Trả phí BOT bằng chai tiền lẻ: Tổng cục vào cuộc

Tổng cục đường bộ đang sắp xếp để họp với tỉnh Tiền Giang nhằm đưa ra phương án miễn giảm cho người dân xung quanh trạm BOT Cai Lậy.

Liên quan đến việc nhiều lái xe khi qua trạm thu phí trên Quốc lộ 1A (Cai Lậy, Tiền Giang) đã đưa tiền lẻ 200, 500, 1.000 đồng vo tròn bỏ trong chai nhựa để trả phí, chiều 8/9 Đất Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Ông Huyện khẳng định, ông đã nắm được thông tin về vụ việc qua báo chí và đã yêu cầu Chi cục IV báo cáo.

Theo ông Huyện, người dân hoàn toàn có quyền sử dụng tiền lẻ để trả phí khi qua trạm BOT. Trong trường hợp này, nhân viên thu phí phải tiếp nhận. Nếu số lượng tiền lẻ quá nhiều, trạm BOT có thể mời lái xe sang vị trí lề đường làm việc. Khi kiểm xong tiền và thu đủ thì cho tài xế đi.

Tuy nhiên việc một số lái xe cho tiền lẻ vào trong chai nhựa hay bịch ni lông để làm khó dễ lực lượng chức năng, ông Huyện cho rằng đây là hành động không thể chấp nhận được.

“Lái xe không nên như vậy. Việc cho tiền vào lọ là không được, có ý không hợp tác và địa phương phải có biện pháp xử lý. Trường hợp xử lý lái xe thì phải căn cứ theo nghị định 46 và chính quyền, công an ở đó phải thực hiện”, ông Huyện khẳng định.

Cái tài xế dùng tiền lẻ để mua phí qua trạm BOT Cai Lậy. Ảnh: VNN

Ông Huyện cho rằng người dân muốn có hạ tầng tốt để đi lại thì phải chia sẻ và cùng đóng góp. Trước việc một số lái xe chưa đồng tình và có thái độ phản đối, ông Huyện khẳng định, biện pháp tốt nhất là tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu.

“Theo tôi những hành vi này cũng chỉ là bột phát và chúng ta cần tiến hành tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu chấp hành. Nếu tài xế cố tình quá thì nhân viên trạm thu phí có quyền không phục vụ và yêu cầu lái xe đi vào lề đường”, ông Huyện nói.

Ông Huyện cũng tiết lộ Tổng cục đường bộ Việt Nam đang sắp xếp để họp với tỉnh Tiền Giang nhằm đưa ra phương án miễn giảm cho người dân ở khu vực xung quanh trạm BOT Cai Lậy, phạm vi bán kinh từ 3-5 km.

“Cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và phía nhà đầu tư phải xem xét những vùng ảnh hưởng lân cận để có mức thu phí thỏa đáng trên tinh thần chia sẻ với nhau”, ông Huyện khẳng định.

Cùng ngày trao đổi với Đất Việt, một đại diện của UB ATGT tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng việc lái xe cho tiền lẻ vào trong các chai nhựa khi qua trạm BOT là việc làm khó chấp nhận.

“Những người dùng tiền lẻ nhồi vào chai cần phải xử lý. Chúng ta phải có luật và xử lý nghiêm”, vị đại diện nói.

Trong khi đó, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Phú Hiệp (Giám đốc Công ty TNHH BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang) cho biết những ngày qua các nhân viên thu phí của trạm và lực lượng chức năng đã tập trung cao độ để đảm bảo giao thông đi lại thông suốt, không xảy ra tình trạng tắc đường.

“Hôm 6/8 chúng tôi ghi nhận 3 chiếc xe ở Tiền Giang tập trung tại trạm. Thời điểm trên, các lái xe dự định đưa tiền lẻ đẻ kéo dài thời gian. Khi đó chúng tôi đã mời cả 3 xe táp vào làn để nhân viên thu phí đếm. Khi đếm đủ thì cho họ đi. Từ hôm đấy đến giờ vẫn tốt, chưa xảy ra vấn đề gì cả”, ông Hiệp khẳng định.

Ông Nguyễn Phú Hiệp cho hay, trạm BOT chỉ tổ chức hoạt động phân luồng để làm sao đảm bảo giao thông thông suốt không ùn tắc. Còn việc lái xe cố tình gây ùn tắc, xử lý như thế nào thì trách nhiệm thuộc các cơ quan chức năng của tỉnh.

Hành vi cản trở giao thông

LS Trương Xuân Tám - Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc cho rằng khi lái xe đi qua trạm thu phí có quyền đưa tiền lẻ và việc này không có gì sai trái cả. Tuy nhiên việc một số người dân cho tiền lẻ vào trong các chai nhựa hay túi ni lông là điều không đúng và nhân viên trạm thu phí có quyền từ chối không nhận.

“Nếu lái xe cố tình đưa tiền vào đó và cơ quan chức năng chứng minh được đây là hành vi cản trở, làm cho ùn tắc giao thông thì trước hết phải xử lý hành vi vi phạm về giao thông.

Nếu lái xe cố tình và nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính vẫn tái phạm thì trường hợp đó mới có thể xem xét khởi tố hình sự”, LS Tám nhấn mạnh.

Trường hợp vi phạm quy định về trật tự công cộng, gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức thì theo điều 5, nghị định 67 có thể bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng.

LS Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND Tối cao cũng không đồng tình với cách ứng xử của một số lái xe khi đi qua trạm BOT Cai Lậy. Ông Hùng cho rằng đây là hành vi vi phạm về mặt pháp luật, về mặt đạo đức.

Tuy nhiên theo nhận định của ông Hùng, nghị định 67 về xử phạt hành chính, chúng ta chưa nhắc đến hành vi này. Từ những vụ việc này, ông Hùng kiến nghị các nhà làm luật phải xem xét để bổ sung vào làm căn cứ xử phạt theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Hoàn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tra-phi-bot-bang-chai-tien-le-tong-cuc-vao-cuoc-3340817/