Trái chiều diễn biến cổ phiếu 'họ Nova'

Trong khi cổ phiếu NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) diễn biến tích cực, thì cổ phiếu NCG của CTCP Tập đoàn Nova Consumer lại giảm kịch sàn ngay phiên 'chào sàn'.

Chốt phiên 9/11, cổ phiếu NVL tăng 5,2% lên mức 16.300 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh xấp xỉ 56,5 triệu cổ phiếu, đứng thứ 2 toàn sàn chứng khoán. Đáng chú ý, trong phiên có thời điểm thị giá NVL chạm mức giá trần. Trước đó, trong phiên 8/11, cổ phiếu NVL đã ghi nhận một phiên tăng kịch trần.

Như vậy, chỉ sau 7 phiên giao dịch gần nhất, thị giá NVL đã tăng 26% lên mức cao nhất hơn một tháng (từ 22/9/2023).

Thị giá NVL đã tăng 26% lên mức cao nhất hơn một tháng. (Ảnh: Int)

Theo quan sát, đà tăng tích cực của NVL bắt đầu nhen nhóm từ khi cổ phiếu được Sở Giao dịch TP.HCM (HoSE) đưa ra khỏi diện cảnh báo kể từ ngày 3/11 do doanh nghiệp đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị cảnh báo.

Một thông tin tích cực gần đây nhất là việc Novaland và một công ty có liên quan đã giải quyết khoản trái phiếu trị giá 1.500 tỷ đồng.

Không chỉ vậy còn có một số thông tin khởi sắc liên quan tới hoạt động của các công ty con và dự án. Cụ thể, cuối tháng 10 vừa qua, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nice Star, một doanh nghiệp có liên quan đến Novaland đã chi 310 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn. Theo truyền thông, Nice Star đang góp vốn hợp tác với Công ty TNHH Delta – Valley Bình Thuận - công ty con Novaland để thực hiện dự án Novaworld Phan Thiết (Bình Thuận) có diện tích 986,33 ha.

Thêm nữa, tình hình kinh doanh của Novaland cũng bắt đầu ghi nhận những tích cực. Quý III/2023, dù doanh thu hợp nhất của Novaland đạt gần 1.074 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 137 tỷ đồng, giảm 42% nhưng đã có sự tích cực hơn 2 quý lỗ khủng liền trước đó.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu hợp nhất của Novaland đạt 2.740 tỷ đồng, khoản lỗ sau 9 tháng còn 958 tỷ đồng .

Trong khi đó, phiên 9/11 là phiên “chào sàn” của cổ phiếu NCG lên giao dịch trên UPCoM.

Nova Consumer là thành viên của NovaGroup, ban đầu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trước khi mở rộng dần sang mảng bán lẻ. Vào tháng 3/2022, Nova Consumer hoàn tất đợt chào bán ra công chúng (IPO) 10,9 triệu cổ phiếu với giá chào bán là 44.000 đồng/cổ phiếu, thu về gần 480 tỷ đồng.

Sau IPO, Nova Consumer có 251 cổ đông, trong đó có 250 cổ đông trong nước (nắm 99,97% vốn) và 1 tổ chức nước ngoài. Tại thời điểm ngày 30/9, hai cổ đông lớn của Nova Consumer là Công ty CP Thương mại Bảo Khang (65,61% vốn điều lệ) và Công ty CP Đầu tư Anova (13,72% vốn điều lệ).

Việc Nova Consumer đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch được kỳ vọng sẽ hoàn thiện thêm mảnh ghép của hệ sinh thái NovaGroup trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng cũng như ngược dòng thị trường chung, cổ phiếu NCG lại giảm kịch sàn với biên độ 40%, rơi từ giá tham chiếu 38.000 đồng/cp xuống mức 22.800 đồng/cp.

Đà giảm khiến vốn hóa thị trường của Nova Consumer bay hơn 1.800 tỷ đồng chỉ trong một ngày, giảm xuống mức 2.730 tỷ đồng (~114 triệu USD). Với mức giảm này, tham vọng đạt tỷ USD vốn hóa của doanh nghiệp càng thêm xa vời .

Theo Nova Consumer, ngoài việc đưa cổ phiếu lên sàn, công ty còn đặt tham vọng doanh thu tỷ USD trong lĩnh vực nông nghiệp, bán lẻ. Giai đoạn 2022-2026, Nova Consumer đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận từ 4-5 lần so với mức 300 tỷ đồng của năm 2021, đạt từ 1.300 - 1.500 tỷ đồng. Với kỳ vọng này, Nova Consumer đặt mục tiêu vốn hóa vượt ngưỡng 1 tỷ USD trong 3 năm kể từ sau IPO.

Dù vậy, những kế hoạch đầy tham vọng của Nova Consumer lại đang gặp không ít thách thức. Quý III, Nova Consumer có doanh thu thuần 1.054 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ. Trong kỳ, chi phí hoạt động và chi phí lãi vay tăng mạnh khiến NCG lỗ ròng gần 51 tỷ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, NCG ghi nhận doanh thu thuần giảm 7%, đạt 3.194 tỷ đồng. Do không còn lãi từ bán công ty liên kết, bán công ty con trong khi chi phí tài chính tăng, công ty lỗ ròng 74 tỷ đồng.

Ngày 30/9, tổng tài sản của Nova Consumer giảm 416 tỷ đồng so với đầu năm về 4.731 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 1.534 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 11% về 736 tỷ đồng. Tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 216 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm.

Nợ vay của Nova Consumer ở mức 1.332 tỷ đồng, đa số là vay ngắn hạn. 9 tháng đầu năm, Nova Consumer nhận về 2,3 tỷ đồng từ lãi tiền gửi nhưng chi phí lãi vay phải trả hơn 80 tỷ đồng.

Châu Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//24h/trai-chieu-dien-bien-co-phieu-ho-nova-1096517.html