Trại giam An Phước: Giúp phạm nhân hiểu giá trị đích thực của cuộc sống

Các nữ phạm nhân đang hăng say làm việc. KTNT - Tuy phải hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Trại giam An Phước (Tổng cục VIII, Bộ Công an) vẫn luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. Sự nỗ lực đó được đền đáp xứng đáng bằng chính những tiến bộ của phạm nhân.

Các nữ phạm nhân đang hăng say làm việc.

KTNT - Tuy phải hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Trại giam An Phước (Tổng cục VIII, Bộ Công an) vẫn luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. Sự nỗ lực đó được đền đáp xứng đáng bằng chính những tiến bộ của phạm nhân.

Khó khăn không lùi bước

Chuyến hành trình của chúng tôi từ TP. Hồ Chí Minh đến Trại giam An Phước dài hơn 100km. Qua tỉnh Bình Dương, tới đầu địa phận thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) mới đến con đường rẽ vào trại. Từ đây phải mất hơn 30 phút, chúng tôi mới tới được trại giam, lúc này đã là 17 giờ. Tuy xung quanh là rừng cao su và nhiều cây cối bao bọc nhưng vẫn không thể ngăn nổi cái nóng oi bức của vùng rừng này.

Tiếp chúng tôi, đồng chí Nguyễn Công Thắng, cán bộ tham mưu của Trại chia sẻ: "Ở đây anh em chịu quen rồi, chứ nóng thế này đã ăn thua gì. Mùa nắng đã vậy, mùa mưa cũng khắc nghiệt không kém. Lúc đó, giao thông gần như cách trở khi gần chục cây số đường đất lầy lội, bùn sình ngập cả bánh xe".

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ nơi đây vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ là phân tích những sai lầm mà phạm nhân mắc phải, rồi chỉ bảo, hướng dẫn để họ biết đường sửa chữa. Bên cạnh đó, cán bộ cũng tham gia vào quá trình chăm lo đời sống cho bản thân và các phạm nhân. Chính nhờ những nỗ lực đó mà năm 2008, Trại giam An Phước đã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hơn 600 cán bộ, chiến sĩ của trại được phân ra 4 phân trại, quản lý 4.200 phạm nhân. Nhằm giúp phạm nhân, hiểu pháp luật, lối sống đúng sai, cán bộ, chiến sĩ của trại đã tổ chức những buổi học tập. Thông qua những buổi sinh hoạt, học tập, nhiều phạm nhân đã nhận biết rõ ràng về chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, từ đó họ yên tâm cải tạo, để sớm trở về đoàn tụ với gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

Thiếu tá Đinh Phú Quốc, Đội trưởng Đội giáo dục hồ sơ cho biết: "Chỉ tính riêng năm 2011, Trại giam An Phước đã có 275 phạm nhân cải tạo đạt loại tốt, 345 trường hợp được đặc xá và 1.920 phạm nhân được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, trong đó có 134 trường hợp được giảm hết thời hạn chấp hành án tù. Còn bản thân chúng tôi luôn tạo cho phạm nhân niềm tin vững vàng để họ yên tâm cải tạo".

Ruộng rau xanh mướt dùng để cải thiện bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ
và phạm nhân.

"Để làm được điều này, chúng tôi phải xác định luôn luôn tuân thủ theo quy định của pháp luật. Tất cả cán bộ, chiến sĩ khi tiếp xúc với phạm nhân đều công bằng, minh bạch và thẳng thắn. Trên cơ sở đó, cán bộ truyền kinh nghiệm, hướng dẫn và tạo niềm tin cho phạm nhân để họ tin tưởng vào tương lai phía trước", Thượng tá Trần Văn Khởi, Phó giám thị trại cho biết thêm.

Lao động chân chính - giá trị cuộc sống

Theo chân Thiếu tá Nguyễn Thị Bình, Đội trưởng Đội Quản giáo, chúng tôi đến phân trại 2, nơi đang quản lý 1.600 phạm nhân. Ở phân trại này, mô hình kinh tế được thiết kế khép kín theo kiểu VAC. Những dãy chuồng heo, gà, vịt, ngan, ngỗng và thỏ chạy dài, những con kênh rộng thả cá, xung quanh là những ruộng rau xanh mơn mởn. Thiếu tá Bình cho biết, mô hình sản xuất của phân trại 2 tạo được nguồn thức ăn cho 200 cán bộ, chiến sĩ cùng 1.600 phạm nhân.

Ao nuôi cá giữ nước vào mùa khô để lấy nước tưới cho gần chục hecta rau xanh. Đây cũng là nơi để phạm nhân tìm lại giá trị đích thực của lao động", Đại úy Hoàng Đức Giang, Phó phân trại 2 nói.

Thiếu tá Bình tiếp tục dẫn chúng tôi đến khu vực lao động dành cho nữ phạm nhân. Trong không khí oi bức, hàng trăm nữ phạm nhân đang hăng say làm việc nhưng vẫn vui vẻ nói cười. Thấy chúng tôi đến, các phạm nhân nữ đồng loạt: "Chào quý cán bộ", rồi lại vui vẻ trò chuyện. Phạm nhân Bùi Mỹ Liên (quê Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh) cho biết, cô bị bắt năm 2007 về tội buôn bán chất ma túy. "Từ ngày thụ án, em đã 3 lần được giảm án, tổng cộng là 29 tháng tù giam nhờ cải tạo tốt. Chính vì thế, em được cán bộ tin tưởng giao cho "chức" đội trưởng đội tự quản đấy cán bộ ạ. Còn hơn hai năm nữa là em được về nhà rồi. Em mong sớm được ra trại để về với con, chăm sóc mẹ già".

Rời An Phước, đi giữa rừng cao su thẳng tắp, chúng tôi tin, sẽ có nhiều người bước ra từ cánh cổng kia và ngẩng cao đầu. Bởi họ được dạy giá trị đích thực của cuộc sống là lao động chân chính.

Hồng Điệp

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.com.vn/story/xahoi/2012/3/33232.html