Trả lại thuở ban đầu cho đầm Ô Loan

Lẻ loi như cụm núi Sầm

Người dân thu dọn lờ bóng Thái Lan ở đầm Ô Loan. Ảnh: LÊ TRÂM

Thản nhiên như mặt nước đầm Ô Loan (ca dao)

Không chỉ thản niên, nước lặng như tờ…, mà Ô Loan còn làm nên thương hiệu sản vật Việt Nam nổi tiếng sò huyết Ô Loan. Thế nhưng giờ đây, đầm Ô Loan đang lâm vào tình trạng ô nhiễm nặng khiến loài hải sản ngon nức tiếng này gần như cạn kiệt.

Trước thực trạng nhiều người sử dụng ngư cụ cấm để khai thác hải sản và dùng que đăng, lưới mùng, cọc thả nuôi vẹm cháy, hàu gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ghe thuyền và môi trường sinh thái đầm Ô Loan, cơ quan chức năng huyện Tuy An vừa phối hợp chính quyền các xã An Cư, An Hiệp, An Hòa Hải và An Ninh Đông kiểm tra thực địa, phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm, nhằm trả lại mặt nước như thuở ban đầu cho danh lam thắng cảnh quốc gia này.

Hải sản cạn kiệt

Chiều mát, ông Bùi Văn Tấn cùng tốp người ở xã An Hòa Hải đạp xe trên đường bê tông ven đầm Ô Loan đến đoạn qua xã An Hiệp. Ngồi nghỉ ngắm nhìn danh thắng quốc gia, ông Tấn than phiền: Cọc tre cắm nuôi hàu dày đặc, nhìn mặt đầm giống như bãi chông.

Nhiều người còn cắm cọc tre thành que đăng giăng lưới mùng dưới đáy để con vẹm cháy đu bám, đến kỳ thu hoạch bán làm thức ăn cho tôm hùm. Do lưới mùng giăng dày dưới đáy, bùn non bám vào cản trở dòng chảy, làm cho nước ô nhiễm, gió thổi vào mang theo mùi hôi tanh.

Bà Lê Thị Mười Em ở xã An Hiệp cho biết: Lờ bóng Thái Lan, còn gọi là lờ “12 cửa ngục”. Các loại hải sản tôm, cua, cá từ con nhỏ bằng chân nhang đến con lớn hễ chui vô lờ là không có đường ra. Mấy năm trước địa phương đã đi gom lờ bóng này tiêu hủy, nhưng sau một thời gian nhiều người thả lại.

Ngồi phơi rau câu ven đầm, bà Nguyễn Thị Thắm ở xã An Cư cho rằng, thường năm nào đầm đói, ít có cá tôm thì rau câu nổi lên mặt nước nhiều. Ngược lại, đầm no, cá cua xuất hiện nhiều ăn hết rau câu.

Chồng bà Thắm mất cách đây 10 năm. Hằng ngày bà tự bơi sõng ra đầm đánh bắt cá, tôm… nuôi con vào đại học. Những ngày qua vì thả lưới không có cua, cá nên bà Thắm bơi sõng ra đầm vớt rau câu rồi đem vô bờ phơi. Cứ mỗi sõng rau câu tươi phơi khô 3 nắng còn 40kg, bán với giá 4.000 đồng/kg.

Theo nhiều người dân mưu sinh bằng nghề thả lưới ở đầm Ô Loan, chưa năm nào đầm đói như năm nay. Nếu như trước đây mỗi đêm bắt 1-2kg tôm đất, thì nay chỉ được 1-2 lạng; còn cua gạch, dù thức đêm đỏ mắt cũng không tìm ra loại cua này. Cua y cũng rất hiếm.

“Các loài hải sản quý trong đầm như lịch huyết, sò huyết… cạn kiệt, gần như không còn. Chỗ nào cũng lờ bóng thả xuống đánh bắt thì cua, tôm, cá nào kịp lớn. Lại thêm cọc tre, lưới mùng giăng dày đặc dưới đáy thì còn chỗ nào tôm cá sinh sôi”, bà Thắm ngậm ngùi.

Cọc tre cắm dày đặc như bãi chông ở đầm Ô Loan. Ảnh: LÊ TRÂM

Mạnh tay giải tỏa lờ bóng, cọc tre, lưới mùng

Những ngày qua, các xã ven đầm Ô Loan đồng loạt ra quân giải tỏa cọc tre, lưới mùng cắm thành que đăng trên đầm. Trên tuyến đường bê tông đoạn qua xã An Hiệp, nhiều người qua lại dừng chân đọc dòng chữ trên tấm băng rôn: UBND xã An Hiệp đề nghị các hộ đánh bắt, khai thác thủy sản và nuôi trồng bằng lờ bóng Thái Lan, giăng mùng nuôi vẹm, ốc và cắm cọc nuôi hàu ở đầm Ô Loan phải tự tháo dỡ các vật dụng, trả lại mặt nước đầm thông thoáng như trước đây, trước ngày 15/4.

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã An Cư, ngoài treo băng rôn, chính quyền địa phương đã gửi thông báo đến từng hộ ngư dân về việc giải tỏa cọc tre, lưới mùng cắm thành que đăng nuôi vẹm cháy, nuôi hàu và các ngư cụ cấm ở đầm Ô Loan.

“Sau khi đi kiểm tra thực tế, lập danh sách, UBND xã thông báo đến tất cả các hộ dân biết và yêu cầu những hộ có vi phạm phải tự tháo dỡ toàn bộ, trước ngày 15/4. Nếu quá thời gian trên không thực hiện, UBND xã tiến hành tháo dỡ, giải tỏa và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, mức xử phạt từ 2-30 triệu đồng”, ông Dũng thông tin.

Những năm trước, chính quyền các xã ven đầm Ô Loan cũng đã tổ chức tháo gỡ, dỡ bỏ hàng ngàn que đăng (mỗi hàng que đăng dài khoảng 100m), cọc giăng lưới mùng của các hộ dân làm công cụ thả nuôi thủy sản trái phép trong đầm; thu giữ, xử lý hơn 5.000 chiếc lờ bóng Thái Lan.

Đầu năm 2024, cơ quan chức năng của huyện phối hợp với chính quyền các xã ven đầm kiểm tra thực địa, phát hiện nhiều trường hợp vi phạm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ghe thuyền và môi trường sinh thái đầm Ô Loan.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Tuy An, lãnh đạo huyện đã chủ trì buổi làm việc với chính quyền các xã ven đầm và các phòng, ban liên quan. Theo đó, UBND huyện giao UBND các xã rà soát, lập danh sách các hộ dân dùng cọc gỗ đóng chìm dưới mặt nước đầm để giăng mùng nuôi ốc cháy trái phép; tuyên truyền vận động các hộ dân cam kết tự tháo dỡ. Nếu hộ nào tái phạm sẽ xử lý theo pháp luật...

Cọc tre cắm nuôi hàu dày đặc, nhìn mặt đầm giống như bãi chông. Nhiều người còn cắm cọc tre thành que đăng giăng lưới mùng dưới đáy để con vẹm cháy đu bám, đến kỳ thu hoạch bán làm thức ăn cho tôm hùm. Do lưới mùng giăng dày dưới đáy, bùn non bám vào cản trở dòng chảy, làm cho nước ô nhiễm, gió thổi vào mang theo mùi hôi tanh.

Ông Bùi Văn Tấn, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An

MNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/315343/tra-lai-thuo-ban-dau-cho-dam-o-loan.html