Trả nợ gốc và lãi vốn vay ODA khoảng 1 tỷ USD mỗi năm

Tại cuộc họp báo chuyên đề thường kỳ chiều 25/10, đại diện Bộ Tài chính cho biết, tính bình quân dự toán trả nợ gốc và lãi vốn vay ODA khoảng 1 tỷ USD.

Tại cuộc họp báo chuyên đề thường kỳ chiều 25/10, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết vốn ODA huy động trong 9 tháng năm 350,5 nghìn tỷ đồng tương đương 77,5% so với kế hoạch của năm. Nghĩa vụ trả nợ các khoản vay trong nước hiện nay 58 nghìn tỷ đồng, khoản vay nước ngoài 9.900 tỷ đồng.

Lãnh đạo Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho rằng con số vay này cho đến nay vẫn nằm trong hạn mức năm của chính phủ.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, bình quân dự toán trả gốc và lãi vốn ODA khoảng 1 tỷ USD mỗi năm.

Hiện Việt Nam phải vay khoản mới để trả nợ khoản vay cũ. Lý giải điều này, Phó Cục trưởng Cục quản lý nợ cho biết nhiều nước coi trả nợ gốc là phần quan trọng và thực hiện vay mới để trả nợ cũ, đặc biệt là nước có thị trường phát triển như Mỹ, Nhật Bản.

“Tuy nhiên Việt Nam chưa được chuyên nghiệp như các nước trên hàng năm vẫn dùng ngân sách Nhà nước để đáp ứng trả nợ, trong những năm gần đây buộc phải vay mới trả cũ thực hiện để đảm bảo cân đối trả nợ”, ông Hoàng Hải nói.

Ông Hoàng Hải phát biểu tại cuộc họp báo

Từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt. Từ thời hạn vay bình quân từ khoảng 30-40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7-0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn (giai đoạn trước 2010) đến thời hạn vay bình quân chỉ còn từ 10- 25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay, với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên (giai đoạn 2011-2015). Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp.

Dự kiến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2%-3,5%.

Về lo ngại, Việt Nam có thể bị cắt giảm vay ưu đãi vào tháng 7 năm sau, ông Hải cho biết Ngân hàng thế giới sẽ họp lại và quyết định Việt Nam cùng một số quốc gia khác còn thuộc nhóm IDA hay không. Nếu Ngân hàng thế giới xác định Việt Nam đủ điều kiện tốt nghiệp IDA thì khả năng không còn được vay theo điều kiện ODA.

Bộ Tài chính cũng cho biết trong báo cáo nợ công 5 năm giai đoạn 2016-2020, xác định trả nợ bao nhiêu, Chính phủ chỉ đạo Bộ tài chính, đảm bảo cân đối tổng thể trong cân đối trả nợ Chính phủ

Tuy nhiên, gần đây, khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, các khoản vay ODA ngay càng giảm dần, vay ưu đãi ngày càng gia tăng. Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành đã đưa ra các khuyến nghị để các chủ dự án cân nhắc tính toán dự án có khả năng trả nợ hay không.

Quản lý tài chính các dự án sử dụng vay vốn nước ngoài

Bộ Tài chính cho biết, một vấn đề quan trọng, trước kia các dự án chỉ đăng ký tượng trưng về vay vốn ODA mà không quan tâm đến kế hoạch thực hiện, điều này làm giảm hiệu quả của việc sử dụng vốn vay.

Để việc thực hiện giải quyết các vướng mắc trong quản lý tài chính các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 111/2016 quy định về quản lý tài chính trong giai đoạn tới, trong đó quy định rõ về khâu lập kế hoạch, kiểm soát chi, quản lý giải ngân.

Thông tư 111 cũng quy định rõ về quy trình hạch toán Ngân sách Nhà nước. Nêu rõ, nguyên tắc hạch toán và quy trình hoạch toán giữa chủ dự án, kho bạc Nhà nước và cơ quan tài chính cấp 1.

Bộ Tài chính cho biết, việc quy định rõ về quy trình xác định cơ chế tài chính, cơ chế giải ngân theo kế hoạch vốn được giao, quy trình hạch toán ngân sách mới sẽ tạo điều kiện cho các Bộ, ngành địa phương nâng cao trách nhiệm trong tăng cường công tác quản lý tài chính, thúc đẩy tăng tỷ lệ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay nước ngoài.

“Việc quản lý tài chính, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn vay là yêu cầu cấp thiết. Lâu nay các dự án đều khó khăn, chậm kết quả thu chi, hạch toán phát sinh ảnh hưởng đến dự án và giải ngân vốn vay”, ông Hoàng Hải nhấn mạnh đồng thời khẳng định việc nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại.

Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cũng cho biết đang trình Chính phủ để ban hành Nghị quyết của Chính phủ về cho vay lại đối với các địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/binh-quan-tra-no-goc-va-lai-von-vay-oda-cua-viet-nam-khoang-1-ty-usd-20161025054058900p0c4.news