Trăm năm còn lại...

Năm 2008, trong một bài viết in trên Chuyên đề Văn nghệ Công an, Đại tá, nhạc sĩ Trọng Loan, khi ấy đã ở tuổi 85 chia sẻ với phóng viên, ông vừa hoàn thành cuốn hồi ký ghi lại những kỷ niệm, dấu ấn đáng nhớ trong cuộc đời hoạt động âm nhạc của mình. Và sau 15 năm, cuốn sách 'Hồi ức sáng tác và các tác phẩm âm nhạc của Đại tá, Nhạc sĩ Trọng Loan' đã được ra mắt, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1923 - 2023)...

Cuốn sách do NXB Quân đội nhân dân ấn hành, dày hơn 700 trang, chứa đựng những câu chuyện nghề, tâm tình dung dị của nhạc sĩ Trọng Loan về những tác phẩm tâm huyết từ khi là một chàng Vệ quốc quân trẻ trung ngày đầu khởi nghĩa đến một nhạc sĩ tài danh của Quân đội. Với 5 phần: "Những mảnh hồi ức", "Nghĩ về nhạc", "Nhạc phẩm", "Giữa bạn bè và công chúng", "Vĩ thanh", tác phẩm đã mang đến cho bạn đọc một chân dung khá tròn vẹn, đầy đủ về nhạc sĩ tài hoa, giản dị mà rất đỗi khiêm nhường này.

Cuốn sách tập hợp gia tài âm nhạc đồ sộ với 251 ca khúc được nhạc sĩ sáng tác dọc dài ba thời kỳ lịch sử của đất nước: chống Pháp, chống Mỹ và hòa bình xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra là những công trình nghiên cứu, những suy nghĩ trăn trở tìm tòi và ghi chép của nhạc sĩ Trọng Loan về các sự kiện, các hoạt động âm nhạc của đất nước, của quân đội. Cuốn sách cũng chọn lọc một số bài viết, là những góc nhìn đa chiều của các nhà báo, những người bạn nghề và công chúng yêu mến dành cho ông.

PGS.TS nhạc sĩ Trọng Lưu (giữa) xem bản thảo viết tay của nhạc sĩ Trọng Loan tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

PGS. TS nhạc sĩ Trọng Lưu, con trai của nhạc sĩ Trọng Loan thay mặt gia đình và những người biên soạn chia sẻ: "Cuộc đời hoạt động âm nhạc của cha tôi - một nhạc sĩ Quân đội là đi và viết. Vì thế, bên cạnh sáng tác, cha tôi thường xuyên ghi lại những câu chuyện, cảm xúc phía sau mỗi bài hát, mỗi chuyến công tác...trong cuộc đời mình. Nhất là những năm cuối đời, ông dành nhiều thời gian cho việc viết hồi ký. Ông thường ghi vào những quyển sổ nhỏ, lưu giữ khá cẩn thận. Hiểu được tâm huyết của cha nên khi còn sống, mẹ tôi mong muốn tập hợp và in thành sách. Tuy nhiên, vì sức khỏe không cho phép nên trước khi mất bà trao lại cho tôi giữ làm kỷ niệm.

Canh cánh với tâm nguyện của mẹ nhưng thời gian đó, công việc của tôi quá bận (PGS.TS, Đại tá, bác sĩ Trọng Lưu khi ấy đang là Chủ nhiệm Khoa Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) nên tôi đành tạm cất đi, trong lòng vẫn ấp ủ ý định thực hiện cuốn sách khi có điều kiện. Thực ra, đã có lần Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên ngồi trò chuyện cùng tôi, lên kế hoạch xuất bản cuốn sách này. Nhưng tiếc là sau đó không lâu, nhạc sĩ An Thuyên đột ngột ra đi. Vì thế, ngay sau khi nghỉ hưu, tôi dành toàn bộ thời gian, tập trung thực hiện nguyện ước cuối đời của cha mẹ mình".

Nhạc sĩ Trọng Lưu kể rằng, khi bắt tay vào việc thấy muôn vàn khó khăn. Tư liệu về nhạc sĩ Trọng Loan có ở nhiều nơi. Một phần lớn được gia đình gửi tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III sau khi nhạc sĩ qua đời (năm 2010), một phần giữ tại gia đình và ở một số cơ quan, đơn vị khác… May mắn là sau khi liên hệ, các cá nhân, đơn vị đều rất nhiệt tình trong việc cung cấp tư liệu cho gia đình. Đặc biệt, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tạo điều kiện cho anh được tiếp cận với nguồn tư liệu gốc.

Để chọn lọc được 251 tác phẩm bao trùm gần như toàn bộ cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Trọng Loan cũng là câu chuyện đáng kể. Theo PGS.TS Trọng Lưu, ban đầu, với một số bản nhạc lưu giữ ở nhà và 60 bài trong tuyển tập "Bài ca người lính" (Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội xuất bản trước đó), gia đình định chọn 100 tác phẩm tương ứng với 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Trọng Loan. Tuy nhiên, sau đó gia đình quyết định tập hợp in toàn bộ sáng tác của ông với đầy đủ giai đoạn và phong cách khác nhau. "Quá trình tuyển chọn này mất khá nhiều thời gian vì có tác phẩm có tới 3- 4 phiên bản. Tôi phải tìm hiểu đối chiếu kỹ càng rồi chốt lại bản cuối cùng" - nhạc sĩ Trọng Lưu tâm sự.

Cuốn sách không chỉ khiến người đọc cảm phúc trước một nhạc sĩ "đi nhiều, viết khỏe" mà còn được hòa mình vào những cảm xúc chân thành, dạt dào của tác giả phía sau một số ca khúc nổi tiếng như "Phải đánh lũ giặc Mỹ", "Gửi Cồn Cỏ anh hùng", "Người Yên Châu em bắn máy bay", "Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng", "Lời ca dâng Bác", "Trăng sáng trên rừng quế"...

Hãy nghe nhạc sĩ Trọng Loan kể về hoàn cảnh ra đời của những bài ca sáng tác trong chiến dịch vượt Thập Vạn Đại Sơn: "Thời tiết rất khắc nghiệt. Nắng như đổ lửa, mưa như trút nước, vuốt mặt không kịp, quần áo cứ ướt rồi lại khô, khô rồi lại ướt… Sáu ngày tiếp tục hành quân nữa thì lên tới đỉnh đèo thứ 2 của Thập Vạn Đại Sơn… Nhìn phía trước, trùng điệp núi cao. Núi xếp trên mây, mây bao phủ núi. Nhìn về phương Nam quê hương ta đó… Mọi người bồi hồi, nôn nao nhìn về Tổ quốc, nơi còn đang bị quân thù thực dân Pháp giày xéo… Đoàn quân tạm nghỉ trên đèo. Tôi lấy đàn ghi ta ra cùng anh em hát. Bài ca viễn chinh vang lên trên đèo Thập Vạn Đại Sơn".

Hay vì sao ông sáng tác ca khúc "Thao trường tình rằng vui sao": "Đối với tôi, sáng tác bài hát về bộ đội, về anh lính Cụ Hồ là một niềm vui, một sự ham thích. Hát về bộ đội, là hát lại về mình. Tôi viết bài ca trong tâm trạng hân hoan như vậy". Là trăn trở về sứ mệnh của mình khi chiến tranh biên giới nổ ra khi sáng tác ca khúc “Chúng con lên đường hình Tổ quốc trong tim”: "Là nhạc sĩ quân đội, tôi cần phải đóng góp kịp thời ý chí chiến đấu của mình vào khí thế chung…".

Cuốn sách mới của Đại tá, Nhạc sĩ Trọng Loan.

Chúng ta thêm hiểu, mỗi tác phẩm là "đứa con tinh thần" được ông chăm chút kỹ càng qua nỗi niềm trăn trở khi thấy chưa ưng một từ trong bài hát "Má cưng ai nhất": "Đang đi trên đường cũng nghĩ, đang ăn cũng tìm từ, đang nói chuyện cũng tìm từ… Một đêm bừng tỉnh giấc, chợt lóe lên trong đầu một ý nghĩ: Không tìm từ thay thế nữa! Tìm cách thay đổi âm trong câu nhạc thử xem sao!".

Không chỉ chỉn chu trong từng sáng tác, nhạc sĩ Trọng Loan còn luôn đau đáu, trách nhiệm với những vấn đề của âm nhạc. Trong mỗi bài viết, nói chuyện hay phát biểu của mình, ông đều gửi gắm trong đó ý nguyện, mong muốn của mình với âm nhạc như: “Vài suy nghĩ về nghe nhạc”, “Về cái cần được tiếp thu và phát huy trong sáng tác bài hát”... Như ông thẳng thắn đề xuất trong bài viết "Một số ý kiến về Đại hội nhạc sĩ" (Tiến tới Đại hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ IV, năm 1988): "Đề cao một chức năng của Hội là luôn bám sát, theo dõi phong trào chung để tìm ra những nhạc sĩ có tài năng thực sự, có nhân cách tốt, đã và đang lao động sáng tạo có hiệu quả tốt cho phong trào chung để nhanh chóng ghi danh họ vào danh sách hội viên của Hội chứ không phải chỉ có đơn của họ xin gia nhập Hội rồi mới kết nạp"… Ngoài tình chung còn có niềm riêng, là hồi ức về những năm tháng tuổi thơ qua những ghi chép "Một cuộc hòa nhạc bất đắc dĩ", "Vinh, niềm thương mến", hay những suy nghĩ ấm áp về bạn bè, đồng nghiệp …

Nhạc sĩ Trọng Lưu xúc động: "Cuốn sách này cũng là tâm huyết cuối đời của cha tôi với mong muốn để lại cho đời những câu chuyện hay, những nốt nhạc đẹp, những lời ca bay bổng về quê hương, đất nước, kể về cuộc đời người lính Bộ đội Cụ Hồ giản dị mà kiêu hãnh, thanh cao... Vì thế, tôi hồi hộp, thấp thỏm tới khi nhìn thấy sách. Đặt cuốn sách lên thắp hương báo công cho cha mà nước mắt tôi trào ra. Quá trình biên soạn cuốn sách giúp tôi hiểu thêm về cha mình, đặc biệt cảm kích trước tình cảm yêu mến của mọi người dành cho ông".

Tại buổi tiếp nhận cuốn sách do đại diện gia đình nhạc sĩ Trọng Loan trao tặng Hội âm nhạc Hà Nội, Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội trân trọng cảm ơn món quà ý nghĩa này. Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh cho rằng, cùng với một số tác phẩm khác, cuốn sách "Hồi ức sáng tác và các tác phẩm âm nhạc của Đại tá, Nhạc sĩ Trọng Loan" là một nguồn tư liệu quý báu, đóng góp vào kho tàng lịch sử âm nhạc của Việt Nam và Hội âm nhạc Hà Nội nói riêng.

Mới đây, nhạc sĩ Trọng Lưu còn vui mừng cho biết, chương trình nghệ thuật kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Trọng Loan do Hội Nhạc sĩ Việt Nam kết hợp với Truyền hình Quân đội nhân dân đang được lên kế hoạch thực hiện để tưởng nhớ và tri ân những cống hiến và đóng góp của nhạc sĩ đối với nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/tram-nam-con-lai--i708107/