Trái ngọt từ Nghị quyết 'tam nông'

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 19) có ý nghĩa định hướng lớn về chương trình 'tam nông'. Cụ thể hóa nghị quyết, các địa phương thực hiện nhiều giải pháp, bước đầu mang lại những kết quả tích cực.

Diện mạo nông thôn thay đổi

Là thôn thông minh đầu tiên của huyện Yên Dũng, thôn Đông, xã Cảnh Thụy có đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp. Tại trung tâm văn hóa của thôn, không gian để người dân tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao được đầu tư bài bản, đầy đủ tiện nghi. Trong sản xuất nông nghiệp, người dân đã thay đổi tư duy, đầu tư công nghệ vào sản xuất, góp phần nâng giá trị sản phẩm.

Khu trung tâm văn hóa thôn Đông, xã Cảnh Thụy (Yên Dũng).

Ghé thăm khu vực sản xuất của Hợp tác xã (HTX) Chế biến sản phẩm nông nghiệp xã Cảnh Thụy tại thôn Đông, chúng tôi được tiếp cận với quy trình sản xuất mỳ gạo hiện đại, mọi khâu từ xay bột, tráng bánh đến hấp, sấy đều khép kín. Thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, HTX gắn tem truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như: Postmart, Lazada, Sendo… và bước đầu mang lại hiệu quả.

Ông Phan Văn Việt, Giám đốc HTX nói: “Từ khi đầu tư dây chuyền sản xuất khép kín, nhân công trực tiếp tham gia sản xuất giảm, sản lượng tăng gấp đôi so với trước. Hiện trung bình mỗi ngày, chúng tôi đưa ra thị trường hơn 2 tạ mỳ gạo thành phẩm, doanh thu đạt hơn 4 triệu đồng/ngày”.

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19 của Tỉnh ủy xác định một số mục tiêu đến năm 2030 như: Tốc độ tăng trưởng GRDP của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân đạt 2-3%/năm; toàn tỉnh có 350 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm 5 sao; 95% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó 60% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 30% đạt NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng 3 lần so với năm 2020...

Xác định “tam nông” là mục tiêu quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh, trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19, Tỉnh ủy đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp 2-3%/năm, 95% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng 3 lần so với năm 2020… Cụ thể hóa Chương trình hành động, tại các địa phương xây dựng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Đến nay, toàn tỉnh có 6/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, 43/182 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu và 286 thôn kiểu mẫu. Ghi nhận tại khu vực Tứ Sơn (gồm các xã: Vô Tranh, Bình Sơn, Lục Sơn và Trường Sơn) của huyện Lục Nam cho thấy, từ địa bàn đặc biệt khó khăn, các địa phương đã vươn mình mạnh mẽ, đồng loạt được công nhận đạt chuẩn NTM. Điểm nhấn đáng chú ý tại các địa phương này là tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đều đạt hơn 80%, thu nhập bình quân đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể…

Đặc biệt, khai thác lợi thế, nhiều mô hình sản xuất được hình thành, mang lại nguồn thu cao, ổn định như: Trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ở xã Lục Sơn; thanh long, đu đủ ở xã Bình Sơn; trà hoa vàng tại xã Trường Sơn… Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Lục Sơn nói: “Cán bộ, đảng viên và người dân trong xã vẫn không thể tin chỉ trong gần 1 năm, xã đã huy động hơn 70 tỷ đồng, trong đó có gần 10 tỷ đồng do nhân dân đóng góp để xây dựng NTM. Những tuyến đường mới mở, những công trình mới được đầu tư mang đến những cơ hội để Lục Sơn bứt phá trong tương lai”.

Nông dân xã Lục Sơn (Lục Nam) thu hoạch nhãn.

Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, nhiều chỉ tiêu đã đạt, tiệm cận mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra đến năm 2025. Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản duy trì ở mức cao, ước cả năm 2023 đạt 2,32% và là năm thứ tư liên tiếp có mức tăng trưởng dương; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 135 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người/năm...

Mặc dù vậy, qua đánh giá, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tăng trưởng có xu hướng chậm lại; chưa hình thành được nhiều vùng liên kết sản xuất giữa các xã, huyện có điều kiện tương đồng về giống, công nghệ, nhân lực; các mô hình liên kết chưa nhiều, chưa thực sự chặt chẽ, thiếu bền vững; việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn khó khăn...

Theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tỉnh đã và đang cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Theo đó, đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến, kết nối bền vững các chuỗi giá trị trong, ngoài tỉnh và toàn cầu. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò, vị thế của người tham gia sản xuất, tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn.

Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị. “Xuất phát từ quan điểm này, ngành sẽ tiếp tục tham mưu thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành, lĩnh vực nông nghiệp, trong đó chú trọng xây dựng các vùng chuyên canh; kết nối du lịch trải nghiệm gắn với tiêu thụ nông sản địa phương, tạo việc làm, gia tăng giá trị nông sản. Cùng đó đề xuất các nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng, miền, địa phương”, ông Lê Bá Thành nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/xay-dung-dang/410505/trai-ngot-tu-nghi-quyet-tam-nong-.html