Trầm mặc Chùa Mật Đa

Cách cầu Hàm Rồng khoảng 500m về phía hữu ngạn sông Mã, chùa Mật Đa (hàm nghĩa là rừng cây thơm ngọt của đất Phật) trầm mặc lưu dấu thời gian.

Chùa Mật Đa (còn gọi là chùa Nam Ngạn), xưa thuộc xã Nam Ngạn, tổng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên, nay là phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa.

Chùa được khởi dựng dưới thời Trần, xưa tọa lạc ở ngoài đê sông Mã, thuộc ấp Hòa Bình, đến năm Bảo Thái thứ 4 đời vua Lê Dụ Tông (1723) được di dời vào vị trí hiện nay.

Trong chùa còn tấm bia Mật Đa Thiền tự bi ký dựng năm Bảo Thái thứ 4 (1723).

Bia trùng tu chùa Nam Ngạn dựng năm Bảo Đại thứ 3 (1927) cùng nhiều đồ thờ, hiện vật có giá trị.

Chùa xây dựng kết cấu khung gỗ lim, trang trí chạm trổ văn hoa sắc sảo, mái cong lợp ngói âm dương, bên trong chánh điện là bức đại tự sơn son thếp vàng chạm 3 chữ “Mật Đa tự”, vào gian giữa là bức đại tự với dòng chữ “Pháp giới Mông huân”, Hậu cung là nơi thờ tượng Phật, chùa còn có rất nhiều tượng pháp, tượng Tổ, tượng Mẫu, hai bên trang trí hai pho tượng khuyến thiện và trừ ác cao hơn 3m, ở gian bên tả chùa còn lưu giữ một pho thổ tượng.

Chùa có kiến trúc theo hình chữ đinh.

Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chùa là Sở chỉ huy, nơi tập kết lương thực, đạn dược, thuốc men và cấp cứu quân dân bị thương, nuôi dưỡng bộ đội, nơi nghỉ lại của các đồng chí lãnh đạo, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo trong và ngoài nước.

Ngày nay chùa là điểm đến của nhiều tăng ni, phật tử.

Chùa Mật Đa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm1989.

Linh Hương - Sơn Đình

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/tram-mac-chua-mat-da/20695.htm