọi cách chặn cửa. Tên Khương ra lệnh bắn lựu đạn hơi cay vào phòng... Ông Tư tỉnh lại khi bị thúc báng súng vào bụng đến gãy xương sườn. Báng súng, đế giày, dùi cui của bọn cảnh sát dã chiến cứ thế nện vào gần 30 người tù. Khương chửi thề: “Đù má chúng mày, thích chết tao cho chết cả lũ”. Nói xong, Khương giật dùi cui từ một cảnh sát dã chiến, lao tới nện tới tấp vào đầu các tử tù đang siết chặt đội hình như 10 ngón tay lồng vào nhau. Máu từ miệng đồng đội và ông Tư cứ thế trào ra sau mỗi cú gầm giày đạp vào bụng. Thấy máu người, bọn cảnh sát dã chiến như lũ thú hoang điên cuồng lao vào. Khi tên Khương nhao đến đánh, ông Tư thấy hắn như ác quỷ, mắt trợn tròn trắng dã, lưỡi thè lè, mặt thì đẫm máu bắn ra từ những người tù cộng sản.

Vừa tới chuồng cọp mới (trại VII), ông Tư cùng đồng đội bị thêm trận đòn từ bọn cai ngục. Củi đòn, củi chẻ, mây cà dông cứ thế phang xuống. Củi đòn, củi chẻ đánh mãi không mòn bởi được “bện” lớp lớp máu tù nhân, chỉ có sọ vỡ, thịt nát, xương tan mà thôi. Ông Tư bất tỉnh khi bị củi đòn phang trúng đầu. Tên Khương cho tay chân quẳng tù nhân vào chuồng cọp mới như những thân chuối già. Cơn đau toàn thân khiến ông Tư tỉnh lại, lúc này đã rạng sáng 30-4. Ông Tư cùng bạn tù đau lòng khi có hai đồng đội bị địch đánh đến chết trong đợt này là Phạm Ngô và Tấn Lợi. Trước khi chết, Phạm Ngô trăng trối với ông Tư: “Đến ngày cách mạng toàn thắng, nếu còn sống, anh hãy báo cáo trước Đảng là tôi đã giữ trọn khí tiết của người đảng viên cho đến giờ phút cuối cùng. Nếu được, xin anh hãy về Điện Bàn-Quảng Nam quê tôi, an ủi vợ tôi cùng các cháu”.

Trại VII, còn gọi là trại Phú Bình hay chuồng cọp mới, chuồng cọp kiểu Mỹ, được xây dựng xong vào năm 1971. Trại Phú Bình bao gồm 384 phòng biệt giam chia ra làm 4 khu AB-CD-EF-GH, mỗi khu có hai dãy, mỗi dãy có 48 phòng. Đây là nhà giam đặc biệt kiểu bê tông không có bệ nằm, tù nhân phải nằm dưới nền xi măng ẩm thấp. Khu GH cũng là nơi tù chính trị nổi dậy đầu tiên vào đêm 30-4, rạng sáng 1-5-1975, tiến tới giải phóng Côn Đảo thoát khỏi cảnh “địa ngục trần gian”.

(còn nữa)

Ký sự của ĐÌNH HÙNG - TRUNG KIÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/tram-nam-ngoi-sang-khi-tiet-nguoi-cong-san-ky-2-san-sang-chet-de-giu-tron-khi-tiet-764021