TPHCM: Ùn tắc giao thông làm thiệt hại hơn 132 ngàn tỷ đồng mỗi năm

Ngày 12-7, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM - Phan Công Bằng cho biết, TPHCM chịu áp lực về hệ thống giao thông (GT) rất lớn, theo đánh giá là địa phương ùn tắc giao thông (UTGT) nghiêm trọng, mỗi năm thiệt hại khoảng 6 tỷ USD (ước tính hơn 132 ngàn tỷ đồng). Thực tế trên đặt ra vấn đề TPHCM cần đưa ra giải pháp gì trong thời gian tới để hạn chế tình trạng này?

Mỗi tháng trung bình thiệt hại cả chục ngàn tỷ đồng

Tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng với UBND TPHCM (UBNDTP) ngày 12-7, theo ông Phan Công Bằng - Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM, mỗi năm tình trạng UTGT gây thiệt hại 6 tỷ USD. Như vậy, tính bình quân mỗi tháng UTGT làm thiệt hại hơn 11.000 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày thiệt hại hơn 366 triệu đồng, mỗi giờ qua đi thiệt hại hơn 15 triệu.

Làm việc với UBNDTP về thực hiện Nghị quyết 53/2005 và Kết luận 27/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam bộ (ĐNB) và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đặt vấn đề về tác động của UTGT đối với sự phát triển của TPHCM. Trong năm 2020, thành phố (TP) có 18 điểm nguy cơ UTGT (giảm từ 22 điểm của năm 2019), tập trung tại khu vực (KV) Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, KV Cảng Cát Lái, KV trung tâm và cửa ngõ.

Chủ tịch UBNDTP Phan Văn Mãi cho biết, TP đang triển khai đề án tổ chức lại GT công cộng để tác động hành vi, thói quen tham gia GT của người dân. Việc tổ chức lại hệ thống metro cần cách tiếp cận khác, nếu làm rời rạc từng tuyến như hiện nay thì tới năm 2045 cũng không xong, mà xong cũng khó phát huy được.

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu

Kết nối giao thông vùng kinh tế trọng điểm

Theo Sở KH-ĐT TPHCM, với vị trí địa lý thuận lợi, TPHCM nằm ở vùng chuyển tiếp giữa ĐNB và Tây Nam bộ, vị trí trung tâm của KV Đông Nam Á, cửa ngõ giao lưu quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư và trở thành đầu mối giao lưu với các vùng trong cả nước lẫn quốc tế, giữ vai trò quan trọng trong phát triển vùng.

Giai đoạn 2016 - 2020, TPHCM đóng góp cao nhất vào tốc độ tăng trưởng của vùng ĐNB và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với 3,48 điểm phần trăm, các địa phương còn lại của vùng ĐNB đóng góp 2,03 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng 5,51% của cả vùng. TPHCM có sức hút và sức lan tỏa lớn đối với nguồn vốn đầu tư vào TP và đầu tư của TP ra vùng ĐNB và cả nước.

Theo chuyên gia về GT vận tải hàng hóa, TPHCM tăng cường các giải pháp như đầu tư xây dựng ngay DA đường VĐ3 (đã được Quốc hội thông qua) và VĐ4 để đưa xe container, ôtô tải lớn ra KV bên ngoài TP không đi vào KV trung tâm TP. Trong đó, nên áp dụng theo mô hình xã hội hóa kêu gọi nhà đầu tư bỏ vốn, XD các hầm chui, cầu vượt ở các nút GT lập thể, nút GT trọng điểm.

Để đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng, TPHCM đề xuất, kiến nghị mở rộng việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương trong một số lĩnh vực quản lý đầu tư, quy hoạch, XD, đất đai, môi trường, ngân sách.

Đặc biệt, cần phân chia cụ thể các vùng hợp lý trên nguyên tắc một địa phương chỉ là thành viên một vùng; tập trung phân cấp mạnh hơn về quản lý và quản lý ngân sách để các tỉnh, TP trong vùng có điều kiện và nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút nguồn lực đầu tư nhằm tạo động lực phát triển.

Ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư XD các công trình GT trọng điểm của các vùng kinh tế trọng điểm; tập trung vốn cho công tác quy hoạch, XD và phát triển hệ thống logistics trong các vùng kinh tế trọng điểm, có sự kết nối với hệ thống cấp quốc gia và liên vùng bao gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBNDTP Phan Văn Mãi đề nghị, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ĐNB phải đặt mục tiêu cao hơn mục tiêu so với cả nước đặt ra, để vừa đóng góp đạt mục tiêu đề ra, vừa là "đầu kéo", "đầu tàu" thật mạnh của cả nước. Từ nghị quyết này sẽ hoàn thiện quy hoạch, do vậy việc lập quy hoạch vùng cần khẩn trương thực hiện; đồng thời đề nghị Bộ KH - ĐT thống nhất vai trò sứ mệnh của mình, trên cơ sở lợi thế của các địa phương phải phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương.

Việc phân cấp, phân quyền, cơ chế vùng phải phân cấp thật mạnh để các địa phương có điều kiện tổ chức thực hiện. Việc kết nối GT liên vùng cần tiếp cận cả hai vấn đề là hạ tầng GT và hạ tầng chuyển đổi số. Chuyển đổi số rất quan trọng, cần tập trung để làm cơ sở cho kết nối, tăng trưởng.

Cánh sát giao thông Công an TPHCM tham gia điều tiết để nhanh chóng giải tỏa ùn tắc

Cánh sát giao thông Công an TPHCM tham gia điều tiết để nhanh chóng giải tỏa ùn tắc

Theo Sở GTVT, hàng hóa qua sân bay chiếm 41 triệu tấn, đăng ký phương tiện là 8,7 triệu và UTGT là nghiêm trọng. Do vậy, TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp cơ bản để kiểm soát tình trạng này tại KV sân bay và cảng biển. Về mạng lưới GT, tuyến đường Vành đai (VĐ) 2 còn 15km chưa khép kín, TPHCM đã có kế hoạch cố gắng hoàn thành trước năm 2030. Đường VĐ3 vừa qua được Quốc hội thông qua và sẽ tiếp tục triển khai, riêng tuyến VĐ4 cũng sẽ cố gắng triển khai sớm. Do vậy, với những tuyến VĐ, TPHCM đã có kế hoạch làm việc với các tỉnh liên quan để đảm bảo tiến độ.

Giao thông phát triển, kinh tế sẽ phát triển

Với 5 tuyến quốc lộ (QL) 1, 50, 22, 13, 1K đều không phát triển theo quy hoạch, vừa qua Bộ KH-ĐT đã hỗ trợ bố trí vốn từ ngân sách Trung ương đối với hai dự án (DA) QL, dự kiến sẽ triển khai trong quý IV-2022. Kiến nghị liên quan đến lĩnh vực GT, Sở GTVT TPHCM cho rằng Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần chia thành 5 tổ công tác, với sự tham gia của sở, ngành liên quan thuộc các tỉnh, thành để giải quyết khó khăn, vướng mắc. Sở GTVT TPHCM cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ thêm chi phí để các địa phương tiến hành giải phóng mặt bằng đối với các DA đường VĐ, cao tốc.

Về vấn đề này, tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBNDTP Phan Thị Thắng cho rằng chưa có đánh giá cụ thể về việc UTGT làm mất bao nhiêu phần trăm tổng sản phẩm - GRDP (chỉ tiêu kinh tế tổng hợp quan trọng trong năm), các tỉnh, thành nên cùng ngồi lại tính toán. Giao thông phát triển thì kinh tế mới phát triển theo, dù có nhiều quyết sách để giải quyết nhu cầu GT nhưng việc ách tắc ở cửa ngõ TPHCM khiến việc lưu thông giữa các tỉnh, thành gặp khó khăn, gây cản trở sự phát triển kinh tế rất lớn... Trong liên kết vùng cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò của các bộ chuyên ngành.

Ám ảnh tình trạng kẹt xe

Ám ảnh tình trạng kẹt xe

Theo UBNDTP, thời gian tới, TPHCM cần thường xuyên rà soát, điều chỉnh tại các nút GT, các tuyến đường theo thẩm quyền, như cấm, hạn chế hoạt động phương tiện cơ giới cá nhân để ưu tiên hoạt động của phương tiện GT công cộng khi cần thiết; tăng cường duy tu, bảo trì hệ thống cầu đường bộ, tín hiệu GT, đảm bảo GT thông suốt, an toàn và điều kiện hoạt động của các công trình. Tổ chức một cách khoa học đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ phần mềm cùng các trang thiết bị hiện đại xây dựng hệ thống GT thông minh phục vụ quản lý, khai thác vận hành kết cấu hạ tầng GT đô thị.

Bên cạnh đó, TPHCM tập trung nguồn lực, ưu tiên nguồn vốn ngân sách để thực hiện các DA khép kín đường VĐ2, XD đường VĐ3, đường trên cao số 1 và số 5, các tuyến QL theo quy hoạch, các công trình hạ tầng GT kết nối khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng Cát Lái, Cảng Hiệp Phước... và một số nút GT trọng điểm, đặc biệt chú trọng những tuyến cửa ngõ TPHCM.

Khó khăn về nguồn vốn cùng vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, dân số và phương tiện GT tiếp tục tăng, các giải pháp hạn chế phương tiện GT cá nhân chưa được triển khai, chưa có các loại hình vận tải khối lượng lớn, tình trạng ngập nước, lấn chiếm lòng đường vỉa hè, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia GT có chuyển biến nhưng chưa đi vào chiều sâu... đã ảnh hưởng rất lớn đến trật tự an toàn GT tại TPHCM.

Bên cạnh đó, việc phát triển đô thị hiện nay vẫn còn mất cân đối lớn giữa quy mô phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Sự liên kết giữa hệ thống GT đô thị TPHCM với hệ thống GT các KV lân cận trong vùng còn thiếu và gặp nhiều khó khăn. Cấu trúc không gian đô thị chưa hợp lý, tỷ lệ quy hoạch sử dụng đất cho công trình hạ tầng GT và công cộng chưa cao, trong khi GT đường thủy chưa phát huy xứng tầm.

Ngân Linh - Quốc Phong

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/un-tac-giao-thong-lam-thiet-hai-hon-132-ngan-ty-dong-moi-nam_133915.html