Trầm cảm khi mang thai nguy hiểm như thế nào với bà bầu?

Cách đây 2 hôm, một phụ nữ trẻ đang mang thai ở Quảng Nam đã tự tử vì chứng trầm cảm. Bệnh trầm cảm khi mang thai nguy hiểm như thế nào với bà bầu, chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

Bệnh trầm cảm khi mang thai rất nguy hiểm, bà bầu cần nhận được sự quan tâm, chăm sóc đầy đủ của người thân để vượt qua thời kỳ khó khăn này

Nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh trầm cảm khi mang thai

Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến chứng trầm cảm ở các bà bầu. Đó có thể là sự thay đổi hoóc-môn, do di truyền, áp lực cuộc sống, mang bầu khi tuổi đời còn trẻ, mang thai ngoài ý muốn hay các vấn đề về tuyến giáp.

Do thay đổi hoóc-môn: Hoóc-môn ảnh hưởng trực tiếp đến các chất hóa học kiểm soát cảm xúc và tâm trạng. Những biến động của hoóc-môn cũng làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ có thai và dẫn đến việc bị trầm cảm

Do di truyền: Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, chứng trầm cảm cũng có thể bị di truyền qua các thế hệ trong gia đình. Nếu trong gia đình có người có tiền sử bị trầm cảm hay rối loạn cảm xúc thì các mẹ bầu cũng có thể trở nên nhạy cảm hơn và dễ bị trầm cảm hơn trong giai đoạn mang thai của mình.

Do mang thai khi tuổi đời còn trẻ hoặc mang thai ngoài ý muốn: Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu phụ nữ trẻ mang thai có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn phụ nữ ở các độ tuổi lớn hơn. Mang thai khi tuổi đời còn quá trẻ chưa va vấp cuộc sống, thiếu kinh nghiệm, sự từng trải, kỹ năng để xử lý các tình huống phức tạp xảy ra trong cuộc sống hoặc chưa sẵn sàng cho việc làm mẹ cũng có thể dẫn đến trầm cảm khi mang thai.

Do rối loạn tuyến giáp: Đây vẫn là vấn đề liên quan đến hoóc-môn. Tuyến giáp chính là nơi sản sinh ra hoóc-môn ảnh hưởng đến sự thay đổi nội tiết tố lớn của phụ nữ có bầu. Khi tuyến giáp bị rối loạn, họ cũng bị trầm cảm.

Do cảm thấy cô đơn hoặc chịu nhiều áp lực trong cuộc sống: Đối với nhiều mẹ bầu, thì việc chồng phải đi xa dài ngày trong giai đoạn có thai và đang sống và làm việc trong một nơi xa lạ, môi trường không thân thiện hay bạn cảm thấy cô đơn khi không có ai để chia sẻ... đều có thể dẫn tới trầm cảm.

Những triệu chứng của bệnh trầm cảm khi mang thai

Các thai phụ cũng nên lưu ý nếu có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây xảy ra mỗi ngày trong cùng một khoảng thời gian là 2 tuần thì tốt nhất các mẹ bầu hãy nên đi gặp bác sĩ để có thể tìm ra được những phương pháp điều trị cho phù hợp.Bệnh trầm cảm trong khi mang thai không dễ phát hiện, nhiều khi dễ nhầm lẫn với một số rối loạn khác khi có thai. Những triệu chứng của bệnh trầm cảm khi mang thai thường gặp:

Thường xuyên cảm thấy bồn chồn, dễ cáu kỉnh

Tâm trạng buồn chán, tuyệt vọng, xuống sức

Khóc vô cớ, không rõ nguyên nhân.

Dường như không có năng lượng, ngại vận động.

Lúc nào cũng thèm ăn hoặc không muốn ăn gì.

Thờ ơ với mọi người xung quanh

Không cảm thấy thích thú, hào hứng với mọi thứ.

Khó tập trung, hay quên

Cô lập với bạn bè và người thân, tự ti

Khó ngủ hoặc ngủ li bì

Suy nghĩ thiếu tập trung hoặc khó đưa ra quyết định

Có ý nghĩ về cái chết hoặc tự sát

Đau đầu, đau bụng

Có những dấu hiệu sử dụng các chất độc hại như thuốc lá, rượu và ma túy

Ảnh hưởng của trầm cảm khi mang thai

Bệnh trầm cảm khi mang thai ngoài việc mang đến những hậu quả không tốt cho bà bầu còn ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi như sẩy thai, đẻ non, đẻ con nhẹ cân, thai kém phát triển, bị một số dị tật vùng mặt như hở hàm ếch... Sau sinh trẻ có thể chậm phát triển ngôn ngữ, rối loạn hành vi, cảm xúc, bị tự kỉ.

Đối với các thai phụ bị trầm cảm nếu không được chăm sóc đúng mức có thể có những hành vi tiêu cực như uống rượu, hút thuốc lá, nghiện ma túy, bỏ phá thai thậm chí tự vẫn.

Biện pháp để tránh chứng bệnh trầm cảm khi mang thai

Đây là cách giúp bạn giảm tải các suy nghĩ. Bạn hãy luôn ưu tiên bản thân trong danh sách những thứ cần làm. Thay vì lau nhà, dọn cửa, hãy đọc sách, ăn sáng trên giường và đi dạo trong công viên. Hãy chăm sóc bản thân nhiều hơn.

Nói ra tất cả mọi chuyện vướng bận trong lòng. Hãy tâm sự những điều làm bạn sợ hãi và lo lắng với bạn thân hoặc người bạn tin tưởng. Trò chuyện với chồng một cách cởi mở và  nghiêm túc về những gì bạn đang trải qua và yêu cầu sự giúp đỡ, chia sẻ từ chồng.

Tìm người đồng cảm với bạn. Bạn có những cảm xúc tiêu cực dù nói ra hay không đều có ảnh hưởng đối với đứa trẻ trong bụng. Vậy nên điều quan trọng là tìm được người thân hay bạn bè đồng cảm, giúp mình thoát ra khỏi những suy nghĩ không vui.

Hãy thư giãn. Nếu bạn đang có những triệu chứng của bệnh trầm cảm. Để lấy lại bình tĩnh, hãy nghe một bản nhạc vui tươi. Nghe nhạc không chỉ giúp cải thiện tâm trạng của bạn mà còn tốt cho em bé trong bụng nữa. Nghỉ ngơi và ngủ đủ cũng giúp tâm trạng tốt lên, tránh uể oải, u sầu.

Thiết lập thói quen ăn uống lành mạnh và tập luyện nhẹ nhàng. Bạn hãy tự rèn luyện cho mình một lối sống khoa học và chia nhiều bữa nhỏ, ăn thường xuyên để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và con, đồng thời cũng giúp thai phụ cảm thấy mình khỏe khoắn, đầy sức sống. Ngoài ra, việc tập luyện nhẹ nhàng, vừa phải hoặc tập các động tác yoga cho bà bầu vừa giúp giữ dáng vừa giúp tinh thần phát triển theo hướng tích cực.

Nếu đã mắc trầm cảm khi mang thai phải điều trị, cần có sự kết hợp của thầy thuốc chuyên ngành sản khoa và tâm thần, mẹ bầu sẽ được tư vấn về các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và con, cũng như các biện pháp điều trị phù hợp.

Nguyễn Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/tram-cam-khi-mang-thai-nguy-hiem-nhu-the-nao-voi-ba-bau-30823-9.html