Trải nghiệm đêm hội đập trống của đồng bào Ma Coong giữa đại ngàn

Giữa đại ngàn, dưới ánh trăng sáng ngày 16 tháng Giêng, đồng bào Ma Coong lại tụ học về bản Cà Roòng để cùng vui đêm hội đập trống. Họ cầu mong cho một năm mưa thuận, gió hòa, nương rẫy được tươi tốt, bản làng được ấm no, khỏe mạnh, gia súc không bị dịch bệnh.

Đối với đồng bào Ma Cong ở các bản làng của xã vùng biên Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) thì Lễ hội đập trống diễn ra vào đêm 16 tháng Giêng âm lịch được xem là lễ hội lớn và quan trọng nhất trong năm.

Theo lời kể của già làng, trưởng bản Ma Coong ở Thượng Trạch, truyền thuyết kể lại rằng, ngày xưa vùng đất của người Ma Coong đang ở xuất hiện một con khỉ ác mầu vàng, hằng đêm nó thường vào rẫy của bà con dân bản ăn ngô, lúa. Khi có khỉ ác xuất hiện, người Ma Coong liên tục mất mùa, đau ốm. Đời sống người Ma Coong vì thế triền miên đói khổ. Đêm trước ngày rằm tháng Giêng, vị già bản nằm mơ thấy Giàng (thần trời) hiện về mách bảo, muốn đuổi khỉ thì hãy làm một chiếc trống tiếng thật vọng mang ra đánh vào đêm trăng sáng nhất. đến khi khỉ ác tìm đến bản, bà con đã khua trống đánh chiêng đuổi khỉ, tiếng trống tiếng chiêng của cộng đồng người Ma Coong cùng với sự giúp đỡ của Giàng mà khỉ ác đã phải rời xa vùng đất này, từ đó người làm được mùa, con cháu không còn đau ốm nữa.

Đồng bào Ma Coong rộn ràng đánh lên tiếng trống trong lễ hội giữa đêm sáng trăng nhằm cầu mong cho một năm mưa thuận, gió hòa, nương rẫy được tươi tốt, bản làng được ấm no, khỏe mạnh, gia súc không bị dịch bệnh.

Trước ngày diễn ra lễ hội đập trống, người dân ai trong bản ai có gì đóng góp nấy, nhưng không thể không đóng góp gạo nếp để nấu rượu hiêng – thứ rượu được nấu bằng nếp nương với men lá, có màu trắng như sữa, chỉ được dùng cúng và mời khách quý.

Trên khoảnh sân rộng nhất của bản, dưới tán của cây cổ thụ, người dân dựng một dãy nhà tranh nhỏ. Căn lều chính là nơi hành lễ, treo trang trọng chiếc trống.

Khi ánh trăng sáng của ngày 16 nhô cao sau lưng bản, mâm cúng được mang ra sắp đặt. Mâm cỗ cúng “Giàng” (Trời - PV)gồm có rượu hiêng, thịt gà nấu với chồi cây mây non, cá, xôi, ngọn cây mây, khúc thân cây đoác, một ít lúa gạo...

Cá để cúng Giàng trong đêm đập trống được bắt từ khúc suối cấm. Vào khoảng tháng 5 dân bản ngăn con suối Aky từ bản Rào Bụt đến bản Nồm và được quản lý nghiêm ngặt nếu ai vào đó đánh cá thì bị phạt rất nặng, khúc suối này chỉ được đánh bắt cá tự do sau khi lễ hội đập trống diễn ra.

Vào phần lễ, già làng đọc lời khấn cầu trời đất phù hộ cho dân bản sống yên lành, làm ăn no đủ, mùa màng bội thu… Xong phần hành lễ, lúa gạo được ném ra tứ phía, cầu mong thóc lúa về đầy bồ, đầy nương.

Phần lễ kết thúc, là lúc tiếng trống hội mở màn vang lên. Mọi người bắt đầu xúm lại với những ché rượu hiêng.

Những thanh niên khỏe mạnh giành nhau dùi và trổ tài đánh trống mạnh, đánh trống nhanh. Những người không tham gia đánh trống thì cầm tay nhau nhảy múa quanh.

Không chỉ người Ma Coong mà người dân ở khắp nơi cũng đến đây cùng chung vui trong ngày hội. Anh Trần Quốc Cường, trú huyện Yên Thành Nghệ An - người con rể của bản làng Thượng Trạch đưa gia đình tới chung vui vào đêm hội đập trống của đồng bào Ma Coong.

Trong hội trống, mọi người vừa đánh trống, vừa hét vang rừng: “Roa lữ Giàng ơi!” (sướng quá, vui quá trời ơi). Trống phải được đánh cho thủng trước khi trời sáng mới thôi, khi trời đất mới chứng giám cho lòng thành của mọi người, trong năm tới mới được mùa màng.

Trải qua nhiều biến đổi, lễ hội đập trống của người Ma Coong vẫn còn nguyên đó những giá trị văn hóa không thể phai mờ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã có quyết định công nhận Lễ hội Đập trống của người Ma Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Hùng Trần

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/anh-trai-nghiem-dem-hoi-dap-trong-cua-dong-bao-ma-coong-giua-dai-ngan-172230207080506882.htm