Trà Vinh hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ổn định nhà ở

Có thể thấy, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tỉnh Trà Vinh vào cuộc quyết liệt, sâu sát của các địa phương đối với công tác chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số đã đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng của hộ dân.

Trong đó việc thực hiện xây nhà ở cho hộ nghèo được đặc biệt quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số "an cư lạc nghiệp"

Tỉnh Trà Vinh có 10 ấp đặc biệt khó khăn, 59 xã vùng DTTS thuộc 8 huyện, thành phố có đối tượng hưởng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719). Bằng nhiều hình thức vận động và từ các chương trình, dự án hỗ trợ, Trà Vinh đã huy động các nguồn lực chung tay giúp đỡ, xây dựng nhà ở cho những hộ khó khăn về nhà ở, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc Khmer; từ đó giúp bà con "an cư lạc nghiệp", vươn lên ổn định cuộc sống.

Ngãi Xuyên (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) là xã có đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm gần 51%), trong những năm qua, từ nguồn đầu tư của Trung ương và địa phương, xã đã và đang tập trung nỗ lực giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc Khmer.

Nghị quyết số 04/2021/NQ – HĐND của HĐND tỉnh Trà Vinh "Quy định về chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021 – 2025", đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số "an cư lạc nghiệp", vươn lên ổn định cuộc sống.

Ông Kiên Thanh Huy Sal, Chủ tịch UBND xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú cho biết: Năm 2022, thực hiện hỗ trợ nhà theo Quyết định số 2100/QĐ –UBND, ngày 29/9/2021 của UBND tỉnh, xã xây dựng 19 căn; thực hiện Nghị quyết số 04/2021/NQ – HĐND, NHCSXH hỗ trợ vay 53 căn; xã hội hóa 06 căn; UBMTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ nhà đại đoàn kết 17 căn... phần lớn đối tượng hưởng lợi là hộ Khmer. Đến nay, xã có 2.936 hộ có nhà ở đạt chuẩn theo quy định (chiếm 93,47%); không còn hộ có nhà tạm, nhà dột. Đến cuối năm 2022, xã còn 103 hộ nghèo (chiếm 3,28%), hộ cận nghèo 70 (chiếm 2,23%), kết quả này là nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, xã tổ chức triển khai thực hiện tiêu chí 9 về nhà ở dân cư trong XDNTM giai đoạn 2021 – 2025. Nhờ đó, đời sống đồng bào Khmer Ngãi Xuyên từng bước được nâng cao, diện mạo vùng nông thôn ngày càng khởi sắc.

Mấy tháng nay, chị Danh Kim Sa, ấp Xoài Thum, xã Ngãi Xuyên vẫn chưa vơi niềm vui khi gia đình chị đã không còn sống trong cảnh nhà dột trong mùa mưa năm nay. Căn nhà mới kiên cố, khang trang được xây dựng từ nguồn vốn thực hiện Chương trình không chỉ giúp cho gia đình chị an cư mà còn là động lực để chị nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Là hộ đồng bào Khmer nghèo có được căn nhà kiên cố như hiện tại là niềm mong mỏi nhiều năm nay của gia đình. Cuối năm 2022, được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, gia đình đối ứng thêm, xây căn nhà gần 100 triệu đồng. Có được nhà ở kiên cố, gia đình chăm lo phát triển kinh tế và đã thoát nghèo; có vốn nuôi thêm bò, thu nhập ổn định.

Chị Danh Kim Sa phấn khởi nói: "Căn nhà xuống cấp đã lâu nhưng không có điều kiện sửa chữa. Giờ nhờ được chính quyền hỗ trợ mà tôi có điều kiện xây dựng được căn nhà kiên cố. Đây chính là căn nhà ước mơ của gia đình tôi. Đây là sự hỗ trợ kịp thời và là động lực để gia đình tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế để có cuộc sống tốt hơn".

Chương trình MTQG 1719 đã tạo điểm tựa để đồng bào Khmer vươn lên ổn định cuộc sống. Thạnh Hòa Sơn (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) xã có hơn 70% đồng bào Khmer. Nhằm tạo điều kiện cho đồng bào Khmer có cơ hội vươn lên, việc thực hiện chính sách dân tộc được Thạnh Hòa Sơn đặc biệt quan tâm.

Ông Lê Văn Phước, Chủ tịch xã Thạnh Hòa Sơn cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay, thực hiện Chương trình MTQG 1719 Thạnh Hòa Sơn đẩy mạnh công tác xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ đầu tư sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sạch...Đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư cho hơn 70 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ đồng bào Khmer được vay tổng số vốn hơn 6 tỷ đồng để phát triển sản xuất và xây dựng nhà ở.

"Trong đó, Thạnh Hòa Sơn triển khai thực hiện xây dựng 15 căn nhà cho hộ khó khăn về nhà ở (trong đó nguồn quỹ hỗ trợ 40 triệu đồng và tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng) và từ Dự án 1 của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, triển khai từ năm 2022 đã hỗ trợ xây dựng được 28 căn. Cuối năm 2023 xã phấn đấu giải quyết cơ bản nhà ở cho hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo khó khăn về nhà ở là đồng bào Khmer." – ông Phước nói.

Trong ngôi nhà mới vừa được xây dựng xong, ông Thạch Đươne ở ấp Lạc Sơn (xã Thạnh Hòa Sơn) không giấu được niềm vui chia sẻ: Đầu năm 2023, khi được chính quyền xét tặng hỗ trợ nhà ở cho gia đình với số tiền 40 triệu đồng và được tạo điều kiện cho vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng; các con góp thêm hơn 50 triệu đồng để cất được căn nhà khang trang. Tuổi càng về già, có niềm vui nào hơn khi có được nơi an cư lạc nghiệp trong ngôi nhà "03 cứng".

"Trước kia nhà lá, mưa dột, giờ được Nhà nước cho vay cất căn nhà mới tôi mừng lắm, có được căn nhà ở giờ chỉ lo làm ăn, cuộc sống bây giờ ổn định, có căn nhà mới mừng lễ Sen Đôn ta năm nay thấy vui vẻ hơn, cám ơn Nhà nước đã giúp đỡ cho tôi" – ông Thạch Đươne chia sẻ.

Ông Thạch Đươne (thứ 3 từ trái qua) ở ấp Lạc Sơn (xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) cùng người thân phấn khởi khi được chính quyền xét tặng hỗ trợ nhà Chương trình MTQG 1719.

Trà Vinh hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ổn định nhà ở

Sau gần 3 năm Trà Vinh thực hiện (2021 – 2023) thực hiện Chương trình MTQG 1719, các nguồn lực, chính sách của chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hoạt động đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Kiên Ninh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Mục tiêu của Chương trình MTQG 1719 nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, khai thác tiềm năng, lợi thế, đổi mới sáng tạo, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc; giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm số xã, ấp có điều kiện KT – XH đặc biệt khó khăn; quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư; xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; củng cố, nâng cao niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

"Nhờ vậy đến cuối năm 2022, Trà Vinh còn 5.404 hộ nghèo (chiếm 1,88%) giảm 4.803 hộ nghèo, tương đương 1,68% so với năm 2021, trong đó, hộ nghèo Khmer còn 3.239 hộ (chiếm 3,89%/tổng hộ Khmer). Năm 2023, tỉnh phấn đấu giảm 0,5% số hộ nghèo, trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer giảm trên 1%" – ông Ninh nói.

Năm 2023, thực hiện Chương trình MTQG 1719, Trà Vinh được phân bổ trên 451 tỷ đồng; trong đó Ngân sách Trung ương là trên 407,2 đồng đồng (trong đó, vốn kế hoạch giao là 301,8 tỷ đồng; vốn năm 2022 chuyển sang là trên 105,3 tỷ đồng); vốn sự nghiệp là gần 233 tỷ đồng. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ đất ở cho hơn 40 hộ DTTS, nhà ở cho hơn 525 hộ, chuyển đổi nghề cho khoảng 275 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 38 hộ, đầu tư xây dựng hai công trình nước tập trung...

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh: Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh không ngừng nâng lên, đó là kết quả triển khai thực hiện kịp thời nhiều nghị quyết, chính sách. Trong đó, có Nghị quyết số 04/2021/NQ – HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh Trà Vinh "Quy định về chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021 – 2025", Trà Vinh hỗ trợ nhà ở cho 2.418 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh hỗ trợ 1.052 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn xây dựng nhà ở; Quỹ An sinh xã hội tỉnh hỗ trợ 910 căn, còn lại từ nguồn Quỹ Vì người nghèo của tỉnh và huyện.

"Riêng công tác giải ngân vốn đầu tư, dù thời gian rất ngắn nhưng nhìn chung các địa phương đã rất tích cực tổ chức thực hiện, một số dự án đã đạt tỷ lệ giải ngân khá cao. Hiện Trà Vinh đã và đang tích cực hỗ trợ đất ở cho 77 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 796 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 17 hộ" – ông Hẳn thông tin.

Những cách làm thiết thực trong việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số ở Trà Vinh đã giúp các hộ nghèo có nhà ở kiên cố vững chắc. Từ đó giúp hộ nghèo phấn đấu vươn lên, phát triển kinh tế, giảm nghèo, góp phần đưa hộ nghèo giảm dần qua từng năm.

Bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý ở Hà Giang.

.

Uyên Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tra-vinh-ho-tro-dong-bao-dan-toc-thieu-so-on-dinh-nha-o-169231026010405967.htm