Trải nghiệm nghệ thuật thêu truyền thống của người Mông đen

Ngày 25/8, tại Hà Nội, đã diễn ra hoạt động trình diễn nghề 'Nghệ thuật thêu đáp vải truyền thống của người Mông đen' (Xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) do Craft link tổ chức.

Hoạt động được tổ chức nhằm giới thiệu cho công chúng, đặc biệt các tín đồ đam mê nghệ thuật sản xuất hàng thủ công truyền thống về văn hóa thêu đặc sắc và đa dạng ở Việt Nam thông qua nghệ thuật thêu tay truyền thống của nhóm dân tộc thiểu số Mông đen đến từ Xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Qua đó, góp phần bảo tổn và phát triển những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sự kiện có sự tham gia của nghệ nhân người Mông đen Thào Thị Sung.

Sự kiện có sự tham gia của nghệ nhân người Mông đen Thào Thị Sung.

Chia sẻ về hoạt động, Tổng Giám đốc Công ty Craft link Trần Tuyết Lan cho biết: Trong thế giới hiện đại, truyền thống thêu, dệt bản địa của Việt Nam phải vật lộn để tồn tại khi đối mặt với các sản phẩm thêu/dệt máy do các máy thêu/dệt công nghiệp sản xuất ra hàng loạt với giá thành rẻ hơn rất nhiều. Chính vì thế, kể từ khi thành lập năm 1996, chúng tôi đã luôn tiến hành các chương trình và dự án khác nhau ở các vùng miền nhằm khuyến khích thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống thêu, dệt lâu đời của mỗi dân tộc, đồng thời học cách sử dụng các mẫu hoa văn truyền thống cùng nguyên liệu độc đáo để thể hiện nền văn hóa đa dạng và giàu bản sắc của họ. Qua đó, hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số, các nhóm khuyết tật và các nhóm làng nghề truyền thống trong việc khôi phục truyền thống văn hóa, phát triển sản xuất hàng thủ công và nhằm cải thiện đời sống kinh tế cho cộng đồng dân tộc thiểu số".

Nghệ nhân Thào Thị Sung trực tiếp trình diễn, hướng dẫn các công đoạn thêu ghép vải truyền thống của người Mông đen ở Sa Pa

Trang phục của người Mông ở Sa Pa được làm từ vải lanh tự trồng, tự nhuộm chàm theo lối truyền thống và được mài với sáp ong cho mềm và bóng. Phụ nữ Mông không mặc váy như nhiều nhóm người Mông khác mà mặc chiếc quần lửng ngang đầu gối, để tiện cho sinh hoạt hàng ngày.

Bộ trang phục nữ nhìn thoáng qua khá giản dị với màu chàm là chủ đạo, họ thường mặc một áo khoác ngoài bằng vải lanh (Shao cho), dưới lớp áo khoác này là một áo vải bông dài tay (Shao ti). Phần được trang trí cầu kỳ là tay áo, cổ áo và thắt lưng. Tay áo thường được thêu hoa văn với kỹ thuật thêu dấu nhân phổ biến của người Mông, còn cổ áo và thắt lưng thì được thêu bằng nhiều kỹ thuật kết hợp, tạo ra những đồ án trang trí cổ áo đẹp đến kinh ngạc.

Đến tham gia hoạt động, du khách được trải nghiệm và nghe nghệ nhân Thào Thị Sung giới thiệu văn hóa thêu bản địa thông qua màn trình diễn thêu đáp vải vô cùng độc đáo của người Mông đen.

Khách tham quan trải nghiệm kỹ năng thêu

Theo nghệ nhân Thào Thị Sung cho biết: "Quy trình thêu một miếng hoa văn làm cổ áo gồm khá nhiều bước. Trước tiên họ chọn miếng vải lanh đẹp đã nhuộm chàm đủ độ đậm cần thiết. Trên nền vải chàm, sau khi quyết định bố cục của đồ án thêu, người phụ nữ Mông sẽ dùng chỉ tơ tằm thêu các đường thẳng để chia các ô to, nhỏ trên mặt vải. Tiếp theo họ sẽ dùng vải bông mỏng khâu ghép vào các ô trống đã được phân chia. Trên nền vải bông đã khâu ghép ở các ô lớn là phần hoa văn chính.

Các hoa văn này chủ yếu có dạng xoắn ốc rất đa dạng và được uốn vào các khuôn có dạng góc vuông. Khi đã hoàn thành phần hoa văn chính họ sẽ phủ kín nốt các mảnh ghép vải nhỏ ở các đường khung viền, các góc nhỏ bằng nhiều dạng mũi thêu kết hợp. Sau khi thêu xong, họ sẽ làm thêm lớp lót bằng vải bông nhuộm chàm và may các đường nẹp viền màu trắng, đỏ, đen và một viền lớn màu đỏ trên ba cạnh của cổ áo. Chiếc cổ áo hoàn thiện sẽ được khâu ghép vào chiếc áo dài tay hay áo khoác ngoài.".

Các sản phẩm thêu của người Mông đen

Cách thêu đặc biệt này của người Mông ở Sa Pa tạo nên một tổng thể rất hài hòa, có nền, có điểm nhấn trong bố cục, có sự đối lập về màu sắc, có sự thay đổi nhịp điệu trên bề mặt tạo sự thú vị khi nhìn vào, cũng như chạm vào. Cách thêu này cũng tạo ra độ bền đáng kể, nên đôi khi dù chiếc áo đã sờn rách mà chiếc cổ áo vẫn rất đẹp và vẫn có thể được tận dụng để ghép vào một chiếc áo mới.

Mỗi nhóm dân tộc thiểu số ở Việt Nam đều có kỹ thuật thêu, dệt riêng được truyền qua nhiều thế hệ. Mỗi họa tiết thêu tỉ mỉ đều có chức năng và biểu tượng riêng, mang trong mình văn hóa và tín ngưỡng của người làm ra nó. Đây là điều khiến các sản phẩm thêu tay trở nên đẹp hơn, độc đáo hơn, và khiến chúng trở thành những tác phẩm nghệ thuật thực sự./.

Thương Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/trai-nghiem-nghe-thuat-theu-truyen-thong-cua-nguoi-mong-den-20230825161206134.htm