Trả lại kỳ nghỉ hè cho trẻ (Kỳ 2)

Mỗi dịp hè về, câu chuyện sân chơi cho trẻ lại nóng lên. Điểm vui chơi công cộng thiếu, môi trường ngột ngạt dẫn tới thực trạng trẻ có xu hướng thụ động khi ngồi nhà xem tivi, chơi game, mạng xã hội… ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe tinh thần cũng như thể lực của trẻ.

KỲ 2: GIẢI BÀI TOÁN THIẾU SÂN CHƠI CHO TRẺ EM

Phát huy vai trò nhà văn hóa cơ sở

Tại thành thị, ngày hè trẻ vui chơi ở đâu luôn là nỗi lo của nhiều người khi sân chơi bị chiếm dụng, ngày càng bị bó hẹp.

"Hiện sân chơi trong nội đô TP Hà Nội chỉ đạt 1,7m2/người, thấp hơn mức bình quân. Còn nếu về không gian xanh công cộng gồm cây xanh hè phố và những nơi khác nữa thì Hà Nội mới đạt 5m2, trong khi tối thiểu phải đạt 7m2.

Thư viện làng Yên Sở luôn thu hút đông đảo bạn nhỏ đến đọc sách.

Mục tiêu thành phố phấn đấu 12 - 15m2 cây xanh/người thì rõ ràng là không đạt", TS, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ.

Tình trạng thiếu sân chơi, địa điểm vui chơi cho trẻ em có nguyên nhân chủ yếu từ công tác quy hoạch còn hạn chế, kinh phí đầu tư cho các công trình còn ít so với nhu cầu, thiếu quy định về phân bổ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng tổ chức hoạt động vui chơi văn hóa cho trẻ em.

Nhiều sân chơi bị người lớn chiếm dụng, bị hàng quán, chợ cóc, bãi xe lấn chiếm.

Sân chơi không đảm bảo an toàn cho các em như thiếu ánh sáng, quá gần đường giao thông mà không có rào chắn, hoặc quá xa khu dân cư dẫn tới trẻ bị mất an toàn, trẻ có thể bị quấy rối, bắt nạt, xâm hại. Nhưng bên cạnh đó cũng có những nơi công trình hàng chục tỷ đồng bị bỏ hoang...

Trẻ em khao khát có chỗ chơi ngày hè. Trách nhiệm của người lớn là cần quan tâm tới nhu cầu vui chơi của các em hơn. Để giải bài toán thiếu sân chơi ngày hè cho trẻ, mô hình nhà văn hóa cơ sở đang được nhiều địa phương phát huy.

Trên thực tế, mô hình nhà văn hóa này cơ bản đáp ứng yêu cầu hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí nếu địa phương quan tâm chăm lo thực sự tới nhu cầu của các em nhỏ.

Thư viện làng Yên Sở (xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội) nằm trong khuôn viên nhà văn hóa, là điểm đến quen thuộc của nhiều em nhỏ.

Thư viện đi vào hoạt động từ năm 2019, có đủ đèn, quạt, bàn, ghế... đặc biệt là tủ sách với hơn 3.000 đầu sách. Đây là một trong những điểm đến hấp dẫn các bạn nhỏ trong dịp hè.

Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thể thao huyện Thanh Oai (Hà Nội) Trần Văn Lợi, các thôn của huyện cơ bản đều có nhà văn hóa. Không chỉ là nơi hội họp, nhà văn hóa còn là nơi luyện tập, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, liên hoan văn nghệ quần chúng, thi đấu thể thao.

Một số nhà văn hóa thôn còn mở các lớp tập yoga, bóng bàn, cờ tướng... Những nhà văn hóa có khuôn viên vườn hoa, cây xanh và nhiều thiết bị thể dục thể thao thường thu hút nhiều người dân và các em nhỏ tới đi bộ, thể dục, đạp xe hoặc hóng mát... đặc biệt là ngày hè.

Huy động cộng đồng làm sân chơi tái chế cho trẻ em.bb

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, toàn thành phố có 4.334 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng của thôn, tổ dân phố. Nhiều nhà văn hóa ở khu vực nông thôn có diện tích lớn hơn khu vực nội thành, có hội trường, khu vệ sinh, nhà xe, sân thể thao, trang thiết bị cơ bản.

Một số nhà văn hóa có khuôn viên rộng và huy động được nguồn lực xã hội hóa để đầu tư trang bị xà đơn, xà kép và một số thiết bị thể thao ngoài trời khác.

Vào mỗi dịp hè, các nhà trường đều có giấy chuyển sinh hoạt đoàn, đội của học sinh về địa phương quản lý. Tuy nhiên, tại khu vực nông thôn, do nhiều em hoàn cảnh khó khăn, nghỉ hè phải phụ giúp gia đình nên chưa mặn mà tham gia sinh hoạt.

Anh Nguyễn Hoàng Vương, Bí thư Xã đoàn Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam, Ninh Thuận) cho biết, ngày hè đúng ngày mùa nên tùy theo sức khỏe, lứa tuổi mà các em giúp đỡ cha mẹ việc nhà.

Vì thế tỷ lệ tham gia sinh hoạt tập trung chỉ đạt khoảng 50%. Hơn nữa, kinh phí ở địa phương còn khiêm tốn nên chưa có nhiều hoạt động sôi nổi.

Tại khu vực nông thôn, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, phụ huynh dường như ít quan tâm đến việc con mình chơi gì, chơi ở đâu, chơi như thế nào trong kỳ nghỉ hè. Hơn nữa, các hoạt động hè dành cho lứa tuổi thanh, thiếu nhi ở nông thôn còn quá ít và không phù hợp nhu cầu thực tế.

Vì thế, bên cạnh việc củng cố hoạt động đoàn cơ sở, rất cần sự đầu tư về trang thiết bị, sân chơi để phát huy công năng của nhà văn hóa, để không chỉ giúp các em được vui chơi thỏa thích mà còn tạo cơ hội cho trẻ được học hỏi, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và phát triển bản thân thông qua hoạt động tập thể.

Tăng cường vai trò các tổ chức, đoàn thể tại địa phương

Hằng năm, sau khi kết thúc năm học, Sở GD&ĐT các địa phương yêu cầu nhà trường chủ động phối hợp với Đoàn Thanh niên địa phương xây dựng kế hoạch hoạt động hè. Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An từng chia sẻ, kỳ nghỉ hè sau một năm học kéo dài căng thẳng là dịp để học sinh được nghỉ ngơi, vui chơi đúng nghĩa.

Thay vì cho con đi học toán, văn, ngoại ngữ, phụ huynh nên cho con tham gia tập luyện thể thao, đi chơi, tham gia hoạt động rèn kỹ năng sống để các em vừa được tập luyện, vừa được vui chơi với bạn bè. Điều quan trọng là cha mẹ cần chú trọng tính an toàn, đảm bảo sức khỏe cho con, nhất là trong những ngày nắng nóng.

TS tâm lý học Lê Tiến Hùng, nguyên giảng viên Khoa Tâm lý học - Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, nghỉ hè quan trọng là cho trẻ "nghỉ”. Tuy nhiên, đây cũng là thời gian chuẩn bị "hành trang" cho con bước vào năm học tiếp theo nên ngoài thời gian vui chơi cũng nên khuyên trẻ dành một quỹ thời gian cho việc ôn tập. Có thể cho trẻ đi học hè nhưng chỉ nên học hai buổi/tuần và cũng chủ yếu ôn tập lại bài cũ, nắm chắc kiến thức đã học.

Chuyên gia tâm lý, TS Vũ Thu Hương lưu ý phụ huynh cần dạy con vấn đề an toàn trong dịp hè. “Nhiều gia đình cho con về quê nhưng ông bà không để ý nên các con có thể bị đuối nước, hỏa hoạn, bị xâm hại. Trẻ em ở thành phố cũng gặp rất nhiều vấn đề như tai nạn thang máy, thang bộ, ngã từ tầng cao xuống...”, TS Hương cảnh báo.

Còn PGS, TS Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục đề xuất: "Để giáo dục một đứa trẻ chúng ta cần cả một ngôi làng. Với những gia đình bận rộn, chúng ta có thể thiết lập liên gia canh gác và quản lý hoạt động cho trẻ. Nghỉ hè không có nghĩa là hoạt động giáo dục dừng lại".

Cần khích lệ trẻ tham gia nhiều trò chơi tập thể như bóng đá, cầu lông, đạp xe...

Theo ông Nam, nhà trường cần có kế hoạch trao đổi tập huấn cho cha mẹ kỹ năng quản lý con cái trong thời gian nghỉ hè, lôi kéo gia đình tham gia vào các quyết định tổ chức hoạt động trải nghiệm cho con trong thời gian hè.

Trường không dạy học nhưng hoàn toàn có thể gợi ý khung chương trình hoạt động cho từng độ tuổi, giám sát chất lượng chương trình, nội dung hoạt động trải nghiệm và thậm chí cả chuẩn năng lực cần hình thành theo khối lớp phù hợp giúp các em vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống.

Cùng với đó, cộng đồng địa phương tăng cường các biện pháp giám sát hoạt động của học sinh trên địa bàn, tuyến phố, giám sát các dịch vụ như game online.

Thực hiện liên gia canh gác an ninh khu phố, không gian sân chơi chung cùng với công an khu vực. Các tổ chức xã hội và đoàn thể địa phương tăng cường phát triển các hoạt động câu lạc bộ sở thích, các nhóm chương trình hoạt động giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống.

Ngoài ra, thời điểm nghỉ hè cũng giúp con trẻ có cơ hội được trải nghiệm việc nhà, thậm chí, trẻ lớn có thể đi làm thêm để hiểu hơn giá trị của sức lao động, sống có trách nhiệm hơn.

Đồng quan điểm, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) gợi ý, cần tăng cường vai trò của đoàn thanh niên các cấp trong việc phối hợp cùng nhà trường và cơ quan, đoàn thể địa phương tổ chức nhiều hơn các sân chơi hè cho trẻ em, bảo đảm vui, khỏe, an toàn, bổ ích.

Hoạt động nào cần kinh phí thì kêu gọi sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và phụ huynh… Có như vậy, các em mới có một mùa hè thật sự an toàn, bổ ích và phụ huynh cũng vơi bớt nỗi lo.

Theo các chuyên gia, trẻ được vui chơi sẽ tạo điều kiện giao lưu về ngôn ngữ, thông tin, kiến thức. Từ đó, trẻ phát triển cả về thể chất và tinh thần, góp phần quan trọng cho sự hình thành nhân cách của trẻ. Thực tế cho thấy, những đứa trẻ được vui chơi hợp lý sẽ có khả năng giao tiếp tốt và tự tin hơn để có sự phát triển lành mạnh về mặt tâm lý.

Vân Khánh

Báo Lao động Xã hội số 56

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/tra-lai-ky-nghi-he-cho-tre-ky-2-20240509133110397.htm