Trách nhiệm trên vai người thầy thuốc

Khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, các y, bác sĩ đặt nặng trên vai trách nhiệm để xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ và niềm tin của nhân dân: 'Lương y như từ mẫu'. Họ đã không ngừng nỗ lực để chăm sóc sức khỏe người dân, trong đó có y sĩ Huỳnh Tấn Thảo, công tác tại Trạm Y tế xã Sơn Linh (Sơn Hà) và điều dưỡng Bùi Đình Súy, Khoa Tâm thần nam (Bệnh viện Tâm thần tỉnh).

Y sĩ trong lòng dân

Nhanh nhẹn, nhiệt tình là nhận xét của người dân xã Sơn Linh đối với y sĩ Huỳnh Tấn Thảo. Gần 30 năm qua, hình ảnh y sĩ Thảo mang chiếc túi da đã cũ sờn rong ruổi khắp các con đường đã in đậm trong tâm trí của người dân nơi đây. Ông tận tình thăm khám, tư vấn điều trị cho người bệnh; hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống bệnh sốt rét, bệnh sốt xuất huyết; kiên trì vận động người dân tiêm vắc xin phòng bệnh, thực hiện kế hoạch hóa gia đình... Ngoài ra, ông thường xuyên giúp đỡ người già có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật. Bà Đinh Thị Troát, ở thôn Làng Ghè, xã Sơn Linh xúc động nói, y sĩ Thảo tốt bụng nên ai cũng quý mến. Chị em tôi người bị mù, người bị đau chân ngồi một chỗ, cuộc sống khó khăn. Ông Thảo thường đến khám sức khỏe, lúc thì mang cho thuốc bổ, lúc biếu ít thức ăn. Chị em tôi rất cảm động và biết ơn y sĩ Thảo.

Điều dưỡng Bùi Đình Súy (Bệnh viện Tâm thần tỉnh) thường xuyên gần gũi, động viên bệnh nhân an tâm điều trị.

Những năm qua, y sĩ Thảo tích cực tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Từng có trường hợp bệnh nhân 6 tuổi bị viêm phổi chuyển nặng, ông Thảo đến nhà cấp cứu rồi khuyên chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị bệnh, nhưng người nhà lại lập bàn mời thầy cúng. Ông Thảo phải nhờ chính quyền và công an can thiệp, người thân mới đồng ý chuyển tuyến để điều trị, nhờ đó mà cứu sống được bệnh nhân. Sau ca bệnh ấy, người dân nghe theo lời khuyên của y sĩ Thảo và bảo nhau, nếu có ốm đau thì đến cơ sở y tế chứ không mời thầy cúng như trước.

Nói về kỷ niệm trong nghề, ông Thảo kể, cách đây 20 năm, đường sá đi lại ở xã Sơn Linh rất khó khăn, thường bị cô lập vào mùa mưa lũ. Vào một đêm mưa tầm tã, một sản phụ vừa đến trạm y tế đã chuyển dạ. Ông Thảo chưa kịp mừng vì đứa bé được sơ cứu kịp thời, thì sản phụ bị băng huyết và có triệu chứng sản giật. Mưa lớn, đường lầy lội nên không thể chuyển tuyến. Giữa lúc tính mạng của sản phụ đang nguy kịch, ông Thảo gọi điện thoại nhờ bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà hỗ trợ. Vừa lắng nghe hướng dẫn, vừa cẩn trọng thực hiện các biện pháp cấp cứu và rồi ông Thảo vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi sản phụ được cứu sống.

Thắp sáng niềm tin

Hơn 20 năm công tác tại Khoa Tâm thần nam (Bệnh viện Tâm thần tỉnh), điều dưỡng Bùi Đình Súy nhiều lần đối diện với nguy hiểm khi bệnh nhân lên cơn bệnh. Nhẹ thì bị xé quần áo, nặng thì rách da tứa máu. Anh Súy bảo, cũng đau và giận nhưng thương cảm nhiều hơn. Bởi bệnh nhân tâm thần là vậy, họ luôn có hành vi chống đối hay sẵn sàng hành hung những người xung quanh. Nhiều khi nhân viên y tế bị bệnh nhân tát như trời giáng, cào mặt và tay đến tứa máu, hoặc ném cơm, ném ly uống nước vào người... Những lúc ấy, thay vì nổi giận, anh Súy và đồng nghiệp phải nhỏ nhẹ tâm sự, dỗ dành bệnh nhân. Khi qua cơn kích động, bệnh nhân tâm thần lại có những “khoảng lặng” cần được đồng cảm, đó là sự cô đơn, lo sợ mọi người xa lánh.

Một bệnh nhân ở xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) nhập viện trong tình trạng kích động, hoang tưởng, đánh bất kỳ ai, kể cả người thân, nhân viên y tế. Sau một thời gian điều trị, anh Súy biết bệnh nhân lo lắng, sợ mọi người xa lánh, nên lúc ngoài giờ anh dành thời gian tâm sự, động viên, tạo điều kiện để bệnh nhân tham gia các trò chơi thể thao, đọc sách, báo, ca hát... Qua đó, giúp bệnh nhân suy nghĩ tích cực, lạc quan nên sớm hồi phục, tự tin trở về với cuộc sống đời thường.

Trong bộn bề của cuộc sống, những người tâm huyết với nghề, yêu thương và hết lòng chăm sóc bệnh nhân như y sĩ Huỳnh Tấn Thảo, điều dưỡng Bùi Đình Súy và rất nhiều thầy thuốc, vẫn luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, ngày đêm chăm sóc người bệnh để làm tròn sứ mệnh mà nhân dân tin tưởng gửi gắm.

Bài, ảnh: THANH PHONG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2033/202302/trach-nhiem-tren-vai-nguoi-thay-thuoc-3158369/