Trại sáng tác VHNT Đà Nẵng 2016 tại TP Đà Lạt: Triển vọng về đội ngũ trẻ kế thừa

Một buổi sinh hoạt giao lưu giữa văn nghệ sĩ Đà Nẵng và Đà Lạttại Biệt thự Hằng Nga "Crazy House" của KTS Đặng Việt Nga.

(Cadn.com.vn) - Từ ngày 2 đến 15-4, tại Nhà sáng tác TP Đà Lạt, Liên hiệp các Hội VHNT TP Đà Nẵng tổ chức Trại sáng tác VHNT năm 2016. Tham dự trại lần này, có 15 trại viên thuộc các bộ môn văn học, âm nhạc, nghiên cứu dân gian... Đây cũng là lần thứ 3 kể từ 10 năm gần đây, Liên hiệp các Hội VHNT TP Đà Nẵng tổ chức Trại sáng tác VHNT tại thành phố ngàn hoa.

Đặc biệt, tham gia Trại sáng tác lần này, đội ngũ sáng tác âm nhạc TP Đà Nẵng lần đầu tiên có sự góp mặt của 4 gương mặt trẻ: nhạc sĩ Nam An với các ca khúc: Mộng mơ cùng Đà Lạt, Man mác thu (nhạc: Nam An, thơ: Diễm Phúc); Trần Lành với Đà Lạt không em (Trần Lành- Như Hoài); Trương Quang Đức với Đà Lạt đêm nay; Cao Tâm với Đà Lạt tình em. Với những cấu tứ mới lạ, giai điệu tươi trẻ, khả năng sử dụng nhạc cụ khá thuần thục, hầu hết các nhạc sĩ đều tự giới thiệu tác phẩm của mình khá thuyết phục, nhanh chóng chiếm cảm tình người thưởng ngoạn. Qua trại sáng tác, nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Thân (Hội văn nghệ dân gian TP Đà Nẵng) với công trình Nghiên cứu Đà Nẵng xưa qua tư liệu thơ chữ Hán là công trình mới nhất góp phần quan trọng trong việc sưu tập, xây dựng kho dữ liệu thơ chữ Hán về Đà Nẵng. Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm tham gia Trại lần này không phải với thơ mà lại là một tác phẩm nghiên cứu văn hóa "Đặc điểm ngôn ngữ văn hóa của từ ngữ địa phương trong tục ngữ, ca dao Quảng Nam".

Thông qua đặc điểm ngôn ngữ văn hóa của từ ngữ địa phương trong tục ngữ, ca dao, tác giả đi sâu nghiên cứu quá trình tiếp biến của tục ngữ, ca dao Quảng Nam từ nguồn ca dao đã được đúc kết qua hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc thông qua những người "lưu dân" đi "khai hoang lập ấp" tại vùng đất mới Quảng Nam từ năm 1307 đến nay. Bên cạnh đó, về mặt thực tiễn, tác giả xác định danh mục các từ ngữ địa phương Quảng Nam làm tài liệu nghiên cứu, tham khảo, đối chiếu với tiếng địa phương các vùng khác và với tiếng toàn dân. Đồng thời, qua xác định bản sắc văn hóa Quảng Nam góp phần giáo dục tính nhân văn và lòng tự hào về truyền thống văn hóa của người Quảng, đất Quảng.

Nhà văn trẻ Đình Hiệp qua tác phẩm "Con trai bà thợ may" gồm 12 truyện ngắn mới nhất của anh. Mặc dù, cũng với những đề tài gần gũi, quen thuộc như: Qua đò, Chuông chùa nổi gió, Nghẹn nước mắt quê, Con đò nước, kẻ bại trận, Người tình lạ..., nhưng tác giả Đình Hiệp đã thể hiện khá thành công một phong cách viết trẻ trung, một góc nhìn mới lạ về tình yêu, cuộc sống. Trong đó, đáng chú ý, Truyện ngắn "Lá thư người lính biển" có thể được xem là một trong những truyện ngắn khá xúc động, gợi cho người đọc nhiều nghĩ suy với những cảm xúc thờ ơ, lãng quên về biển... cho đến khi nhận ra "con sóng không còn vỗ vào bờ nữa". "Chiếc sừng tê giác" là tên gọi truyện dài của nhà văn Trần Trung Sáng hoàn thành tại Trại viết lần này.

Nội dung tác phẩm là câu chuyện kể về món quà "chiếc sừng tê giác" của một gia đình ăn xin tại một làng quê Quảng Nam tặng cho đứa con gái nuôi (sau khi trả đứa con lại cho gia đình cha mẹ ruột vốn giàu có), với mục đích làm kỷ vật gia bảo để cứu những người bệnh tật hiểm nghèo. Thế nhưng, từ đó, vật gia bảo ấy đã tình cờ đẩy đưa người con gái ngây thơ lớn lên cùng với số phận thăng trầm của những diễn biến thời cuộc, bên cạnh biết bao cạm bẫy, lòng tham và tội ác... Truyện cũng là lời cảnh báo trước thảm họa những động vật quý hiếm đang bị đe dọa diệt chủng.

Về mảng thơ, cũng như phần lớn các Trại sáng tác khác, Trại viết lần này hoàn thành một số lượng tác phẩm khá phong phú với 7 tác phẩm của 7 tác giả thơ. Đó là: Bài ca bên dãy núi răng cưa (tập thơ Đinh thị Như Thúy), Thơ 4 câu (tập thơ Mai Hữu Phước), Cao nguyên tình yêu (Tập thơ Nguyễn Nho Thùy Dương), Tiếng gọi thẳm sâu (Trường ca Nguyễn Đức Chữ), Một ngày là 100 năm (Tập thơ Lê Anh Dũng), Câu thơ phía chân trời (Tập thơ Vạn Lộc), Giữa rừng nghe chim hót (tập thơ H'Man).

Phần lớn những tác phẩm của các nhà thơ đều được viết nên từ những cảm xúc trong thời gian tham gia thực tế tại thành phố Đà Lạt sương mù thơ mộng, nên chủ đề thường hướng về tình yêu đôi lứa với thiên nhiên, lá hoa, cây cỏ... "Mimoza cứ hững hờ/Thương như mắc nợ bao giờ dám quên/ Dã quỳ ai đã đặt tên/ Nhuộm trời Đà Lạt trăng đêm cũng vàng/ Một mình em cõi mênh mang/ Mai về phố biển ngổn ngang sóng đời" (Em từ biển mặn/ thơ Nguyễn Nho Thùy Dương). Hoặc: "Em đã đến giữa ngàn thông chợt gió/ Nắng rực vàng cỏ biếc hát vu vơ/ Giấc mơ nào cũng thêm hương sắc/ Ước chi ta, thêm lần nữa dại khờ..."(Ước/ thơ Mai Hữu Phước). Và: "Lên rừng thông xuống đồi thông/ Nắng treo trong lá chiều hồng qua cây/ Ở đây trời thấp thật đầy/ Lòng xưa bỗng gặp một ngày trong veo"... (Giữa thông ngàn/ thơ Vạn Lộc)...

Qua sự góp mặt của các văn nghệ sĩ trẻ tại Trại sáng tác, một lần nữa có thể khẳng định, hoạt động VHNT của thành phố Đà Nẵng đang hình thành một đội ngũ mới có đủ kiến thức, tài năng, lòng đam mê để đồng hành và kế thừa lớp người đi trước.

Trần Trung Sáng

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_147092_tra-i-sa-ng-ta-c-vhnt-da-na-ng-2016-ta-i-tp-da-la-.aspx