Trà Shan tuyết cổ thụ tạo sinh kế cho người dân trên đỉnh Tây Côn Lĩnh

Những cây trà Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi đã tạo sinh kế cho người dân nơi ở xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Mục sở thị những gốc trà Shan tuyết trăm tuổi

Xã Thượng Sơn có độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển. Đây là nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của giống chè Shan tuyết.

Những gốc gốc trà Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở xã Thượng Sơn

Từ thị trấn Vị Xuyên, chúng tôi phải mất nửa ngày đường, đi qua những con dốc cheo leo bên những bờ vực hun hút, mới đặt chân đến thôn Bó Đướt.

Anh Thẳng Tấn Sài (thôn Bó Đướt) đã dẫn phóng viên đi "mục sở thị" những gốc trà Shan tuyết cổ thụ phủ hàng trăm năm tuổi vẫn sừng sững với đại ngàn.

Gốc trà cổ thụ phủ đầy rêu phong

Những cây chè cổ thụ cao chót vót, thân cây to đến vài người ôm, gốc trà phủ kín rong rêu. Trên đó mọc ra những mầm trà mới nhú, xanh mơn mởn.

Việc thu hái những búp chè trên cây cổ rất khó khăn. Những chàng trai bản phải vươn mình, ưỡn dài cả xương sống, vắt vẻo từng cành, với nhặt từng búp. Việc thu hái nếu không cẩn thận rất có thể bị ngã, gây thương tích.

Những búp trà Shan tuyết cổ thụ chất lượng cao

Theo anh Sài, Thượng Sơn được xem là "thủ phủ Trà Shan tuyết cổ thụ". Diện tích trà Shan tuyết cổ thụ hiện có khoảng 200ha, sản lượng trung bình khoảng 3 tấn/ha. Chất lượng trà ở đây được xem là ngon bậc nhất Việt Nam, thậm chí cả thế giới.

Trà Shan tuyết cổ thụ nổi tiếng đến mức những công ty trà của Trung Quốc luôn đặt thương lái thu mua khắp các làng bản. Thậm chí họ còn trả tiền trước cho người dân để đặt mua theo mùa vụ, thậm chí nhiều năm.

Đến vụ, thương lái trực tiếp thuê người đến hái. Sản phẩm được thu mua về để làm ra các dòng trà cao cấp, trà đạo, hồng trà, chiết xuất nước trà hay chế biến rồi xuất sang các nước châu Âu.

Trà Shan Tuyết cổ thụ Thượng Sơn cũng đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Sinh kế người dân gắn với cây trà

Theo người dân địa phương, chè cổ thụ ở đây cho thu hoạch 4 vụ/năm. Vụ thu hoạch đầu tiên trong năm vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 Dương lịch, còn được gọi là vụ chè Xuân (vụ chè ngon nhất trong năm); vụ thứ 2 thu vào tháng 5, 6; vụ thứ 3 vào tháng 8, 9 và vụ cuối, thu vào tháng 12 để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.

Người dân địa phương đang thu hái chè Shan tuyết cổ thụ

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, anh Cáo Dịu Giang, Chủ Hợp tác xã Cáo Gia Trà (thôn Đán Khao, xã Thượng Sơn) cho biết, diện tích trà Shan tuyết cổ thụ hiện có khoảng 200ha, sản lượng trung bình khoảng 3 tấn/ha.

Anh Cáo Dịu Giang đang ngắm những mẻ trà Shan tuyết cổ thụ được sản xuất bằng máy móc

Trước đây, giá thành của sản phẩm rất thấp nên thu nhập của người dân từ cây trà cũng chẳng đáng là bao. Tuy nhiên, khi Trà Shan tuyết cổ thụ Thượng Sơn được nhiều người biết đến thì giá thành cũng được tăng lên, người dân cũng đầu tư vào cây trà nhiều hơn.

Anh Giang cho biết, gia đình anh đầu tư máy móc sản xuất trà khoảng 200 triệu đồng và đầu tư thêm nhà xưởng khoảng 200 triệu đồng. Nhờ có máy móc, quá trình sản xuất được chuyên nghiệp hơn, tạo hương vị đồng đều hơn so với sao chè bằng tay truyền thống.

Chất lượng trà được làm từ máy móc cũng đồng đều hơn so với sao bằng tay

Anh Giang cho biết, hiện nay các đối tác cũng yêu cầu chất lượng cao hơn. Ví như sản phẩm phải đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chí về chất lượng thì mới xuất khẩu được.

Do đó, giá nguyên liệu đầu vào cũng phải được chọn kỹ hơn, mua với giá cao hơn so với trước. Cụ thể, giá trà tươi vụ xuân, loại 1 tôm 1 lá 70k/kg; Bạch trà 230k/kg… "Mỗi năm xưởng của tôi sản xuất ra hàng chục tấn trà Shan cổ thụ chất lượng cao, qua đó tạo công ăn việc làm cho khoảng 5 người", anh Giang nói.

Ông Đặng Văn Hà, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Sơn cho biết, cả xã có 12 thôn bản, với 8 dân tộc thiểu số. Cả xã có 1.226 hộ và tất cả đều trồng và sản xuất trà.

Hiện, tổng diện tích chè của toàn xã là hơn 1.000 ha (trong đó có sản lượng lớn trà Shan tuyết cổ thụ). Sản lượng trung bình mỗi năm khoảng 2.000 tấn. Thị trường lớn nhất vẫn là Trung Quốc. Hiện, nhiều đơn vị cũng đã tìm xuất khẩu sản phẩm ra thị trường khó tính hơn.

Người dân địa phương đầu tư máy móc để sản xuất trà

Cây trà đã giúp cuộc sống của người dân "thay da đổi thịt" từng ngày. Nhờ cây chè mà người dân xây dựng được nhà kiên cố khang trang hơn, trẻ em cũng được đến trường đầy đủ.

Cây Trà Shan tuyết cổ thụ đã tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương

"Cây chè đã góp phần vào xóa đói giảm nghèo của người dân địa phương. Số hộ nghèo trên địa bàn xã đã giảm mạnh, năm ngoái là 58% hộ nghèo xuống còn 47,8%", ông Hà nói.

Ông Hà cho biết thêm, nhà nước đang xây dựng đường giao thông lên xã, dự kiến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành. Hy vọng khi con đường hoàn thành sẽ giúp cho việc giao thương dễ dàng hơn và đời sống người dân cũng được nâng cao hơn.

Thế Hoàng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tra-shan-tuyet-co-thu-tao-sinh-ke-cho-nguoi-dan-tren-dinh-tay-con-linh-301093.html