Trả lương qua tài khoản: 'Ngon' nhưng không dễ 'ăn'!

(VietNamNet) - Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trả lương qua tài khoản đã mang lại một cơ hội rất lớn cho các ngân hàng (NH) - một khu vực thị trường hấp dẫn đã được mở ra. Tuy nhiên, để làm tốt và thu được lợi từ dịch vụ này không phải là dễ và không phải NH nào cũng làm được.

Tranh nhau giới thiệu dịch vụ Các Bộ cũng như một số đơn vị ở Hà Nội đang nhận được rất nhiều lời đề nghị hỗ trợ trả lương qua tài khoản với các ưu đãi. Thậm chí, để giới thiệu dịch vụ, NH Công thương đã không ngần ngại cử cán bộ quản lý đến những đơn vị có vài chục người để hướng dẫn và giới thiệu dịch vu, rồi cắt cử nhân viên tư vấn khách hàng, khi cần có thể gọi vào máy di động cá nhân không phải chờ đường dây tư vấn. Trong khi đó, NH Ngoại thương (VCB) đã có kinh nghiệm trả lương qua tài khoản cho DN với con số hiện tại là hơn 3.000 khách hàng. Với chỉ thị mới, VCB cũng không bỏ qua cơ hội và đang tiếp thị hướng vào cơ quan hành chính Nhà nước. Ngay sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng, NH Đầu tư (BIDV) cũng đã có văn bản gửi đến các UBND tỉnh để giới thiệu các dịch vụ và đề nghị hợp tác với những ưu đãi như khuyến mãi miễn phí thẻ, miễn phí thanh toán lương và miễn phí hỗ trợ tin nhắn vấn tin tài khoản. Bà Đào Bích Diệp, Ban dịch vụ - BIDV cho biết, ngoài việc thực hiện trả lương qua tài khoản cho các DN, BIDV đã có kinh nghiệm trả lương cho các đơn vị hành chính lớn như Đại học Bách khoa, Bệnh viện Bạch Mai... nên việc triển khai mở rộng sẽ không có nhiều khó khăn. Đối với khối NH cổ phần, việc tiếp thị cũng hết sức sôi động. Ông Đinh Việt Cường - Giám đốc Trung tâm Thẻ và Dịch vụ tiêu dùng cá nhân Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) cho biết hiện đã có một số khách hàng lớn như các bộ, ngành (Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp…) các viện nghiên cứu (Viện Khoa học Công nghệ, Viện Vật lý,…), trường học, bệnh viện… Techcombank cũng miễn phí phát hành cả thẻ nội địa và thẻ quốc tế Visa, ưu đãi các phí trả lương qua tài khoản, phí duy trì tài khoản... Trong khi đó, NH Quốc tế (VIB Bank) cho biết, nhân dịp này họ cũng đang cố gắng gia tăng số lượng khách hàng trả lương qua tài khoản. Giữ đất phát triển dịch vụ bán lẻ Hầu hết các NH cho biết, đối với dịch vụ trả lương qua tài khoản hiện nay chưa thể tính đến chuyện có thu được lợi nhuận trực tiếp. Đa số các NH đều đang miễn phí dịch vụ, khuyến mãi phát hành thẻ, cung cấp dịch vụ hỗ trợ không thu tiền khách hàng... Tuy nhiên, đại diện VCB thừa nhận, dù không có lợi nhuận trực tiếp nhưng NH nào cũng kiếm lợi cả trước mắt và dài hạn. Trước mắt là chuyện tận dụng nguồn tiền nhàn rỗi dư trong các tài khoản. Hiện VCB có 3.000 DN đang ủy thác trả lương qua tài khoản, số thẻ Connect 24 cũng hơn 2 triệu thẻ. Chỉ cần mỗi tài khoản có số dư trung bình 1 triệu đồng cũng là một nguồn tiền đáng kể. Tuy nhiên, mục tiêu dài hạn các NH mong muốn chính là lượng khách hàng lớn để phát triển dịch vụ bán lẻ. Khối hành chính sự nghiệp với hàng triệu khách hàng mà các NH thèm muốn, khai thác lâu nay chưa hiệu quả, nay đã được mở toang. Các NH bây giờ chỉ còn lo tiếp thị "gom" được nhiều khách hàng càng tốt để tìm địa dư phát triển các dịch vụ bán lẻ cá nhân. Vì thế, đi kèm với dịch vụ trả lương qua tài khoản, các NH đều cố làm dày thêm các dịch vụ hỗ trợ thanh toán đi kèm. Bà Đào Bích Diệp - BIDV cho biết, hiện BIDV đã có nhiều dịch vụ như thanh toán hóa đơn điện nước, nộp tiền điện thoại, dịch vụ thu tiền hộ... có thể đi kèm với dịch vụ trả lương qua tài khoản để hỗ trợ khách hàng và nâng cao giá trị gia tăng. BIDV dự kiến sẽ có sản phẩm dịch vụ mang tính trọn gói để cung cấp cho các bộ hành chính sự nghiệp. Trong đó có thể có rất nhiều dịch vụ như thanh toán hộ, thấu chi, vay thế chấp theo lương hay cho vay mua nhà - ôtô. Techcombank có hàng loạt dịch vụ có thể phát triển trên các tài khoản trả lương như: truy vấn thông tin tài khoản từ xa, thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, điện thoại... cho phép khách hàng chi tiêu vượt quá số dư trên tài khoản, tối đa đến 5 tháng lương. Khách hàng cũng có thể đăng ký chuyển một khoản tiền nhất định hàng tháng và một tài khoản tiết kiệm cá nhân để hưởng lãi suất tiết kiệm cao hơn, có thể giao dịch chuyển tiền qua mạng internet hoặc thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ qua tin nhắn di động. VIB Bank cung cấp các dịch vụ gia tăng như: được thấu chi tài khoản lương, có thể kết nối tới tài khoản ngoại tệ… Đại diện VCB cho rằng, với việc mở rộng trả lương qua tài khoản sẽ thúc đẩy việc đưa các thẻ ATM thoát khỏi chức năng nguyên thủy và nhàm chán hiện này là để rút tiền. Với chiếc thẻ và các dịch vụ gia tăng do NH cung cấp khách hàng có thể sẽ không phải dùng tiền mặt cho khác khoản chi tiêu mà trước mắt là các khoản thanh toán định kỳ, các món chi tiêu lớn và thậm chí thanh toán khi đi nước ngoài. Các NH sẽ kiếm lợi từ các dịch vụ này và vì thế không có gì lạ khi NH đang đua nhau chiếm lấy miếng đất phát triển dịch vụ bán lẻ. Không phải ai cũng dễ làm Một chuyên gia công nghệ NH cho biết, trả lương qua tài khoản không thể chỉ đơn giản là chuyển tiền. Nếu như thế chắc chả mấy NH mặn mà. Còn nếu muốn kiếm lãi từ hoạt động này thì việc đầu tư lớn cho hạ tầng công nghệ, hệ thống phân phối, nhân lực và phát triển dịch vụ... rồi mới có thể nghĩ đến chuyện thu tiền lẻ từ các dịch vụ cá nhân. Bà Đào Bích Diệp cho biết, hiện BIDV đang đầu tư mạnh để hoàn thiện hạ tầng công nghệ theo mô hình "ngân hàng cốt lõi". Với mô hình này, toàn hệ thống BIDV đều có thể sử dụng chung một kho dữ liệu. Tất cả các dịch vụ và giao dịch đều thống nhất theo những quy chuẩn mà cả nhân viên và khách hàng đều có thể dễ dàng sử dụng và phải đảm bảo tính bảo mật cao. Giả sử NH có được một lượng khách hàng lớn, hàng ngàn đơn vị hành chính và DN với số khách hàng cá nhân hàng triệu người thì số lượng giao dịch sẽ cực kỳ lớn, nếu không có một hạ tầng công nghệ tốt chắc chắn sẽ không thể đáp ứng được một cách chính xác và nhanh chóng. Bên cạnh đó, thực tế này cũng đòi hỏi xây dựng một quy trình nghiệp vụ và đào tạo nhân lực rất quy chuẩn. Làm sao mỗi khách hàng chỉ cần gặp một giao dịch viên là có thể nhanh chóng đáp ứng tất cả các yêu cầu dịch vụ. Không thể một dịch vụ mà khách hàng phải đi qua 3-4 cửa. Một điều kiện khác để có thể tham gia dịch vụ trả lương qua tài khoản là hệ thống phân phối từ các điểm giao dịch, các máy ATM cho đến các điểm chấp nhận thanh toán thẻ. Phải thừa nhận điều này là thế mạnh đang thuộc về các NH quốc doanh và rất ít NH cổ phần có thể cạnh tranh. Trong các NH cổ phần thì chỉ có một số ít các NH đã có đầu tư cho công nghệ, có hệ thống phân phối đủ để có thể tham gia vào cạnh tranh trả lương qua tài khoản như: Techcombank, VIB bank, Đông Á. Tuy nhiên, ngoại trừ Đông Á đã khẳng định được mình, đa số các NH còn lại đều có hệ thống phân phối khá hạn chế, số thẻ và máy ATM còn ít và chủ yếu trông chờ vào sự liên thông trong các liên minh thẻ. Vì thế, sẽ có rất nhiều bất lợi cho các NH nhỏ này vì đa số yếu tố đầu tiên trong chọn lựa của khách hàng chính là sự tiện lợi trong giao dịch. Ngoài ra, còn vô số các điều kiện khác về kinh tế và cả xã hội mà không dễ gì các NH mới và nhỏ có thể đáp ứng được. Vì thế, thị trường đã mở nhưng sẽ chỉ có một số NH có thể vào và rất ít trong số đó có thể thành công, thu được lợi nhuận từ việc trả lương qua tài khoản.

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/kinhte/2007/09/742987/