Trải lòng của Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình sau một năm 'sóng gió'

Mục tiêu, kế hoạch kinh doanh dù được đặt ra trước nhưng thực tế thương trường lại luôn thử thách bản lĩnh người lãnh đạo doanh nghiệp bằng những tình huống bất ngờ. Trò chuyện với Mekong ASEAN dịp cuối năm, sau một quãng thời gian đầy sóng gió, Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình trải lòng, kỹ năng quan trọng nhất đối với doanh nhân là khả năng linh hoạt, sáng tạo, thích ứng với mọi hoàn cảnh.

Một năm trước, trong cuộc trao đổi với doanh nhân Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC), ông đã rất hào hứng khi chia sẻ về tiềm năng của ngành xây dựng Việt Nam, về khát vọng của Hòa Bình vươn ra biển lớn trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Mekong ASEAN kết nối lại với vị doanh nhân sau một năm quá nhiều biến động cho Hòa Bình, vị doanh nhân không khỏi lộ rõ sự căng thẳng, mệt mỏi. Tuy nhiên với “đứa con” do chính mình tạo dựng và đồng hành suốt 35 năm, ông Lê Viết Hải không thể buông bỏ. "Làm sao để Hòa Bình trở lại, làm sao để người lao động của Hòa Bình ấm no hạnh phúc chính là trăn trở lớn nhất của tôi suốt thời gian qua", ông Hải nói.

Hòa Bình bắt đầu năm 2023 với một câu chuyện không mấy may mắn, khi mâu thuẫn trong HĐQT khiến “nội chiến” nổ ra ngay những ngày giáp Tết Nguyên đán năm ấy. Khi đó, ông Lê Viết Hải, vốn đã định lui về phía sau, đã phải quay trở lại vị trí chủ tịch HĐQT để giữ cho con thuyền khỏi tròng trành.

Nói về “cuộc chiến” thượng tầng đó, ông Hải thừa nhận, mâu thuẫn nội bộ xảy ra một phần là do xuất phát từ cách quản lý của ông, đó là sẵn sàng đưa mọi cá nhân tỏ ra có năng lực, trình độ, cùng tầm nhìn, cùng hoài bão vào tập đoàn để thực hiện mục tiêu chiến lược của HBC là đi ra thị trường quốc tế.

HBC khi đó có đến 4 thành viên HĐQT độc lập trong tổng số 8 thành viên, tương ứng 50%, cao hơn nhiều so với các công ty niêm yết khác. Tuy nhiên, chính vì việc này, khi có xung đột lợi ích, kéo bè kéo cánh, ông Hải không thể kiểm soát được.

Rất may là “nội chiến” tại Hòa Bình đã nhanh chóng kết thúc. “Phe đối lập” với ông Hải lần lượt ra đi. Sau ĐHĐCĐ thường niên 2023, HĐQT Xây dựng Hòa Bình thu gọn còn 6 thành viên với 3 gương mặt mới, và chỉ có 2 thành viên độc lập. Đáng chú ý trong đó là ông Lê Văn Nam, đồng thời đảm nhận vị trí CEO của HBC. Ông Nam từng có thời gian dài gắn bó với Hòa Bình, kinh qua nhiều vị trí, từ giám sát, chỉ huy phó, chỉ huy trưởng đến giám đốc dự án, phó tổng giám đốc khu vực phía Bắc. Trước khi về lại Hòa Bình, ông Nam là tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT CTCP Xây dựng SCG.

Việc thay đổi nhân sự cấp cao được kỳ vọng là “làn gió mới” giúp doanh nghiệp xây dựng có thêm động lực vượt qua “cơn bĩ cực”. Thực tế, ngoài cuộc “nội chiến” ồn ào, Hòa Bình còn phải đối mặt với những khó khăn vô cùng lớn trong kinh doanh. Năm 2022, công ty lỗ hợp nhất hơn 2.570 tỷ đồng - khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động hơn 35 năm của doanh nghiệp, một phần do phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 1.700 tỷ đồng. Khoản lỗ lớn gây ảnh hưởng đến cổ phiếu trên sàn và tâm lý cổ đông, trở thành áp lực lớn cho ban lãnh đạo Hòa Bình trong việc điều hành hoạt động kinh doanh năm 2023.

Theo ông Lê Viết Hải, những khó khăn với Hòa Bình thực sự đã manh nha từ cách đây 5-6 năm, khi có nhiều biến cố vô cùng bất lợi cho ngành xây dựng, đặc biệt là trong xây dựng nhà ở đô thị và du lịch - hai lĩnh vực chủ chốt của công ty. Từ năm 2017 đã có rất ít dự án nhà ở đô thị được cấp giấy phép xây dựng, trong khi nguồn nhân lực trong ngành vẫn cứ tăng liên tục. Thực trạng thiếu việc làm tạo nên mất cân đối cung cầu đã gây bất lợi rất lớn cho các nhà thầu, thị trường xây dựng trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết.

Áp lực cạnh tranh cũng là một trong những nguyên nhân khiến Hòa Bình càng thôi thúc khát khao tìm một không gian phát triển rộng lớn hơn, đó chính là đi ra thế giới. Trong dịp kỷ niệm 35 năm thành lập vào tháng 9/2022, công ty đã công bố kế hoạch giai đoạn phát triển trong 10 năm tới (2022 - 2032) với mục tiêu chiến lược là phát triển ra thị trường nước ngoài, duy trì tốc độ phát triển doanh thu 5 năm tăng 5 lần, đến năm 2032 doanh thu xấp xỉ 20 tỷ USD, lợi nhuận gần 1 tỷ USD.

“Tuy nhiên có những việc được như ý mình, không phải do bản thân không nỗ lực, cũng không phải đi sai đường mà là vì hoàn cảnh không thuận lợi”, ông Lê Viết Hải thừa nhận.

Những khó khăn dồn dập ập đến khiến Hòa Bình phải tập trung giải quyết trong trước mắt. Do đó, ưu tiên của công ty trong năm 2023 chính là tái cấu trúc, để bộ máy hoạt động hiệu quả và bền vững hơn.

Ban lãnh đạo đã đưa ra nhiều giải pháp để tái cấu trúc. Đó là phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà cung cấp, nhà thầu phụ để tăng vốn điều lệ cũng như giảm áp lực trả nợ. Mặt khác đưa các nhà thầu phụ, nhà cung cấp trở thành cổ đông chiến lược của Hòa Bình. Cùng với đó là quyết liệt thu hồi công nợ, tái cấu trúc các khoản vay với ngân hàng để giãn nợ và tái cấp các gói tín dụng mới, định giá lại tài sản của công ty...

Ông Lê Viết Hải gây dựng “đế chế” Hòa Bình từ một văn phòng xây dựng nhỏ, từ năm 1987. Thời gian đầu, văn phòng này chỉ có vỏn vẹn 5 kỹ sư và 20 người thợ, chủ yếu nhận thiết kế và thi công công trình nhà ở tư nhân cho một một số Việt kiều. Năm 2000, CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình được thành lập với số vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 11 tỷ đồng.

Năm 2006, doanh nghiệp được đại chúng hóa và cổ phiếu Hòa Bình chính thức được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM với mã HBC. Đến năm 2017, công ty được đổi tên thành CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Hiện tại, vốn điều lệ của HBC đang ở mức 2.741 tỷ đồng, cao gấp gần 250 lần so với số vốn ban đầu.

Hơn 35 năm “chèo lái” để đưa công ty từ một văn phòng nhỏ đến doanh nghiệp đại chúng, ông Lê Viết Hải đã trải qua không ít gian nan, thử thách. Có thời điểm, cha mẹ ông phải bán nhà, mượn tài sản của anh em thế chấp ngân hàng quay vòng vốn để giúp công ty thoát khỏi nguy cơ tan rã. Tuy nhiên, vị doanh nhân thừa nhận chưa bao giờ ông cảm thấy khó khăn như giai đoạn vừa qua.

Trước đây, Hòa Bình có khó khăn thì áp lực lên người lãnh đạo chỉ là một công ty nhỏ với vài chục, vài trăm nhân viên. Nhưng hiện nay, phía sau sự thành bại của Hòa Bình là hàng nghìn người lao động, hàng nghìn cổ đông. Với trách nhiệm của người “thuyền trưởng”, ông Hải không khỏi “lòng như lửa đốt” khi doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có.

Theo chủ tịch HBC, trong những giai đoạn khó khăn, vai trò của doanh nhân, của những người lãnh đạo doanh nghiệp càng cần phải thể hiện rõ. Và với ông, điều quan trọng nhất là “ứng vạn biến”. “Chúng ta giữ bản sắc riêng, kiên định mục tiêu theo theo đuổi nhưng vì diễn biến không theo kế hoạch nên khi hành động phải xoay chuyển theo mọi tình huống thì mới vượt qua được khó khăn”, ông đúc kết. Và tái cấu trúc chính là “lựa chọn khẩn cấp” của ông Hải để đưa Hòa Bình “vượt sóng”.

Sau gần một năm thực hiện, ông Hải cho biết HBC đã đạt được những kết quả bước đầu. Cuối năm 2022, công ty có dư nợ tại 14 ngân hàng nhưng tới cuối năm 2023 đã tất toán công nợ tại 7 ngân hàng với số tiền trả hơn 1.400 tỷ đồng, đưa dư nợ ngân hàng xuống còn hơn 4.700 tỷ đồng.

HBC cũng đã hoàn tất thu về toàn bộ số công nợ và lãi trả chậm, các khoản chi phí phát sinh hơn 300 tỷ đồng từ Tập đoàn FLC sau gần 3 năm. Hòa Bình còn thắng kiện 2 đối tác khác với số tiền dự kiến thu hồi là 262 tỷ đồng.

Công ty đang trong quá trình chuẩn bị chào bán riêng lẻ 220 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, giá chào bán tối thiểu là 12.000 đồng/cp và giá chào bán cao nhất là 14.500 đồng/cp. Số tiền huy động dự kiến từ 2.640 tỷ đồng đến 3.190 tỷ đồng dự kiến sử dụng để thanh toán các khoản nợ vay. Đã có hai nhà đầu tư tổ chức dự kiến tham gia mua hết số cổ phần phát hành này.

Ngoài ra, Hòa Bình cũng đạt được thỏa thuận với nhiều nhà cung cấp, nhà thầu phụ về việc hoán đổi công nợ bằng cổ phiếu, với dự kiến phát hành 32,5 triệu đơn vị, giá 12.000 đồng/cp. Từ việc hoán đổi nợ này, các đối tác sẽ trở thành thành viên của HBC.

Doanh nhân Lê Viết Hải nhận định năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức với doanh nghiệp, tuy nhiên tình hình sẽ “dễ thở” hơn. Ông kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội để Hòa Bình “trở mình”. Công ty sẽ tiếp tục tích cực thực hiện chiến lược tái cấu trúc để sẵn sàng bứt phá khi cơ hội đến.

Tương lai tất nhiên luôn chỉ là sự kỳ vọng. Nhưng trong khó khăn, động lực để con người tiến bước lại chính là kỳ vọng, là những viễn cảnh tương lai đó. Không ai dám chắc những mục tiêu mà Hòa Bình nhắm đến sẽ thành sự thật, nhưng đáng để tin rằng với những doanh nghiệp, doanh nhân có ước mơ và hoài bão, họ sẽ quyết tâm để thực hiện một cách tốt nhất.

Năm 2023, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu 7.546 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2022. Công ty lỗ sau thuế 777 tỷ đồng, so với 2022 lỗ gần 2.600 tỷ đồng; nâng lỗ lũy kế lên gần 2.900 tỷ đồng. Công ty đặt kỳ vọng lớn vào năm 2024 với mục tiêu doanh thu 10.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận tương đương với năm 2019, trước khi các doanh nghiệp xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 và sự suy giảm của thị trường bất động sản.

NỘI DUNG: ĐINH NHUNG; THIẾT KẾ: KHÁNH QUỲNH

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/trai-long-cua-chu-tich-xay-dung-hoa-binh-sau-mot-nam-song-gio-post31627.html