Trách nhiệm của cán bộ, nhà trường khi quỹ tiền lương bị mất trộm

Bạn đọc hỏi: Mới đây, lực lượng công an Hà Nội đã khám phá và bắt giữ đối tượng chuyên trộm cắp tiền, tài sản của hàng loạt trường học, công sở. Qua khai thác, đối tượng khai nhận đã trộm cắp được hàng trăm triệu đồng của một số trường học trên địa bàn Thủ đô. Được biết, số tiền mà các trường học bị đối tượng này trộm cắp chủ yếu là tiền ngân sách Nhà nước, dùng để chi trả lương cho cán bộ, giáo viên và người lao động... Xin hỏi luật sư, việc chi trả lương cho cán bộ, giáo viên, người lao động ở các trường bị mất cắp tiền sẽ được thực hiện như thế nào? Cán bộ, nhà trường quản lý tiền lương bị mất cắp phải chịu trách nhiệm gì? Trường hợp đối tượng trộm cắp không còn tiền để khắc phục hậu quả thì pháp luật xử lý ra sao? Nguyễn Thị Liên (Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn trả lời:

Luật sư Đặng Văn Sơn (Văn phòng luật sư Đặng Sơn và Cộng sự Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Việc cơ quan bị mất trộm tài sản cho dù tài sản là nguồn quỹ lương của cán bộ, giáo viên, người lao động hay là tài sản khác của cơ quan đơn vị thì trách nhiệm thuộc về người có trách nhiệm quản lý tài sản đó. Trường hợp khi bị mất trộm thì việc chi trả lương cho cán bộ, giáo viên, người lao động ở các trường bị mất cắp sẽ vẫn do nhà trường chịu trách nhiệm chi trả và sau đó sẽ yêu cầu người có trách nhiệm quản lý tài sản để mất phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 597 - Bộ luật Dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra thì: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”. Đối với người quản lý tiền lương, tài sản để kẻ gian lấy cắp thì tùy theo mức độ trách nhiệm và lỗi của mình có thể bị xem xét xử lý bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra hoặc có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật nếu do thiếu trách nhiệm để dẫn đến hậu quả bị mất trộm.

Theo đó, Điều 179 về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (Bộ luật Hình sự năm 2015) quy định: Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Những người có trách nhiệm quản lý tài sản, quỹ thu của nhà trường cần tuân thủ các nguyên tắc làm việc tránh để sai sót xảy ra (Ảnh minh họa)

Như vậy khi xem xét trách nhiệm của người quản lý tài sản mà để mất mát, trộm cắp thì cần phải xem xét mức độ nghiêm trọng trong hành vi mà những người có trách nhiệm trong việc bảo quản và quản lý số tiền này (gồm cả kế toán, thủ quỹ, bảo vệ và những người khác có thể liên quan) không tuân thủ những nguyên tắc khi làm việc, không làm đúng trách nhiệm của mình để xảy ra thiệt hại. Trường hợp những người này dù đã có trách nhiệm bảo quản kỹ tiền, tài sản như: đã cất, khóa cẩn thận, có camera ghi hình…, nhưng việc bị trộm cắp tài sản vẫn xảy ra và hoàn toàn do nguyên nhân khách quan khác thì không bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Về xử lý đối với người trộm cắp tài sản thì Điều 173 - Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Các trường hợp trộm cắp tài sản dưới 2.000.000 đồng nhưng vẫn bị xử lý bằng hình sự gồm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; Tài sản là di vật, cổ vật. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; Hành hung để tẩu thoát thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Đối với tránh nhiệm bồi thường thiệt hại thì Điều 584 - Bộ luật Dân sự 2015 quy định: ‘‘Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Chiểu theo quy định này có thể thấy, việc trộm cắp tài sản là hành vi xâm phạm đến tài sản của người khác và nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản không còn tiền để khắc phục hậu quả, thiệt hại thì sẽ không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ khi xem xét xử lý về hình sự. Và sau đó khi nào người này có tài sản thì sẽ phải bồi thường. Trường hợp có tài sản mà cố tình không thực hiện việc bồi thường thiệt hại thì có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/trach-nhiem-cua-can-bo-nha-truong-khi-quy-tien-luong-bi-mat-trom-post539085.antd