Trải nghiệm cận kề cái chết, sống lại sau khi tim ngừng đập và ngừng thở

Trong nhiều thập kỷ, hàng triệu người trên thế giới đã trải qua giây phút trước ngưỡng cửa cái chết sau khi tim ngừng đập và ngừng thở, rồi được các bác sĩ cứu sống nhờ phương pháp hồi sức tim phổi (CPR).

Phương pháp hồi sức tim phổi (CPR) được phát minh vào năm 1960, kể từ đó đã cứu sống hàng triệu người trên thế giới.

TS. Sam Parnia, bác sĩ đơn vị chăm sóc đặc biệt của trung tâm y tế NYU Langone Health ở New York đã nghiên cứu về hiện tượng "cận kề cái chết" trong nhiều thập kỷ.

Trong nghiên cứu, ông đã khám phá "ý thức tiềm ẩn" về cái chết bằng cách đo điện não đồ khi tim ngừng đập và ngừng thở.

Một trường hợp kỳ lạ trải qua tình huống "hồn lìa khỏi xác" là ở một bệnh nhân đau tim vào năm 2020. Cụ ông Aubrey Osteen, 80 tuổi lên cơn đau tim vào tháng 12/2020 và ngưng tim.

Hàng triệu người trên thế giới đã được các bác sĩ cứu sống sau khi tim ngừng đập.

Ông Aubrey kể lại, khi các bác sĩ phẫu thuật chuẩn bị mổ tim thì ông bắt đầu có ý thức trở lại. Trong tiềm thức, ông nói với các bác sĩ rằng: "Đợi một chút đã trước khi các bạn bắt đầu tiến hành phẫu thuật. Cho tôi thêm thuốc mê đi".

"Ồ, phải một lúc tôi mới nhận ra mình không cùng ở chiều không gian với họ, nên họ không thể nghe thấy tôi nói gì.", ông Aubrey kể lại.

Trong tiềm thức của mình, ông Aubrey nhìn thấy linh hồn ông len lỏi qua khung xươn sườn và lơ lửng phía trên bàn mổ trong khi ê-kip phanh lồng ngực và phẫu thuật tim. Chẳng bao lâu sau đó, ông nghe thấy ai đó nói "thận".

Cụ ông Aubrey Osteen tổ chức sinh nhật 82 tuổi vào ngày 4/7, hơn 2 năm sau khi cần kề cái chết sau cơn đau tim khiến tim ngừng đập.

"Cả hai quả thận đều ngừng hoạt động cùng lúc, tôi biết lúc đó mình đã ra đi. Và lúc đó hồn tôi dường như bay lên cao hơn". Ông cảm nhận được linh hồn mình trước sự hiện diện của Chúa với ánh sáng quyền năng. "Có một thiên thần ngọt ngào nhất đã an ủi và nói với tôi "Hãy thư giãn. Mọi thứ sẽ ổn thôi" và tôi sẽ phải quay lại.", ông Osteen kể lại hơn 2 năm sau đó.

TS. Sam Parnia cho biết: "Nhiều người kể lại trải nghiệm tương tự. Trong giây phút tim ngừng đập, ngừng thở, ý thức của họ trở nên sống động hơn, suy nghĩ trở nên sắc bén hơn trong khi các bác sĩ như tôi đang cố gắng hồi sinh họ, thậm chí nghĩ rằng họ đã chết.".

TS. Sam Parnia đồng thời là giảng viên Trường Y NYU Grossman tại New York cho biết: "Những bệnh nhân này có cảm giác như đã tách khỏi cơ thể và có thể nhìn thấy, nghe thấy các bác sĩ và y tá đang nói chuyện với nhau. Họ cố gắng nhận biết những gì các bác sĩ đang làm với mình mà họ không thể giải thích được."

Ngoài ra, trong giây phút chết lâm sàng này, mọi người thường suy ngẫm lại toàn bộ cuộc đời mình, ghi nhớ những suy nghĩ, cảm xúc và sự kiện mà bình thường họ không thể nhớ được.

Đo sóng não khi thực hiện hồi sức tim phổi (CPR)

Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí hồi sức Resuscession, nhóm nhân viên y tế từ 25 bệnh viện ở Mỹ, Anh và Bulgaria đã theo chân các bác sĩ vào các phòng bệnh nơi bệnh nhân chết lâm sàng.

Trong khi các bác sĩ thực hiện hô hấp nhân tạo, các nhóm nghiên cứu đã gắn các thiết bị đo oxy và điện não đồ lên người bệnh. Nỗ lực hồi sức trung bình kéo dài từ 23-26 phút. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy một số bác sĩ vẫn tiếp tục thực hiện kỹ thuật hồi sức tim phổi (CPR) kéo dài tới 1 giờ.

Hoạt động của não đo được trong 2-3 phút khi các bác sĩ ngừng ép ngực hoặc sốc điện để xem liệu tim của bệnh nhân có hoạt động trở lại hay không. Lúc đó, điện não đồ vẫn là đường phẳng. Tuy nhiên, sau khi hồi sức, điện não đồ xuất hiện các đường tăng đột biến như thể người bệnh đang tập trung sâu hoặc đang nói chuyện, TS. Parnia cho biết.

Theo nghiên cứu, những đường đột biến trong điện não đồ bao gồm các sóng gamma, delta, theta, alpha và beta.

Thật không may, chỉ có 53 người trong số 567 người tham gia nghiên cứu, tương đương 10% đã sống lại sau khi ngưng tim. Trong số đó, 28 người được hỏi về những điều họ nhớ lại. Chỉ có 11 bệnh nhân cho biết có nhận thức trong quá trình hô hấp nhân tạo và chỉ có 6 người kể lại trải nghiệm cận kề cái chết.

Bên cạnh đó, 126 người không tham gia nghiên cứu cũng đã kể lại trải nghiệm đã sống sót sau khi ngưng tim. Qua đó cho thấy trải nghiệm cận kề cái chết như cảm giác chia ly, nhìn lại cuộc đời mình, đi đến một nơi cảm thấy như ở nhà và sau đó cần phải quay trở lại với cuộc sống", TS. Parnia nói.

Bảo Linh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/trai-nghiem-can-ke-cai-chet-song-lai-sau-khi-tim-ngung-dap-va-ngung-tho-169230915112444514.htm